| Hotline: 0983.970.780

Dịch lở mồm long móng bùng phát, Quảng Trị vẫn chưa mua được vacxin

Thứ Hai 09/09/2024 , 08:36 (GMT+7)

Dịch lở mồm long móng đã lây lan trên diện rộng và diễn biến phức tạp, nhưng đến ngày 6/9, Quảng Trị mới mở gói thầu đầu tiên mua vacxin tiêm phòng vụ thu.

Người dân huyện Cam Lộ đưa bê bị bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân huyện Cam Lộ đưa bê bị bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: Võ Dũng.

Theo thông tin mới nhất, ngày 4/9, dịch lở mồm long móng đã xuất hiện trên đàn vật nuôi của 10 hộ dân xã Thanh An, huyện Cam Lộ. Bò bị bệnh vào ngày 31/8 và người dân đã tự dùng chanh, khế để chữa trị. Đến sáng 5/9 có 1 con bê đã chết.

Bước đầu, ngành thú y huyện Cam Lộ xác định bệnh tự phát tại chỗ trên đàn bò không được tiêm phòng vụ xuân 2024. Nguy cơ dịch phát sinh, lây lan ra diện rộng là rất cao do tập quán chăn thả gia súc; trâu bò không được tiêm phòng vacxin lở mồm long móng vụ xuân 2024.

Trước đó, ngày 27 và 28/8, dịch lở mồm long móng cũng đã xuất hiện tại các xã Hiền Thành, Vĩnh Ô của huyện Vĩnh Linh khiến 39 con trâu bò tại địa phương này mắc bệnh.

Như vậy, sau các huyện Hướng Hóa, Đakrông, 2 huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ tiếp tục xuất hiện dịch lở mồm long móng. Tính đến 17 giờ ngày 6/9, tại Quảng Trị đã có 558 con trâu bò tại 4 huyện, 9 xã, 24 thôn của 181 hộ dân mắc bệnh. Cơ quan chức năng và người dân đã phải tiêu hủy 26 con trâu bò mắc bệnh.

Trước tình hình thiếu vacxin và hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch, ngày 22/8, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ 27 nghìn liều vacxin lở mồm long móng type O và A; 3.500 lít hóa chất Benkocid và Via Iodine từ nguồn dự trữ quốc gia.

Sau khi nhận hỗ trợ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị đã cấp cho các địa phương tổ chức tiêm phòng. Trước đó, một số đơn vị cung ứng bò giống giải ngân các Chương trình Mục tiêu Quốc gia để xảy ra dịch lở mồm long móng tại huyện Hướng Hóa mua gần 800 liều vacxin lở mồm long móng; UBND huyện Đakrông cũng đã trích ngân sách mua vacxin để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tính đến ngày 6/9, Quảng Trị đã tiêm phòng được trên 15.000 liều vacxin lở mồm long móng/84.000 con trâu bò (gần 18% tổng đàn). Trong số này, đa phần là nguồn vacxin hỗ trợ, số còn lại là nguồn của các huyện (trên 1,5 nghìn liều).

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vacxin lở mồm long móng trên đàn trâu bò tại tỉnh Quảng Trị trong vụ xuân 2024 đạt  chưa đến 13,7% so với tổng đàn và hiện đã hết thời gian miễn dịch. Với điều kiện thời tiết chuyển mùa như hiện nay, nguy cơ rất cao dịch tiếp tục lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, tính đến ngày 6/9, Quảng Trị vẫn chưa mua được vacxin để tiêm phòng vụ thu.

Tính đến chiều 6/9, sau khi nhận hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT, Quảng Trị đã tiêm phòng được gần 15,1 nghìn liều vacxin lở mồm long móng. Ảnh: Võ Dũng.

Tính đến chiều 6/9, sau khi nhận hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT, Quảng Trị đã tiêm phòng được gần 15,1 nghìn liều vacxin lở mồm long móng. Ảnh: Võ Dũng.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cho hay, do phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các thông tư hướng dẫn của bộ chuyên ngành, chờ Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết nên kế hoạch mua sắm vacxin, hóa chất phòng chống dịch năm 2024 phải đến ngày 22/8 UBND tỉnh mới phê duyệt.

"Đến ngày hôm nay (6/9) mới mở thầu gói đầu tiên mua vacxin tiêm phòng vụ thu và cũng không biết lúc nào mới có vacxin, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố", ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị thông tin.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Canh tác hữu cơ trên đồng lúa Thái Bình

Những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường đã được nông dân Thái Bình quan tâm, chú trọng thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.