| Hotline: 0983.970.780

Dịch lở mồm long móng lây lan tại Quảng Trị: Cần cơ chế đặc thù cho bò dự án

Thứ Năm 22/08/2024 , 13:48 (GMT+7)

Dịch lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp, Quảng Trị cần cơ chế đặc thù trong việc tiếp nhận đàn bò giống từ các chương trình dự án.

Ông Hà Sỹ Đồng (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịchThường trực UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng chống dịch lở mồm long móng tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hà Sỹ Đồng (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịchThường trực UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng chống dịch lở mồm long móng tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Theo thông tin mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, từ ngày 29/6 đến 16h ngày 21/8, bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện tại 76 hộ chăn nuôi, 14 thôn, 6 xã thuộc 2 huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông, khiến 150 con trâu bò mắc bệnh, trong đó có 3 con chết.

Ngày 16/8, UBND huyện Hướng Hóa công bố dịch lở mồm long móng tại xã Húc. Ngày 21/8, UBND huyện Đakrông cũng đã công bố dịch lở mồm long móng tại xã Ba Lòng.

Điều đáng nói, tại nhiều địa phương của huyện Hướng Hóa, cơ quan chức năng xác nhận, bệnh lở mồm long móng phát sinh từ đàn bò thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc và miền núi sau đó lây lan ra đàn gia súc địa phương.

Theo nhận định của của Sở NN-PTNT Quảng Trị, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do người dân chưa chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khi nhận con giống từ các chương trình dự án về, người dân nhốt chung với bò của gia đình, chăn thả trâu bò bị bệnh với trâu bò chưa mắc bệnh…

Liệu đây có phải là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng tại Quảng Trị thời gian qua?

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho rằng, bò dự án nhập vào địa bàn tỉnh dù được tiêm đầy đủ vacxin vẫn có thể phát bệnh, đặc biệt là khi thay đổi môi trường, khí hậu, điều kiện nuôi nhốt. Tuy nhiên, cũng không phải ngẫu nhiên sự việc trên lại xuất hiện liên tục như vậy.

Về vấn đề này, ông Quốc cho biết sẽ kiến nghị Chi cục Thú y vùng III xem xét lại quy trình tiêm và kiểm dịch động vật đối với trâu bò dự án được đưa vào tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua.

"Chúng tôi đang tập trung công tác phòng chống dịch bệnh. Về nguyên nhân cụ thể thì có rất nhiều nhưng sẽ bàn sau", ông Quốc cho hay.

Để thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Quảng Trị cần số lượng lớn trâu bò nhập từ các địa phương khác về. Điều đó gây ra áp lực lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Liệu có cần một cơ chế đặc thù, yêu cầu nuôi tân đáo trước khi cấp cho người dân không?

Trước câu hỏi của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Quốc cho rằng, Luật Thú y không quy định nên địa phương có thể tạo ra cơ chế đặc thù theo đúng quy định pháp luật. Thẩm quyền này, theo ông Quốc thuộc HĐND tỉnh.

Dịch lở mồm long móng đã xuất hiện tại huyện Đakrông. Ảnh: Võ Dũng.

Dịch lở mồm long móng đã xuất hiện tại huyện Đakrông. Ảnh: Võ Dũng.

"Nếu có được cơ chế đặc thù như vậy thì tốt quá! Luật không bắt buộc nuôi tân đáo nhưng nếu làm được như thế sẽ đỡ áp lực cho công tác phòng chống dịch bệnh", ông Quốc cho biết thêm.

Còn ông Lê Hồng Minh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Hướng Hóa cũng cho rằng, để giảm tối đa nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, đơn vị trúng thầu cần nuôi cách ly tập trung ít nhất 1 tuần trước khi cấp cho người dân.

Dịch lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp nhưng do thiếu nguồn vacxin nên Quảng Trị hiện mới tiêm được gần 800 liều vacxin. Trước tình hình này, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ xin cấp nguồn vacxin để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Mới đây, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo huyện Hướng Hóa triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khống chế, dập tắt các ổ dịch; ưu tiên việc tiêm phòng vacxin lở mồm long móng, chủ động bố trí kinh phí phòng chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vacxin. Ngành thú y phải quản lý chặt chẽ ổ dịch; tạm thời ngừng mua bán, giết mổ gia súc mẫn cảm với bệnh lở mồm long móng...

Xem thêm
Kỹ thuật phối giống cho bò sinh sản

THÁI NGUYÊN Kỹ thuật phối giống đóng vai trò then chốt trong quy trình chăn nuôi bò sinh sản. Phối giống sai cách, bò sẽ khó có thai hoặc không sinh được bê con.

Một xã lãi 15 - 16 tỷ đồng nhờ dưa chuột vụ đông

Nghệ An Có những ngày xã thu hoạch đến 100 tấn dưa chuột, thu về trên 1 tỷ đồng. Lãi ròng từ riêng cây dưa chuột vụ đông của xã ước đạt 15 - 16 tỷ đồng.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.