| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi tại Hải Dương chững lại

Thứ Năm 24/10/2019 , 08:23 (GMT+7)

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cho biết, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh có chiều hướng chững lại, nhiều địa phương đã khống chế được dịch bệnh và công bố hết dịch.

 

 Các địa phương thực hiện phun khử trùng, tiêu độc tuyến giáp ranh.

Tính đến hết ngày 20/10/2019, toàn tỉnh đã có 245 trên tổng số 255 xã, phường, thị trấn có dịch đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Trong đó, có 216 xã đã công bố hết dịch bệnh. 8 huyện, thành phố có toàn bộ các xã, phường, thị trấn qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch là: TP Hải Dương, Chí Linh, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện và Kinh Môn.

DTLCP tại tỉnh đã từng bước được kiểm soát, số lượng lợn tiêu hủy đã giảm mạnh.

“Tuy nhiên, cũng không được chủ quan trước DTLCP, nguy cơ tái phát rất cao do thời tiết mưa nắng thất thường ảnh hưởng tới sức khỏe đàn vật nuôi; mầm bệnh đã xuất hiện, tồn tại ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Hơn nữa, bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị, đường truyền lây phức tạp, khó kiểm soát; mầm bệnh có sức đề kháng rất cao với môi trường”, ông Hoạt nhấn mạnh.

Hiện tại, bệnh DTLCP tại tỉnh đã từng bước được kiểm soát, số lượng lợn tiêu hủy đã giảm xuống khoảng 20 - 30 con/ngày (trước đây nhiều ngày tiêu hủy trên 4.000 con), nhiều địa phương đã khống chế được dịch bệnh và công bố hết dịch; có thể mầm bệnh đã giảm độc lực.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Giàng cũng cho biết, ngày 30/3 huyện ghi nhận ổ dịch đầu tiên. Trong khoảng 2 tháng đầu, dịch bùng phát và lây lan mạnh mẽ. Tuy nhiên vào khoảng cuối tháng 6 thì dịch bắt đầu có chiều huống chậm lại, lượng lợn chết giảm đi đáng kể. Ngày 13/7, huyện ghi nhận ổ dịch cuối cùng. Cho tới nay đã được gần 2 tháng huyện công bố hết dịch và cũng không bị tái phát ổ dịch nào.

Để đạt được điều đó, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra. Công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh. Từ đó, người chăn nuôi có ý thức cao hơn trong công tác, phòng chống dịch.

Cùng đó, huyện cũng thường xuyên khuyến cáo bà con tăng cường cho lợn ăn bổ sung vitamin, khoáng chất và các loại thảo dược để tăng cường sức đề kháng giúp lợn tăng cường khả năng kháng bệnh.

Ông Vũ Văn Hoạt thông tin: Dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm nhưng tỉnh vẫn khuyến cáo các địa phương tiếp tục phòng chống không được chủ quan trước DTLCP. Đặc biệt sau khi nhận tiền hỗ trợ thiệt hại, người chăn nuôi lợn nên hạn chế tái đàn vào thời điểm này nhằm tránh sự tái nhiễm dịch.

Trước mắt tỉnh đang có chủ trương thực hiện tái đàn tại chỗ, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chưa bị dịch tiếp tục thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn. Đặc biệt, phải bảo vệ đàn lợn nái đảm bảo cung cấp con giống để khôi phục chăn nuôi sau khi đủ điều kiện nuôi tái đàn. Các hộ chăn nuôi đã bị dịch thực hiện cải tạo chuồng trại, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh và không nhập lợn giống vào nuôi. Thực hiện tái đàn từng bước, từng vùng đảm bảo ATDB.

Công tác tiêu độc, khử trùng được người chăn nuôi rất chú trọng, vôi bột luôn trắng chuồng.

Khi tỉnh có chủ trương tái đàn, các chủ chăn nuôi muốn tái đàn phải thực hiện đăng ký và cam kết với chính quyền địa phương về số lượng, chủng loại lợn, về điều kiện vệ sinh thú y, ATSH và thực hiện khai báo khi có lợn ốm chết; chính quyền địa phương kiểm tra thực tế nếu đủ điều kiện mới cho phép tái đàn.

Cùng đó, tiến hành hướng dẫn các trang trại đủ điều kiện tái đàn nhập con giống của các cơ sở sản xuất giống uy tín, chất lượng, đảm bảo không mang mầm bệnh DTLCP. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn cần chủ động chuyển sang các đối tượng nuôi khác phù hợp với điều kiện của địa phương và gia đình. Phát triển chăn nuôi gia cầm ở các hộ có chuồng trại đảm bảo ATSH.

Về lâu dài cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; từng bước chấm dứt chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020”

Ông Hoạt cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động triển khai tổng hợp các nhóm giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP, trong đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến ngay các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với sử dụng các chế phẩm sinh học, các mô hình chăn nuôi lợn không mắc bệnh...

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh DTLCP đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Các địa phương bị dịch đã qua 30 ngày, nếu kiểm tra, đánh giá thực tế đảm bảo các điều kiện an toàn dịch thì thực hiện công bố hết dịch theo quy định.

 

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.