| Hotline: 0983.970.780

44% số xã có dịch tả lợn Châu Phi đã qua 30 ngày

Thứ Năm 17/10/2019 , 10:00 (GMT+7)

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 15/10, cả nước có 3.612 xã (44% tổng số xã có dịch tả lợn Châu Phi) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố qua 30 ngày.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cuối năm luôn là thời điểm cao điểm của các loại dịch bệnh, đặc biệt năm 2019 nguy cơ còn nhân lên gấp nhiều lần bởi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát từ tháng 2 đến nay. Do đó, hội nghị này là cơ hội chúng ta nhìn nhận, đánh giá những nguy cơ lớn, tiềm tàng của ngành chăn nuôi, từ đó đạt được miêu tiêu phát triển ổn định, bền vững.

Phát biểu tại hội nghị "Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững" sáng 17/10, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết: Từ cuối năm 2018 đến nay trên thế giới có 28 nước bị dịch tả lợn Châu Phi. Tại châu Á, toàn bộ các nước có biên giới xung quanh Việt Nam đều đã bị nhiễm dịch, kể cả những quốc đảo như Philippines.

Từ ngày 17 - 27/9/2019, Hàn Quốc là nước công bố ca nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tiếp giáp biên giới Triều Tiên, mặc dù huy động cả lực lượng quân đội để bắn giết lợn hoang, lợn rừng song chỉ trong vòng 10 ngày Hàn Quốc đã phát sinh thêm 14 ổ dịch tả lợn Châu Phi với hàng chục nghìn con lợn phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, theo số liệu của các chuyên gia, truyền thông quốc tế, đến thời điểm hiện tại trên 200 triệu con lợn đã bị chết và tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi và tổng đàn lợn của nước này có thể sẽ giảm tới 55% vào cuối năm 2019.

Tính đến ngày 15/10, tại nước ta, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên 8.200 xã, hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành. Tổng số lợn tiêu hủy 5,6 triệu con, với tổng sản lượng hơn 320.000 tấn, chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, tình hình dịch tả lợn Châu Phi qua thống kê ngày càng giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp, trang trại, người chăn nuôi không được lơ là, chủ quan mà luôn phải đảm bảo tốt nhất các biện pháp an toàn sinh học.

Trong đó, có 4.632 xã thuộc 606 huyện của 63 tỉnh, thành chưa qua 30 ngày. Có 3.591 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày. Số xã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh tăng theo từng tháng. Cụ thể, từ tháng 4 - 6/2019 có 480 xã qua 30 ngày; Từ tháng 7 - 9/2019 có thêm 3.111 xã qua 30 ngày.

Hiện có 10 tỉnh, thành phố có trên 80% số xã bị dịch đã qua 30 ngày là: Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Giang. Riêng tỉnh Hưng Yên đang chuẩn bị tiến hành các thủ tục công bố hết dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Cục Thú y nhận định, số liệu phân tích diễn biến dịch bệnh theo từng tháng ở trên cho thấy số xã và số lợn buộc phải tiêu hủy đã giảm mạnh từ tháng 6/2019. Tuy nhiên, do dịch tả lợn Châu Phi chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh, vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, sức đề kháng cao nên các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp, trang trại không được lơ là, chủ quan mà luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt, cao nhất và đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học.

Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục phát tán và lây lan theo 3 hướng sau: Đó là lây lan nhanh trên các địa bàn chưa có dịch; Tái phát tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày; Dịch có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.