| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi: Trong thách thức, có cơ hội!

Thứ Sáu 12/04/2019 , 11:50 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng bộ môn Vi rút (Viện Thú y) đánh giá: dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) hiện nay vừa là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tái tổ chức lại ngành chăn nuôi theo an toàn sinh học.

 

17-02-00_imge
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng

Hiện nay, đã có nhiều ổ dịch ở các địa phương công bố hết dịch (hoặc sắp công bố hết dịch). Theo ông, đâu là yếu tố khiến chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, dịch đã có dấu hiệu chững lại. Liệu thời gian tới, dịch có thể được khống chế không, thưa ông?

Phải khẳng định, với sự vào cuộc và triển khai nhiều giải pháp chống dịch của các bộ ngành, địa phương, trong đó, đặc biệt là thúc đẩy chăn nuôi theo an toàn sinh học, công tác chống dịch đã có chuyển biến và hiệu quả trên thực tế giúp một số ổ dịch đã được khống chế, hạn chế phần nào sự lây lan.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là hết dịch trong phạm vi từng ổ dịch, vùng dịch cụ thể, chứ chưa thể khẳng định là đã khống chế được dịch một cách bền vững. Tôi cho rằng, chúng ta chưa thể tự tin sẽ khống chế hoàn toàn được dịch trong nay mai, mà nguy cơ xảy ra dịch vẫn sẽ rất cao, bởi virus vẫn tồn tại lâu dài trong môi trường, nhất là trong điều kiện chăn nuôi và kiểm soát giết mổ của chúng ta hiện nay.

Chúng ta đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Đây là khâu rất quan trọng để có thể khống chế và kiểm soát được DTLCP nói riêng và các loại dịch bệnh khác nói chung.

Tuy nhiên, chăn nuôi an toàn sinh học cũng chỉ là một trong hai vế để có thể khống chế được dịch bệnh về lâu dài, bởi việc quản lí giết mổ và kiểm soát lưu thông các sản phẩm thịt lợn cũng phải được siết chặt. Đây là hai công tác cần phải được tiến hành song song. Nếu không quản lí được công tác giết mổ và lưu thông, phân phối sản phẩm thịt lợn, thì không thể nào tự tin khẳng định sẽ khống chế được dịch một cách triệt để.

Việc chăn nuôi an toàn sinh học chỉ đảm bảo an toàn dịch bệnh ở trang trại, chứ không đảm bảo được an toàn dịch bệnh chung cho cả xã hội. Ở nhiều nơi, ông đồ tể chỉ với cái xe cà tàng, con dao với cái thừng đến nhà có lợn. Chỉ mươi phút là đã làm xong con lợn, chở thân thịt về cho vợ bán ngoài chợ, hoặc đem rao bán trên đường. Ai kiểm soát được việc ông ta mổ con lợn lành hay lợn ốm?

Hãy nhớ rằng, không chỉ bệnh DTLCP, mà các loại dịch bệnh khác nữa chỉ có thể kiểm soát được khi kiểm soát được việc giết mổ và phân phối thịt lợn. Để quản lí được công tác giết mổ và phân phối các sản phẩm thịt lợn, cũng không thể đổ hết công việc và trách nhiệm cho riêng ngành thú y, ngành nông nghiệp, mà còn cần cả sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp khác như quản lí thị trường, công an, y tế...

17-02-00_thilonmssn1
Tổ chức, quản lí giết mổ phải đi song song với chăn nuôi an toàn sinh học mới đảm bảo bền vững trước các dịch bệnh, trong đó có DTLCP

Ông có nói, DTLCP lần này là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi lợn của chúng ta, nhưng trong thách thức ấy cũng có cơ hội. Vậy cơ hội ở đây là gì?

Đó là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành hàng chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, là dịp để chính bản thân những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tuân thủ về các nguyên tắc an toàn sinh học buộc phải nhìn nhận ra vấn đề, nhận ra tầm quan trọng của việc phải áp dụng chăn nuôi theo an toàn sinh học.

Bản thân tôi, đã từng nhiều năm đi triển khai tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học cho dự án Lifsap. Dự án phát cả quần áo bảo hộ, dụng cụ chuồng trại như xe cút kít, xẻng... cho hộ chăn nuôi, bảo là quy định dụng cụ ấy, đồ bảo hộ ấy chỉ sử dụng ở trong chuồng, không được đưa ra ngoài hoặc sử dụng làm việc khác. Thế nhưng họ chẳng nghe, tai nọ xọ tai kia, rồi lại đâu vào đấy. Ở các nước chăn nuôi tiên tiến, người ta còn phải đầu tư tốn kém để lọc cả không khí cho chuồng trại chăn nuôi. Không phải vì sẵn tiền mà họ làm như vậy. Đó là vì sức ép của dịch bệnh. Còn chúng ta thì ngay cả những việc nhỏ như thế vẫn không tuân thủ được, thì làm sao có thể đảm bảo an toàn sinh học?

Chúng ta nói an toàn sinh học, nhưng để phổ biến, từng hộ chăn nuôi tuân thủ được thì không hề đơn giản, thậm chí là cả một quá trình dài. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm, hay không làm được, mà chúng ta cần phải bắt tay làm ngay những việc cụ thể tới tận cơ sở, tới từng hộ chăn nuôi thì mới dần dần chuyển biến được. Người chăn nuôi cũng phải hiểu, nhà nước chỉ đưa được những quy trình kỹ thuật, phổ biến, chuyển giao, khuyến cáo về chăn nuôi an toàn sinh học thôi, chứ thực hiện là việc mà bản thân họ phải làm chứ không ai làm thay được.

Hiện nay, do không được vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch, nên nhiều nơi, việc tiêu thụ, thông thương lợn ra thị trường rất khó khăn, dẫn tới ùn ứ lợn. Có giải pháp nào để đảm bảo vừa khống chế được dịch, vừa đảm bảo cho phân phối, lưu thông thị trường thịt lợn bình thường?

Đặc thù chăn nuôi lợn của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, và chúng ta không cần học đâu xa, mà học ngay chính cách làm của họ trong khống chế DTLCP.

17-02-00_img_5608_ph_loc_thit_mt
Chế biến thịt lợn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Thông thường, các tỉnh phía nam Trung Quốc như Quảng Đông rất thiếu thịt lợn, nên họ cũng phải chuyển một lượng lớn lợn thịt từ các tỉnh phía đông bắc như Hắc Long Giang, Liêu Ninh xa xôi về các tỉnh phía nam. Để kiểm soát DTLCP, họ đã cấm chở lợn sống (có tin sẽ cấm hoàn toàn vận chuyển lợn sống từ tháng 5/2019). Thay vào đó, họ chỉ cho phép vận chuyển sản phẩm thịt lợn đã qua giết mổ và có kiểm soát. Các lò mổ phải có sự kiểm soát chặt chẽ về điều kiện vệ sinh thú y, cơ sở giết mổ và sản phẩm thịt lợn sau khi giết mổ nếu xét nghiệm không có virus DTLCP thì sẽ được tự do lưu thông trên diện rộng một cách bình thường. Xe chuyên chở sản phẩm thịt lợn sau khi giết mổ phải là xe lạnh chuyên dụng, có kẹp chì...

Nói thế để thấy, để đảm bảo khống chế dịch bệnh nói chung, vừa đảm bảo lưu thông thịt lợn bình thường, thì cả khâu chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát giết mổ phải cùng đi song song. Theo đó, chúng ta muốn làm được như Trung Quốc, thì trước hết phải tổ chức được hệ thống các cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, hệ thống vận chuyển, lưu thông, phân phối... một cách bài bản, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Về lâu dài, để tổ chức từ chăn nuôi tới tiêu thụ, lưu thông một cách bài bản như vậy, chúng ta còn phải thay đổi cả về thói quen tiêu dùng của người dân, chuyển từ thói quen thịt nóng sang thịt mát. Ở châu Âu, con bò mổ xong 7 ngày sau mới được xả thịt, lợn 3 ngày sau mới được xẻ thịt, phải trải qua khâu làm lạnh nhanh theo quy trình thịt mát. Điều này bên cạnh yếu tố đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, còn giúp hạn chế dịch bệnh rất lớn.

Giá lợn đang lên, một số ổ dịch đã công bố hết dịch nên nhiều người chăn nuôi đang rất háo hức muốn tái đàn, tăng đàn lợn. Ông có khuyến cáo nào cho người chăn nuôi trong thời điểm này?

Như đã nói, mặc dù một số ổ dịch đã hết dịch, nhưng nguy cơ dịch hiện vẫn còn. Trước khi xảy ra dịch ở Việt Nam, nguy cơ đó đến từ Trung Quốc và đã trở thành hiện thực. Nguy cơ từ Trung Quốc hiện vẫn còn nguyên vẹn, lại thêm nguy cơ từ ngay trong nước và Campuchia. Như vậy nguy cơ xảy ra dịch tại thời điểm hiện tại lớn hơn thời điểm trước khi xảy ra dịch (tháng 2/2019). Điều đó có nghĩa, nguy cơ lây lan dịch vẫn đang thường trực và hiện hữu.

Vì vậy, với những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học thì chưa nên tái đàn. Việc tái đàn chỉ nên thận trọng ở những hộ chăn nuôi trang trại lớn, có đủ điều kiện, tiềm lực để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Xin cảm ơn ông!

Dù đã cấm rất nghiêm ngặt việc vận chuyển lợn sống, thậm chí các xe chở lợn phải đăng ký và được gắn thiết bị GPS để theo dõi hành trình…, DTLCP vẫn cứ lan và đã lan ra toàn bộ Trung Quốc, thậm chí đến những nơi hẻo lánh như Vân Nam, Tân Cương, Tây Tạng. Chỉ hai ngày sau khi có dịch ở Thẩm Dương, khách du lịch Trung Quốc đã đem xúc xích (lạp xường) có virrus DTLCP sang Hàn Quốc. Sau đó, xúc xích, há cảo, bánh bao… của Trung Quốc có chứa virus DTLCP cũng đã được phát hiện ở Đài Loan, Nhật Bản, Bangkok (Thái Lan), Australia…

Điều này cho thấy nguy cơ rằng, chúng ta không chỉ quyết liệt phòng chống dịch ở trong nước, mà còn phải triển khai các biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây lan DTLCP từ bên ngoài vào nước ta nữa. Hiện nay, nhiều nước như Thái Lan, Đài Loan, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đã triển khai các biện pháp phát hiện, ngăn chặn các sản phẩm thịt lợn từ các nước có DTLCP. Đài Loan phạt tới 30 nghìn đô la đối với hành vi mang theo sản phẩm từ thịt lợn vào nước này mà không báo cáo, đến một mẫu bánh mì kẹp xúc xích họ cũng xét nghiệm ra virus DTLCP.

Chó Beagle (chó săn thỏ) có thể dễ dàng đánh hơi để phát hiện các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn, chúng được tăng cường ở các cảng hàng không, cửa khẩu, cảng biển... để phát hiện các sản phẩm thịt lợn. Đây là những công tác mà chúng ta cần phải triển khai.

(TS Nguyễn Tiến Dũng)

 

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất