| Hotline: 0983.970.780

Dịch tai xanh lây lan tại phía Nam

Thứ Hai 03/10/2011 , 10:33 (GMT+7)

Vào thời điểm người chăn nuôi đang chuẩn bị đồng loạt thả con giống để “đón” lễ, Tết cuối năm thì dịch tai xanh bất ngờ ồ ạt quay trở lại phía Nam...

+ BỘ NN-PTNT CHỈ THỊ KHẨN

+ TPHCM LO DỊCH UY HIẾP

Vào thời điểm người chăn nuôi đang chuẩn bị đồng loạt thả con giống để “đón” lễ, Tết cuối năm thì dịch tai xanh bất ngờ ồ ạt quay trở lại phía Nam. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cuối tuần qua đã có Chỉ thị khẩn (số 2783/CT-BNN-TY) yêu cầu các tỉnh tổng lực ngăn chặn, khống chế không để dịch gây họa…

4 TỈNH ĐANG PHÁT TÁN DỊCH!

Người chăn nuôi sau gần 1 năm phờ phạc vì “bão” tai xanh (năm 2010), mới kịp hồi lại chút đỉnh nhờ giá heo tăng cao những tháng giữa năm 2011, thì bất ngờ trong tháng 9/2011, dịch tai xanh bất ngờ quay trở lại tấn công liên tiếp 4 tỉnh thuộc ĐBSCL.

Theo Cơ quan Thú y Vùng VI, tại Tây Ninh dịch tai xanh đã xảy ra tại xã Thái Bình, xã An Bình, thị trấn Châu Thành của huyện Châu Thành. Tại Long An dịch xảy ra tại xã Vĩnh Công và xã Hiệp Thạnh thuộc huyện Châu Thành (theo thông tin cập nhật mới nhất của NNVN hôm qua 2/10, dịch vừa lan nhanh sang các xã Hòa Phú, Phú Ngãi Trị và Tầm Vu của huyện này). Còn tại Tiền Giang, dịch heo tai xanh đã bùng phát trên địa bàn xã Trung Hòa và Tân Bình Thạnh thuộc huyện Chợ Gạo. Riêng tỉnh Sóc Trăng, dịch đã xuất hiện nhưng tỉnh này vẫn chưa công bố. Tính đến thời điểm này, dịch heo tai xanh đã xảy ra ở 16 xã, thuộc 7 huyện của 4 tỉnh trên, với 3.048 heo mắc bệnh, 684 heo chết và bị tiêu hủy.

Riêng dịch cúm gia cầm, ngoài các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thái Bình, thì tại Long An cũng đang xôn xao thông tin bùng phát dịch cúm gia cầm và tin này đang được Cơ quan Thú y Vùng VI xác minh. Ổ dịch tại Long An xuất hiện được đánh giá sẽ hết sức nguy hiểm nếu đây là dòng virus đã biến đổi (hiện chưa có vacxin phòng chống). Việc này sẽ gây áp lực rất lớn cho TPHCM vì Long An là cửa ngõ nối liền vùng ĐBSCL với Đông Nam bộ.

Trước tình hình nóng bỏng này, cuối tuần qua Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị số 2783/CT-BNN-TY yêu cầu tất cả các tỉnh thành tăng cường công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh gia súc gia cầm lây lan cuối năm. Chỉ thị nêu rõ: Dự báo trong những tháng cuối năm, nguy cơ một số dịch nguy hiểm ở động vật tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do virus tai xanh vẫn lưu hành rộng rãi trong đàn gia súc khỏi bệnh lâm sàng; virus cúm gia cầm đã biến đổi và chưa có vacxin phòng bệnh thích hợp. Việc nhập khẩu gia súc, gia cầm qua các tuyến biên giới diễn biến phức tạp; việc chăn nuôi tái đàn phục vụ cho nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết bắt đầu gia tăng; thời tiết lạnh cuối năm thuận lợi cho các loại mầm bệnh tồn tại và phát triển lây lan…

Vì thế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã đề nghị các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành liên quan tổ chức thực hiện nghiêm chỉ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

HEO TAI XANH VÀO TPHCM

Nỗi lo heo tai xanh bị “bán chạy” gây lây lan dịch bệnh đã thành hiện thực khi cuối tuần qua, Chi cục Thú y TPHCM đã bắt giữ 7 con heo sống và hàng chục kg thịt heo vận chuyển trái phép tại quận Bình Tân có mang mầm bệnh tai xanh. Ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM lo lắng cho biết, nguy cơ bùng phát dịch tiềm tàng rất lớn ở những hộ chăn nuôi tạm cư nằm rải rác ở các quận, huyện như: Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, đa phần số hộ hộ nuôi này có hệ thống chuồng trại tạm bợ, điều kiện vệ sinh ở mức tối thiểu, heo nuôi không được tiêm phòng đầy đủ…

 Trong tổng số 567 hộ nuôi với tổng số heo 47.251 con nuôi tự phát ở thành phố thì Bình Chánh có tới 273 hộ, Bình Tân 194 hộ và Hóc Môn có 46 hộ. Đây là những hộ nuôi lấy công làm lời, chuyên đi thu gom thức ăn thừa từ các khu vực khác nhau trong thành phố nên nguy cơ mang theo mầm bệnh rất cao.

Bộ NN-PTNT cũng vừa có Công điện số 19/CĐ-BNN gửi các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Sóc Trăng về việc tập trung phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh tai xanh. Các tỉnh phải khẩn trương công bố dịch; tiêu hủy heo mắc bệnh và tiêu độc khử trùng vùng dịch; lập chốt kiểm dịch, cấm vẫn chuyển heo ra ngoài vùng dịch. Các tỉnh cũng phải tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển và kiểm dịch tại gốc; sử dụng vacxin tai xanh tiêm phòng bao vây ổ dịch, đồng thời cấm giết mổ, buôn bán thịt heo tại vùng dịch.

Đặc biệt, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương giấu dịch, phát hiện chậm, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt để dịch lây lan kéo dài, những tổ chức cá nhân làm phát sinh dịch.

Đáng ngại nhất là tại điểm nóng thuộc khu vực kiểm soát của Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức. Bà Đặng Thị Tuyết – Trưởng trạm cho biết, những ngày qua Trạm bắt giữ hàng chục vụ vi phạm lớn, tiêu biểu như: Vụ bắt giữ xe khách 76K-7850 (Hãng xe Chín Nghĩa) từ bến xe Quảng Ngãi về bến xe Miền Đông TPHCM, vận chuyển 150 kg da mỡ heo hôi thối và nhiều thùng hàng thịt pha lóc và gà thịt không giấy kiểm dịch; bắt giữ xe khách 60S-0335 (Hãng xe Sang) từ Tiền Giang về Đồng Nai, vận chuyển 4.000 quả trứng và 186 con vịt không kiểm dịch; bắt giữ xe tải 92C-00777 từ Quảng Nam về TPHCM vận chuyển 27 con heo đã giết mổ và 53 con heo sữa không có dấu KSGM, bên trong thân thịt còn phủ tạng; một số heo xuất huyết điểm trên da và bốc mùi hôi thối…

Trước nguy cơ dịch “tấn công” vào vùng dân cư lớn nhất nước, gây tác hại khó lường về kinh tế, xã hội, ông Nguyễn Phước Trung – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các quận, huyện trên địa bàn tăng cường giám sát, kiểm tra các hoạt động chăn nuôi, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, mua bán trái pháp gia súc, gia cầm ra vào thành phố.

Ông Trung cũng yêu cầu Chi cục Thú y tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình lưu hành vi rút tai xanh tại các cơ sở chăn nuôi, nhất là ở các vùng ổ dịch cũ, vùng chăn nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi nhập cư để có biện pháp xử lý kịp thời.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm