Công ty trách nhiệm hữu hạn xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (Công ty VARS) đang thực hiện dự án "Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn". Dự án này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội và cộng đồng trồng và khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp "Góp một cây để có rừng".
Trong 3 năm qua, Công ty VARS cùng với chính quyền các huyện ở hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình trồng được hơn 521 ha rừng, tương đương với trên 617.000 cây giống bản địa như lim, huệng, vàng tâm, lát, xoan…
Tại tỉnh Quảng Bình các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp cho nhiệm vụ phát triển rừng bền vững bằng các loại cây trồng và được bà con tham gia nhiệt tình, trong đó có chương trình trồng rừng thay thế bằng cây bản địa đã có được kết quả đáng khích lệ. Đến nay, Quảng Bình đã có hàng trăm hộ dân tham gia với cách trồng các loại cây dược liệu, cây ngắn ngày dưới tán rừng.
Trong thời gian qua, các cấp ngành tỉnh Quảng Bình đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân trồng rừng. Đồng thời từng bước hướng dẫn bà con lồng ghép các dự án phát triển các loài cây lâm nghiệp lâu năm với các loại cây đa mục tiêu, ngắn ngày nhằm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, ngày càng ổn định đời sống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho hay: “Với mục tiêu đến năm 2025, Quảng Bình có hơn 100 ngàn ha rừng trồng nguyên liệu, trong đó diện tích rừng gỗ lớn và cây bản địa là trên 16.200 ha”.
Huyện Tuyên Hóa là địa phương triển khai rộng dự án trồng cây bản địa này. Huyện phối hợp cùng Công ty VARS thực hiện Dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh” là hết sức chủ động và có hiệu quả. Sau 3 năm triển khai thực hiện đã trồng được gần 233 ha rừng bản địa, trong đó năm 2021 và năm 2022 đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện triển khai trồng được gần 181 ha và năm 2023 phối hợp với Phòng NN-PTNT trồng được gần 53 ha.
Việc trồng rừng bản địa đã được triển khai rộng trên địa bàn 13 xã. Đến thời điểm hiện tại toàn bộ diện tích cây đều phát triển xanh tốt, đảm bảo đúng mật độ. Qua thực tế cho thấy, việc xã hội hóa trồng rừng bản địa đã tạo được phong trào trong cộng đồng. Đây là thành quả của hàng ngàn lượt đóng góp của các cá nhân, tổ chức hỗ trợ người dân trồng rừng.
Ông Phạm Anh Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hoá cho hay, thời gian qua huyện tập trung xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất rừng, thu hồi diện tích đất lấn chiếm và xem xét cấp đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý đất đai trên địa bàn huyện.
Sau khi xử lý đã buộc các hộ dân vi phạm trồng lại rừng bằng các loại giống cây lâm nghiệp bản địa nhằm phục hồi diện tích rừng tự nhiên đã bị lấn chiếm. “Người dân đã nâng cao nhận thức, chủ động phát triển rừng, đồng thời trồng các cây dược liệu dưới tán rừng để rồi lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo sinh kế trong thời gian chăm sóc rừng gỗ lớn và cây bản địa”, ông Minh nói thêm.
Cũng theo ông Minh, chương trình phục hồi rừng đầu nguồn phải luôn gắn với mục tiêu sinh kế của người dân. Không chỉ trồng cây gỗ lớn, cây bản địa mà còn chú trọng đến việc nghiên cứu, làm mô hình trồng thêm cây đa mục tiêu như cây dổi lấy hạt hay dược liệu dưới tán rừng, bổ sung sinh kế cho người trồng cây bản địa.
Tại xã Hương Hóa (huyện Tuyên Hóa), gia đình ông Trương Quang Thiết có diện tích rừng trên 25 ha và nhận trồng 8.500 cây bản địa từ Công ty trách nhiện hữu hạn xã hội trồng và phát triển rừng Việt Nam. Đến nay, ông Thiết đã trồng các loại dược liệu như thiên niên kiện, ba kích tím, khôi tía,… xen kẽ dưới cánh rừng. Ông Thiết cho hay: “Sau mỗi kỳ thu hoạch, gia đình tôi có thu nhập được khoảng 250 triệu đồng từ trồng rừng”.