| Hotline: 0983.970.780

Diệt trừ cây mai dương

Thứ Năm 19/03/2015 , 13:53 (GMT+7)

Mai dương sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh, khi sinh sôi mạnh có thể nhanh chóng tạo thành những thảm, rừng cây bụi lớn, lấn át làm các loài cây khác không phát triển được.

Khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đã nghiên cứu thành công biện pháp phun dung dịch muối ăn làm rụng lá cây mai dương để bổ sung vào quy trình tổng hợp diệt trừ loài thực vật ngoại lai nguy hiểm.

Cây mai dương còn có một số tên gọi khác như trinh nữ than gỗ, trinh nữ đầm lầy, trinh nữ nhọn, mắt mèo, trinh nữ nâu, mắc cỡ Mỹ… với tên khoa học là Mimosa pigra thuộc họ Mimosaceae, có nguồn gốc từ Trung Mỹ, được nhập vào miền Nam nước ta từ Indonesia trong những năm 70 của thế kỷ trước. 

Mai dương đã lây lan ở nhiều vùng sinh thái trên phạm vi cả nước. Đây thuộc loại cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi đất trống, ẩm ướt, ven sông suối…Cây cao tới 6 m, phân nhiều nhánh, than và cành có nhiều gai nhọn.

Từ lúc hạt nảy mầm đến khi cây ra hoa, đậu quả, kết hạt và quả chín mất khoảng 8 - 10 tháng. Trái dạng trái đậu, màu nâu, chứa từ 14 - 26 hạt.

Trung bình mỗi cây cho khoảng 10.000 hạt/năm. Hạt có sức sống cao, dễ nẩy mầm khi gặp đất có độ ẩm, phát tán rộng bằng nhiều con đường như gió, nguồn nước, côn trùng, chim và động vật.

Theo Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), giai đoạn 1980 - 1990 diện tích rừng ở Tràm Chim bị cây mai dương xâm lấn chỉ khoảng 10 ha, nay đã lên đến hơn 2.000 ha (25% diện tích rừng), trong đó vài trăm ha cây mọc dày đặc.

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ tính riêng diện tích đất ở các tỉnh vùng ĐBSCL bị cây mai dương xâm lấn lên đến 6.000 ha, còn các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc là trên 10.000 ha.

Mai dương sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh, khi sinh sôi mạnh có thể nhanh chóng tạo thành những thảm, rừng cây bụi lớn, lấn át làm các loài cây khác không phát triển được, đe dọa làm hoang mạc và nghèo hóa đất canh tác, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và các loài động thực vật khác.

Đây là loài thực vật hoang dại rất nguy hiểm, ngoài mức độ gây hại, làm thiệt hại về kinh tế, tài nguyên rất lớn, mức chi phí để loại bỏ nó cũng không hề nhỏ.

Chỉ tính riêng ở VQG Tràm Chim, mỗi năm đơn vị đã phải bỏ ra trên 350 triệu đồng để thuê người chặt, đốt nhưng vẫn không thể tiêu diệt được hoàn toàn, đến mùa mưa cây lại tiếp tục nảy chồi mới và tiếp tục lây lan ngày càng nhanh và rộng hơn.

Theo quy trình phòng trừ tổng hợp cây trinh nữ thân gỗ Mimosa pigra L. ở Việt Nam, có 3 biện pháp cơ bản để diệt cây mai dương là thủ công, hóa học và sinh học được áp dụng cho các VQG, các vùng lòng hồ chứa nước hay các vùng đất ven sông và tại các vùng đất canh tác.

Theo Viện BVTV, biện pháp sinh học đã được tiến hành ở một số nước gồm Úc, Thái Lan… như thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây nhưng đến nay chưa được thực hiện ở nước ta.

Các biện pháp thủ công gồm nhổ bỏ cây non, chặt cây, đào rễ cây trưởng thành để khô rồi đốt. Biện pháp hóa học là kết hợp với việc phát chặt cây trưởng thành cho lên chồi rồi phun các loại thuốc hóa học như Roundup 480SC, Ally 20DF, Glyphosate, Truyclopyr, Paraquat, Metsulfuronmethyl và 2,4D kết hợp với ngâm nước để tiêu diệt cây non.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học thì giải pháp hữu hiệu nhất là tiêu diệt chúng ngay từ nhỏ bằng cách nhổ bỏ cả cây con. Các địa phương cần tổ chức đội ngũ chuyên môn để phổ biến rộng rãi cho cộng đồng biết về tác hại và cách diệt trừ loại cây nguy hiểm này.

Biện pháp mới mà Khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đề nghị bổ sung vào quy trình phòng trừ tổng hợp cây mai dương là phun dung dịch nước muối NaCl pha nồng độ từ 10 - 60 gr/l rồi phun lên cây trưởng thành sẽ gây ra sự mất diệp lục tố và carotenoid, dẫn đến sự mất màu lục và hóa nâu của lục mô ở tử diệp mai dương.

Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, chỉ sau 2 giờ phun dung dịch muối ăn, cây mai dương bị tổn thương lá, cành, 2 tuần sau sẽ rụng hết lá, thuận lợi cho các biện pháp thủ công tiếp theo là chặt, đào bỏ rễ để đem đốt.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là biện pháp cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các biện pháp phun thuốc hóa học vì chi phí giá thành rẻ hơn nhiều lần, có tính khả thi và dễ áp dụng rộng rãi.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm