| Hotline: 0983.970.780

Điều chỉnh dự án phục hồi rừng ven biển Cát Bà

Thứ Năm 02/11/2023 , 09:13 (GMT+7)

UBND TP Hải Phòng vừa gia hạn thời gian thực hiện dự án phục hồi và phát triển rừng ven biển tại quần đảo Cát Bà đến năm 2025.

Trồng rừng phục hồi sinh thái ở đảo Nam Cát. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng rừng phục hồi sinh thái ở đảo Nam Cát. Ảnh: Đinh Mười.

Dự án có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, trong đó chi phí trồng, làm giàu, khoanh nuôi xúc tiến, tái sinh rừng hơn 97,2 tỷ đồng và chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh là 13,9 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện dự án do trung ương cấp từ nguồn của chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hơn 109,9 tỷ đồng, ngân sách TP Hải Phòng hơn 20 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng, mục tiêu của dự án là phát triển rừng ven biển nhằm nâng cao vai trò phòng hộ, giữ đất, làm sạch môi trường, hấp thụ khí nhà kính, góp phần giảm thiểu tác nhân gây biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Thông qua việc trồng rừng sẽ tạo tiền đề phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng cũng như thực hiện nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng. Bên cạnh đó, dự án giúp bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, nâng cao tính đa dạng sinh học, bảo tồn toàn vẹn các giá trị tự nhiên của đảo Cát Bà, gồm các loài động vật, thực vật, cảnh quan trên cạn và dưới biển, đồng thời góp phần thực hiện tốt quy chế quản lý, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Dự án trồng mới 116,23ha rừng ven biển ở Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Dự án trồng mới 116,23ha rừng ven biển ở Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Dự án trồng mới 116,23ha rừng, trong đó, trồng rừng ngập mặn ven biển là 79,37 ha, trồng rừng đồi núi là 36,86 ha, làm giàu rừng là 220,5 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp là 1.107,56 ha và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là 53,62ha. Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng 1 vườn ươm giống cây bản địa diện tích 1,95 ha.

Khi hoàn thành việc trồng rừng sẽ giúp nâng cao độ che phủ rừng, tạo môi trường sinh thái rừng, biển trong sạch, mở rộng môi trường sống cho khu hệ động vật hoang dã, phát huy tối đa các tiềm năng đa dạng sinh học.

Đến nay, đã thực hiện trồng 100% theo dự án phê duyệt điêu chỉnh 2023, còn vườn ươm đã bàn giao cho Vườn quốc gia Cát Bà. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trồng dặm, chăm sóc bảo vệ rừng năm thứ 3, năm thứ 4 theo quy định.

“Dự án tạo việc làm và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị, tầm quan trọng của rừng, từng bước hạn chế khai thác tài nguyên đa dạng sinh học. Mặt khác, sẽ giúp địa phương chủ động nguồn cây giống tại chỗ phục vụ công tác trồng rừng phòng hộ ven biển theo tiến độ của dự án và nhiệm vụ trồng rừng bằng các nguồn vốn khác trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quang Hoằng – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hay.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.