Trưởng bản Na Hang (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An) - ông Kha Văn Ót kể lại: “Lúc còn nhỏ, chúng tôi đã nghe lời cha ông dặn không được chặt gỗ trong rừng để trao đổi hay mua bán mà phải cùng nhau chăm sóc, giữ gìn. Cây nào tự gãy mới cho người dân tận thu để làm nhà, ai tự ý chặt phá sẽ bị xử phạt nặng...”. Đó như là hương ước bất thành văn ở Na Hang.
Đường “ngang trời” lên Na Hang
Mai Sơn là xã biên giới heo hút ở cực tây của huyện rẻo cao Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ngày trước, giáo viên, cán bộ đi công tác khi nói lên Mai Sơn đã rùng mình, bởi khi chưa ngăn dòng sông Nậm Nơn làm Thủy điện Bản Vẽ, muốn đến Mai Sơn chỉ có cách lội bộ theo con đường rừng độc đạo rậm rạp hoặc đi bằng thuyền đuôi én chèo chống phải gần một tuần từ huyện lỵ mới đến trung tâm xã.
Người dân ở các xã vùng rẻo cao biên giới như Mỹ Lý, Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn); các xã dọc sông Nậm Nơn như Mai Sơn, Nhôn Mai, Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông... (huyện Tương Dương) khi có việc về huyện hoặc xuống tỉnh đều phải men theo con đường rừng độc đạo dốc núi cheo leo hay bằng thuyền chèo theo sông Nậm Nơn nhiều thác ghềnh hiểm nguy.
Cuối năm 2015, Bộ Giao thông - Vận tải quyết định đầu tư chuyển và nâng cấp tuyến đường nối các huyện tây Thanh Hóa và tuyến đường tây Nghệ An (Tỉnh lộ 543) thành Quốc lộ 16. Đây là đường cấp V miền núi với điểm đầu tại Km 190 giáp tỉnh Thanh Hóa, điểm cuối Km 406 ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, nối với Quốc lộ 7A tại km 204. Đây là tuyến đường biên giới quan trọng nối giữa hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Quốc lộ 16 còn liên kết các vùng ở khu vực biên giới, nối trung tâm các huyện thuộc diện 30a và các xã đặc biệt khó khăn miền tây Nghệ An.
Từ ngày có tuyến Quốc lộ 16, từ xã Mai Sơn về thị trấn Thạch Giảm (huyện Tương Dương) chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ bằng ô tô. Bà con bản Na Hang và các bản ở xã cận kề Nhôn Mai, Hữu Khuông từ khi có con đường này cũng rất vui mừng. Nhờ có Quốc lộ 16 mà các bản biên giới chon von trên cao này đã nhìn thấy ô tô vào tận nơi, hàng hóa được lưu thông thuận tiện. Đặc biệt, sản vật bà con làm ra đều được tư thương đưa ô tô vào tận nơi thu mua hết, thỏa điều mà bao đời nay người người Thái, người Mông, Khơ Mú trên non cao này mơ ước.
Đi lại cũng như giao thương hàng hóa thuận lợi, mỗi ngày có hơn chục chuyến xe chở khách, chở hàng từ Vinh lên, từ Mường Xén vào Huồi Tụ rồi xuôi xuống Bắc Lý, Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn), Nhôn Mai, Mai Sơn (huyện Tương Dương) sang huyện Quế Phong và ngược lại. Trước đây, chỉ dùng thuyền máy nay thay bằng xe máy, ô tô đỡ đần cho đôi chân. Thêm có điện lưới quốc gia đưa ánh sáng văn minh về các vùng bản, nay có đến 70 - 80% số hộ gia đình có ti vi, tủ lạnh.
Con đường “ngang trời” qua xã bản thực sự đã góp phần đánh thức tiền năng vùng biên viễn, giúp bà con các dân tộc thiểu số nơi heo hút đèo mây này có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế, từng bước thoát nghèo, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Na Hang - xứ sở “đệ nhất đinh hương”
Miền tây Nghệ An có “rừng vàng” lớn với nhiều loại lâm sản và động vật hoang dã quý hiếm. Trước đây, cũng như các vùng miền núi cao khác, nhân dân các dân tộc thiểu số có tập quán phát rừng làm rẫy dốc. Bên cạnh đó, do công tác quản lý chưa chặt chẽ, nạn khai thác lâm sản bừa bãi và săn bắt các loài thú quý hiếm diễn ra khá rầm rộ khiến nhiều cánh rừng gỗ quý bị triệt hạ, nhiều loài thú rừng quý hiếm gần như tuyệt chủng.
Nói đến xứ sở gỗ quý đinh hương ở Nghệ An, người ta nhớ ngay đến xã Keng Đu ở huyện Kỳ Sơn và xã Mai Sơn (huyện Tương Dương). Cũng nằm trong tình trạng chung, xứ sở được mệnh danh nổi tiếng “đệ nhất đinh hương”, lát hoa... cũng dần vơi cạn do trước đây ý thức bảo vệ rừng của nhân dân còn hạn chế, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn buông lỏng.
Hôm nay lên thăm bản Na Hang, đến thăm già bản Kha Văn Tuấn, chúng tôi được dẫn đi thăm cánh rừng đinh hương bạt ngàn với hàng trăm gốc. Những cây đinh hương rễ bám sâu vào lòng đất, hút nhựa sống của đất trời, tỏa mùi hương gỗ thơm dịu nhẹ.
Già bản Kha Văn Tuấn cho biết: Trước đây, bản Na Hang vốn là vùng sản xuất của hai bản Huồi Xá và Huồi Tố, mới đầu chỉ có vài hộ dân tộc Thái đến làm nhà tạm để trồng trọt, chăn nuôi, chủ yếu là trồng lúa nương. Đến khi chính thức lập bản mới Na Hang năm 1994 thì chỉ có 15 hộ, đến nay đã tăng lên gần 30 hộ, hơn 135 khẩu.
Trước đây, đời sống của bà con nơi đây chỉ tự cung tự cấp, phụ thuộc vào nương rẫy, chăn nuôi và khai thác lâm sản. Những ngày đầu, Na Hang chỉ có một tổ gồm ba đảng viên, trong đó già Kha Văn Tuấn là đảng viên được bầu làm Trưởng bản.
Khu rừng đinh hương lúc bấy giờ mới chỉ là những cây tái sinh hoặc cây nhỏ mọc tự nhiên. Già Kha Văn Tuấn lúc đó với vai trò là đảng viên, Trưởng bản đã cùng với người có uy tín tuyên truyền cho bà con biết tầm quan trọng của rừng và rừng là tài sản chung ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ, nhất là rừng đinh hương. Bởi đây là một loại gỗ quý, thuộc họ trầm hương, lá và vỏ tỏa mùi thơm đặc trưng, đậm hương thảo dược; màu sắc và vân gỗ rất đẹp, có giá trị kinh tế cao...
Nghe theo cán bộ, bà con dân bản đã có ý thức chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn, không ai chặt phá nên hơn 30 năm qua, rừng đinh hương đã phát triển thành rừng rộng lớn với hàng trăm gốc lớn, nhỏ. Già bản Kha Văn Tuấn chia sẻ: “Muốn đi hết diện tích rừng đinh hương ni phải mất ít nhất một ngày. Có những cây ngày trước mới chỉ bằng bắp tay, giờ cao lớn một người ôm không xuể. Để giữ gìn, bảo vệ báu vật của bản khỏi bị chặt phá, hàng chục năm qua, ban quản lý bản đã cùng bà con dân bản Na Hang có hương ước bảo vệ rừng.
Mới đầu, hương ước bất thành văn chỉ truyền miệng qua các thế hệ, nhưng được người dân đồng lòng tuân thủ. Sau này, để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, người dân bản Na Hang đã cùng nhau lập ra hương ước bằng văn bản với sự tham gia góp ý của chính quyền và ngành chức năng, trong đó có những điều khoản cụ thể về bảo vệ và phát triển rừng.
Bí thư Chi bộ bản Na Hang - anh Kha Văn Ba (sinh năm 1987) cho biết, rừng đinh hương đang được bản Na Hang khoanh nuôi bảo vệ có diện tích 100ha. Bản đã đề ra hương ước, trong đó ghi: “Người dân tuyệt đối không chặt phá, làm rẫy những chỗ có rừng, với quan điểm giữ gìn tài sản quý cho con cháu sau này. Ai vi phạm đều bị xử phạt nghiêm theo quy định của bản. Vi phạm lớn thì báo cáo chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn để xử lý theo quy định của pháp luật...”.
Để gìn giữ, bảo vệ tốt rừng đinh hương, bản Na Hang đã thành lập hai tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ có thành viên từ 7 đến 9 hộ. Các tổ phải đều đặn phối hợp với ban quản lý bản và lực lượng kiểm lâm đi tuần tra rừng mỗi tháng hai lần.
Để dân bản yên tâm giữ rừng, bám rừng, Chi bộ, Ban Quản lý bản Na Hang tích cực tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế hộ, xóa đói, giảm nghèo; tận dụng đất bằng ven khe, suối để trồng rau, đậu các loại; xây dựng các mô hình kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng và phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm như dê, trâu, bò, lợn, gà, vịt... Những năm gần đây, nhiều gia đình ở bản Na Hang đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Những năm qua, bản Na Hang được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ đây có thêm động lực để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ sự đồng lòng gìn giữ, bảo vệ, coi như báu vật của bản, những rừng gỗ đinh hương quý đang tiếp tục sinh sôi, vươn lên xanh tốt giữa đại ngàn...