| Hotline: 0983.970.780

Điều đáng lo hơn cả việc chậm công nhận giống mới…

Thứ Tư 29/12/2021 , 06:30 (GMT+7)

Gần đây, vấn đề chậm công nhận giống cây trồng mới đang được các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp và các nhà chọn tạo giống quan tâm và trao đổi khá rầm rộ.

Không phải nước nào cũng làm thủ tục công nhận giống mới

Là người từng tham gia chọn tạo giống ngô, tôi thấy với các giống đã qua khảo nghiệm và đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu thì nên sớm được sớm công nhận vì để càng muộn thì không chỉ gây khó khăn cho các tác giả và cơ quan tác giả giống mới, mà còn ảnh hưởng bất lợi đến ngành nông nghiệp nói chung do việc chậm đưa các tiến bộ kỹ thuật mới (giống mới) vào sản xuất. Trong khi thời gian một giống cây trồng mới tồn tại trong sản xuất ngày càng ngắn.

TS Phan Xuân Hào bên giống ngô LVN 4. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Phan Xuân Hào bên giống ngô LVN 4. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trên thế giới, không phải nước nào cũng có thủ tục công nhận giống mới. Chẳng hạn như Mỹ, Nhật, Úc, Thái Lan, Philippines và một số nước khác không có khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng (khảo nghiệm VCU, nay là khảo nghiệm diện hẹp) và cũng không có thủ tục công nhận giống mới. Hàng năm họ chỉ công bố danh mục giống cây trồng được khuyến cáo sản xuất dựa vào kết quả khảo nghiệm DUS (khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định) do tác giả tự thực hiện.

Nói ví dụ về nước Mỹ, năm 2019, diện tích ngô của nước này đạt hơn 33 triệu ha, năng suất hơn 105 tạ/ha, sản lượng đạt 347 triệu tấn, chiếm hơn 30% sản lượng ngô thế giới. Năm nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng ngô nước này có thể đạt 375 triệu tấn. Một số cây trồng khác của Mỹ cũng đứng đầu thế giới về diện tích, năng suất và sản lượng. Và tất cả các giống cây trồng đều do tác giả tự khảo nghiệm và có tổ chức xác nhận chất lượng.

Việc bỏ qua khảo nghiệm VCU và công nhận giống cây trồng mới có lẽ là việc không dễ đối với nước ta hiện nay. Tuy nhiên việc đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho các nhà tạo giống, qua đó tạo điều kiện để giống mới sớm được lưu hành trong sản xuất là điều có thể làm được.

Thế nhưng khi đọc tiêu chuẩn mới về khảo nghiệm VCU giống ngô - tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 13381-2-2021) mới được xuất bản, tôi lại thấy đáng lo hơn là việc chậm trễ công nhận giống mới trong thời gian qua. Bởi theo tiêu chuẩn mới này, việc công nhận giống mới trong thời gian tới sẽ càng phức tạp hơn, thậm chí là vô cùng khó khăn cho các tác giả giống mới.

TS Phan Xuân Hào bên một số tổ hợp lai triển vọng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Phan Xuân Hào bên một số tổ hợp lai triển vọng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chỉ nói về giống ngô có mấy điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, số điểm khảo nghiệm quá nhiều, đến 15 điểm khảo nghiệm diện hẹp và 15 điểm khảo nghiệm diện rộng cho 7 vùng sinh thái nông nghiệp cả nước (mỗi vùng 2 điểm, Trung du Miền núi phía Bắc 3 điểm). Theo các nhà khoa học ở Trung tâm Cải tạo ngô và lúa mỳ Thế giới thì vùng sinh thái ngô của Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới thấp. Trong thực tế, các giống ngô đang được trồng phổ biến hiện nay không phải được khảo nghiệm tại tất cả các vùng.

Có nhiều giống chỉ được khảo nghiệm tại 3 - 4 điểm ở 2 - 3 vùng sinh thái, chủ yếu được chọn tạo ra ở vùng Đồng bằng sông Hồng nhưng vẫn trồng được khắp cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài (Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cu Ba, Xu Đăng…). Nếu công nhận cho cả nước thì cũng không đến 6 - 7 điểm khảo nghiệm VCU (nay gọi là khảo nghiệm diện hẹp) và 4 - 5 điểm khảo nghiệm sản xuất (nay là khảo nghiệm diện rộng).

Cho đến nay, chưa từng xảy ra sự cố do không khảo nghiệm mang lại, kể cả giống ngô thụ phấn tự do và giống lai. Theo tôi được biết, một số sự cố đã từng xảy ra đối với một số giống lúa cũng không phải do không được khảo nghiệm ở vùng xảy ra sự cố. Vậy thì tại sao TCVN mới lại tăng thêm nhiều điểm như vậy? Và nếu không khảo nghiệm đủ điểm thì khi làm thủ tục công nhận sẽ xử lý thế nào?

Một giống ngô hạt rất sâu cay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một giống ngô hạt rất sâu cay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thứ hai, giống gửi khảo nghiệm quá nhiều và không thuận tiện cho nhà tạo giống. Lượng giống cần dùng cao gấp 4 - 5 lần so với nhu cầu khảo nghiệm và lại phải gửi ngay vụ đầu tiên. Khi người tạo giống ngô qua khảo nghiệm tác giả ở giai đoạn S2 - S3 (sau 2 - 3 đời tự phối) thấy có triển vọng mới gửi khảo nghiệm quốc gia thì mỗi dòng cũng chỉ gieo có mấy hàng và số hạt thu được là chưa đáng kể, vậy mà phải gửi để lưu ở đơn vị khảo nghiệm một lượng lớn thì quá lãng phí.

Trước đơn giản, giờ rối rắm, lãng phí

Trước đây, giống khảo nghiệm gửi theo vụ, nay lại gửi cả 3 vụ khảo nghiệm VCU và cả cho khảo nghiệm DUS. Nhà tạo giống thực tế sẽ xem kết quả vụ đầu để xử lý vụ tiếp theo. Nếu vụ đầu không vượt đối chứng sẽ không gửi tiếp. Và chỉ gửi giống khảo nghiệm DUS để công nhận giống mới khi ít nhất 2 vụ VCU có triển vọng. Như thế sẽ giảm được đáng kể thời gian, vật tư, chí phí.

Hiện nay, theo tôi được biết thì chi phí cho khảo nghiệm không hề ít. Với các tập đoàn và công ty lớn tuy có tốn kém hơn trước đây, nhưng có lẽ không khó khăn lắm. Nhưng với các cơ quan nghiên cứu và cá nhân tạo giống cây trồng mà không có đề tài dự án của nhà nước thì quả là nan giải.

TS Phan Xuân Hào (đứng giữa) đang giới thiệu về giống ngô mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Phan Xuân Hào (đứng giữa) đang giới thiệu về giống ngô mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năng suất giống khảo nghiệm cũng là một vấn đề cần xem lại. Theo tiêu chuẩn mới thì năng suất giống mới phải vượt đối chứng quá cao, không dưới 10%. Ít nhất 50% số điểm cao hơn giống đối chứng có ý nghĩa thống kê. Mới nghe, các nhà tạo giống đã thấy sợ rồi! Có một vấn đề đã từng tranh luận gay gắt trước đây nhiều năm, đó là mật độ và khoảng cách trồng ngô.

“Dự án quản lý dinh dưỡng cho ngô theo vùng đặc thù” do Viện Dinh dưỡng Cây trồng Quốc tế, Viện Kali Quốc tế, Viện Lân Kali Quốc tế, Viện Kali  Canada tài trợ và thực hiện tại các vùng ngô nhiệt đới, có sự tham gia của nhiều nước trên thế giới trong đó có nước ta.

Cụ thể có Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ và một một số đơn vị khác tham gia trong giai đoạn 2005 - 2007, đã rút ra kết luận: Mật độ thích hợp cho vùng ngô nhiệt đới là từ 6,5 - 7,5 vạn cây/ha. Trong trường hợp không đủ ẩm (hạn) thì không nên trồng quá 7,5 vạn cây/ha. Khoảng cách hàng tối ưu là từ 50 - 70cm, hẹp hơn thì tốt hơn. (Miễn là không ảnh hưởng đến các thao tác canh tác khác). Khoảng cách cây tối ưu là từ 20 - 30 cm, rộng hơn thì tốt hơn.

Ấy thế mà theo Quy chuẩn quốc gia về khảo nghiệm trước đây đã rất thấp, nay TCVN vừa ban hành có tăng lên một ít nhưng vẫn quá thấp! Với ngô tẻ lấy hạt, mật độ trồng chỉ từ 5,1 vạn cây/ha với khoảng cách 70cm x 25cm đến 5,7 vạn cây/ha với khoảng cách 70cm x 23 cm.

Ruộng trình diễn giống ngô mới của một công ty nước ngoài. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ruộng trình diễn giống ngô mới của một công ty nước ngoài. Ảnh: Dương Đình Tường.

Với ngô sinh khối 7,1 vạn cây/ha, khoảng cách 70cm x 20 cm. Trong khi diện tích, năng suất, sản lượng ngô thế giới tăng lên nhanh chóng trong thời gian gian gần đây, có những nước đạt 20 - 30 tấn/ha, thậm chí 40 tấn/ha thì sản xuất ngô nước ta lại giảm đáng kể do diện tích giảm và năng suất chững lại, chỉ bằng khoảng 80% năng suất ngô thế giới.

Để giải quyết vấn đề tăng sản lượng ngô trong nước cần nhiều giải pháp, nhưng kỹ thuật canh tác cần quan tâm hơn nữa, trong đó việc tăng mật độ và thu hẹp khoảng cách hàng trồng không phải là vấn đề quá khó mà cơ quan khảo nghiệm và Cục Trồng trọt cần khuyến cáo để mở rộng.

Xung quanh TCVN về khảo nghiệm giống ngô còn có một số vấn đề về thuật ngữ chuyên môn cần xem lại, tôi sẽ trao đổi thêm với các bạn đồng nghiệp có liên quan vào một dịp khác.

Trước năm 1991, Trung tâm Nghiên cứu Ngô sông Bôi và sau này là Viện Nghiên cứu Ngô sống được không phải nhờ ngô mà là nhờ… nuôi gà công nghiệp, trồng dưa hấu!

Sau này, với các giống thụ phấn tự do rồi giống lai đã vượt trội so với đối chứng. Hồi đó, cán bộ nghiên cứu rất say mê, bản thân tôi có lần làm giống, chỉ mải nhìn ngô mà không nhìn dưới chân nên vấp phải cái dây giữ cột điện, bị trật khớp chân đau mất mấy tháng liền.

Thời xưa, tôi thấy công nhận giống rất đơn giản, chi phí cũng nhẹ nhàng, giờ thành cực kỳ phức tạp, chỉ tính riêng tiền khảo nghiệm đã khoảng hơn 700 triệu đồng rồi. Hai năm vừa rồi, vừa do chi phí khảo nghiệm đắt, vừa chờ hướng dẫn của Nghị định 70 nên Viện nghiên cứu Ngô đã không có một giống nào được công nhận.

(TS Phan Xuân Hào, nguyên Phó Việntrưởng Viện Nghiên cứu Ngô)

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.