Đó là phát biểu của ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt tại cuộc làm việc với các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành giống cây trồng liên quan tới một số vấn đề trong công tác khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng mới theo quy định của Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn.
Cuộc họp vào ngày 24/12 tại Cục Trồng trọt có ba nội dung, nhưng "nóng" nhất là những kiến nghị xung quanh việc chậm trong công nhận giống cây trồng mới.
Nóng chuyện chậm công nhận giống
Do Covid-19 nên hội trường Cục Trồng trọt chỉ có một số ít đại biểu, còn lại là qua trực tuyến với 25 đầu cầu khắp cả nước, với sự tham gia của các doanh nghiệp giống cùng các chuyên gia. Thế nhưng có lúc cuộc họp trở nên sôi động đến mức phải tắt cả micro đi để mấy người trong phòng nói riêng sao cho hết nhẽ.
Mở đầu về vấn đề chậm công nhận giống cây trồng mới, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Việc thực hiện cấp quyết định công nhận lưu hành giống mới theo Luật Trồng trọt có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa lường được hết.
“Tôi đã chủ trì nhiều hội nghị xin ý kiến rộng rãi và nhiều cuộc họp với đơn vị chủ trì xây dựng, các đơn vị chuyên môn của Cục, chuyên gia. Chưa một tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) nào mà lãnh đạo Bộ NN-PTNT phải nhiều lần họp mời các doanh nghiệp, hội ngành hàng, nhà khoa học đến để xin ý kiến nhằm thống nhất tiêu chí như vậy", ông Cường nói.
"Việc chậm trong công nhận giống, có phần trách nhiệm của Cục Trồng trọt trong việc xây dựng và ban hành TCVN về khảo nghiệm giống. Với vai trò Cục trưởng, tôi nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, do việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khó khăn, xây dựng ra rồi triển khai cũng vướng", Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho biết.
Theo ông Cường, trong giai đoạn chuyển tiếp của Luật Trồng trọt thì Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Quốc gia đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực, tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế. Kết quả khảo nghiệm cơ bản được thực hiện trước ngày Luật này hiệu lực có giá trị tương đương kết quả khảo nghiệm diện hẹp. Kết quả khảo nghiệm sản xuất được thực hiện trước ngày Luật Trồng trọt có hiệu lực có giá trị tương đương kết quả khảo nghiệm diện rộng.
Điều này có nghĩa trước khi tiêu chuẩn quốc gia TCVN quy định mới về khảo nghiệm VCU theo Luật Trồng trọt thì những khảo nghiệm được thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũ vẫn có giá trị chứ không như ý kiến của một vài cá nhân nói rằng Cục Trồng trọt bắt khảo nghiệm lại theo tiêu chuẩn mới. Tuy nhiên, tiêu chí để giống được cấp quyết định lưu hành thì phải theo các tiêu chí của tiêu chuẩn mới.
Đối với khảo nghiệm có kiểm soát, ông Nguyễn Như Cường cho biết khi có tổ chức khảo nghiệm được công nhận và các văn bản hướng dẫn phải thực hiện theo quy định, Cục Trồng trọt chưa bao giờ gây khó khăn, phiền nhiễu cho doanh nghiệp.
Ngày 20/10/2021, Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành các TCVN, QCVN về khảo nghiệm VCU, DUS, ông Cường cho biết đã chủ trì nhiều cuộc họp nhằm triển khai như: Chọn giống đối chứng, các chủng nòi với các đối tượng khảo nghiệm có kiểm soát; tiêu chí về năng suất, sâu bệnh đã rõ ràng nên cứ áp dụng, tuy nhiên một số chỉ tiêu về chất lượng gạo như tỷ lệ gạo xay, gạo lật, gạo nguyên phụ thuộc rất nhiều vào thu hoạch, phơi sấy của mẫu.
Cục Trồng trọt có hướng giải quyết là nếu doanh nghiệp giống không đồng ý với kết quả mà Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, Sản phẩm cây trồng Quốc gia phân tích thì đem mẫu giống lúa đó lên để làm lại, nếu nó cao hơn kết quả cũ thì Cục chấp nhận cái mới. Cục cũng đề nghị tất cả các đơn vị khảo nghiệm được công nhận phải xây dựng quy trình thu hoạch, phơi sấy để làm sao phân tích được tỉ lệ gạo nguyên, gạo lật, amylose một cách chính xác nhất…
Các bên lên tiếng
Tại cuộc họp, ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết: Thời gian qua, các thành viên của Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam có rất nhiều ý kiến về khảo nghiệm giống, bởi suốt gần 2 năm qua bị chậm chễ. Không riêng khối cộng đồng doanh nghiệp mà cả các viện nghiên cứu liên quan cũng thế.
Ông Trần Xuân Định cho biết, Hiệp hội cùng với Hiệp hội Crop Life Việt Nam đã có công văn gửi Cục Trồng trọt về những khó khăn, vướng mắc, tốn kém liên quan tới khảo nghiệm giống, nhưng không có phản hồi.
Theo ông Định, hiện việc công nhận giống đang tắc ở nhiều vấn đề, như đơn vị khảo nghiệm, nhiều doanh nghiệp có giống sau khi đã đánh giá tác giả xong, gửi cho Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống và Sản phẩm cây trồng Quốc gia, nhưng Trung tâm này hiện đang phải chờ chỉ định là tổ chức khảo kiểm nghiệm nên tiến độ triển khai khảo nghiệm giống bị muộn đi 2 - 3 vụ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Sở dĩ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, Sản phẩm cây trồng Quốc gia phải chỉ định lại, bởi đây là quy định theo Luật Trồng trọt, của nghị định hướng dẫn thi hành.
Với định hướng xã hội hóa công tác khảo nghiệm giống cây trồng của Luật Trồng trọt, để xã hội hóa, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đưa ra các tiêu chí đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bất kỳ tổ chức, đơn vị nào đủ điều kiện đều được công nhận trong việc thực hiện khảo nghiệm giống cây trồng.
"Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống và Sản phẩm cây trồng Quốc gia là đơn vị trực thuộc Cục, nhưng vẫn phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch như tất cả các tổ chức khảo nghiệm khác. Cục và Trung tâm đã thực hiện nghiêm túc việc này theo quy định, dù biết rằng không nhận khảo nghiệm, nhận chậm ngày nào thu nhập của anh em sẽ giảm đi, đời sống anh em bị ảnh hưởng do là đơn vị tự chủ hoàn toàn", ông Cường nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Crop Life Việt Nam thì đề nghị: Việc công nhận giống bị ngắt quãng gần 2 năm, ảnh hưởng đến việc đưa ra những bộ giống giá trị. Giờ các văn bản đã được hoàn thiện, các đơn vị khảo nghiệm đã được chỉ định nên rất mong Cục Trồng trọt, các đơn vị khảo nghiệm nhanh chóng hoàn thành các khảo nghiệm và đăng ký lưu hành.
Đại diện Công ty C.P cũng đề nghị: “Kết quả khảo nghiệm của chúng tôi bắt đầu làm từ năm 2017 và kết thúc năm 2019, giữa năm 2020 có gửi làm khảo nghiệm kiểm soát, kết quả đáp ứng đúng theo thang điểm, mong Cục tạo điều kiện giúp để thông qua”.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đáp lời: "Đây không phải giúp mà là trách nhiệm của Cục. Theo quy định khi thực hiện cấp công nhận cho các tổ chức khảo nghiệm, theo quy định phải đến tận nơi để đánh giá. Trong khi đó, Cục không được cấp kinh phí đi đánh giá, thậm chí quyết định phải lấy kinh phí từ hoạt động bộ máy của Cục để anh em đi đánh giá thực tế, trong điều kiện dịch dã như thế".
Bản thân ông Cường cũng khẳng định, ông cũng như đa số anh em của Cục đều xác định rằng phục vụ doanh nghiệp, người dân là trách nhiệm của mình. Tuy nhiên do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn có những cái chưa thống nhất, chưa thực tế nên mong các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần chung tay giải quyết trong phạm vi luật cho phép…
Về một số vấn đề còn tồn tại, cụ thể gồm: Với những kết quả khảo nghiệm có kiểm soát được thực hiện theo đúng phương pháp quy định trong TCVN khảo nghiệm VCU, do tổ chức khảo nghiệm đã được công nhận, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) để xem xét. Nếu phù hợp theo quy định thì sẽ được công nhận, nếu vượt thẩm quyền, Cục sẽ có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT.
Tới đây có những giống mà tác giả, doanh nghiệp muốn công nhận lưu hành ở một vùng mà chưa có giống tương tự để làm giống đối chứng, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT để giải quyết, vấn đề gì vượt thẩm quyền sẽ trình cấp có thẩm quyền.
TS Phạm Đồng Quảng, nguyên Phó cục trưởng Phụ trách Cục Trồng trọt, hiện công tác ở Hội Giống cây trồng Việt Nam nêu ý kiến: “Tôi nghĩ trong giai đoạn này, không nên cứng nhắc bởi khó xử lý và mất thời gian, tốn kinh phí, chậm có giống phục vụ cho sản xuất. Bởi thế, Cục nên trình lãnh đạo Bộ NN-PTNT và tôi tin sẽ được ủng hộ chứ không nên làm lại các khảo nghiệm đã đáp ứng được tiêu chuẩn”.