Chuyến thăm đã đưa bước chân Bộ trưởng đến với vùng đất Kỳ Sơn, là một huyện miền núi nghèo, cao nhất của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm TP. Vinh khoảng 250km. Đây cũng là một trong 74 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước.
Đường đến Kỳ Sơn quanh co, trập trùng núi non hiểm trở. Bộ trưởng nói: “Đó là một hành trình về phía Tây đầy cảm xúc. Một miền - non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Tại đây, Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian để thăm hỏi, gặp gỡ và trò chuyện với người dân vùng cao, cùng cảm nhận, chia sẻ những khó khăn, lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của đồng bào.
Chuyến đi không những để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho Bộ trưởng về thiên nhiên, con người nơi "đất trời giao thoa” mà còn đọng lại trong Bộ trưởng nhiều suy nghĩ, trăn trở. Ông tâm niệm: Lên vùng cao để hiểu hơn vùng cao, tìm kiếm cách nhìn mới về vùng cao. Quan trọng hơn, là làm gì để góp phần đưa vùng đất nơi đây phát triển hơn, gây được chú ý hơn giống như huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã làm được.
Trở về từ “Một chuyến về phía Tây”, với những điều thấy được, nghe được, cảm nhận được, Bộ trưởng đã giao Cục Lâm nghiệp đầu mối, chủ trì, phối hợp các đơn vị trong Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp cho vùng đất Kỳ Sơn.
Huyện Kỳ Sơn có diện tích tự nhiên hơn 200.000 ha, trong đó chủ yếu là rừng và đất lâm nghiệp. Với trên 98% là đồi núi, địa hình Kỳ Sơn bị chia cắt mạnh, đất đai nghèo dinh dưỡng, khí hậu khắc nghiệt. Huyện có trên 95% đồng bào là dân tộc thiểu số (Thái, Khơ Mú, H’Mông...), cuộc sống của người dân phụ thuộc lớn vào thu nhập từ khai thác sản phẩm và dịch vụ từ rừng (lâm sản ngoài gỗ, chi trả môi trường rừng…).
Tuy nhiên, khi nhìn vào các chuỗi giá trị sản phẩm của đồng bào, có thể thấy rằng huyện Kỳ Sơn chưa có sản phẩm nào đặc trưng nổi bật, phần lớn các chuỗi giá trị sản phẩm còn đang manh mún, ở mức độ sơ khai, sản phẩm thô mang tính tự cung tự cấp, giá trị văn hóa đặc trưng chưa được tính đến.
Bên cạnh những khó khăn, Kỳ Sơn cũng có nhiều tiềm năng lợi thế: Vị trí tiếp giáp với nước bạn Lào, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn giúp giao thương hàng hóa; Vùng đất này là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên đặc trưng văn hóa đa dạng, gắn với kiến thức kinh nghiệm truyền thống; Diện tích rừng khá lớn, đa dạng sinh học cao với nhiều loài cây, loài con quý như sâm puxailaileng, gà đen, lợn giằng...
Được thiên nhiên ưu đãi, nằm ở vị trí cao hơn 2.700m, có đỉnh Puxailaileng, nhiệt độ trung bình của Kỳ Sơn quanh năm khoảng 20-25 độ C đã khiến nơi đây được ví như “Sa Pa của xứ Nghệ”. Nơi đây có điểm săn mây Mường Lống thu hút được rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, hứa hẹn tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tri thức bản địa rất lớn.
Tốc độ tăng trưởng bình quân về sản xuất tại Kỳ Sơn đạt 5,5%. Nơi đây cũng đã có những mức độ phát triển về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Để khích lệ, truyền cảm hứng cho những người đang ngày đêm trăn trở nâng bước Kỳ Sơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã mở đầu cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ, huyện Kỳ Sơn, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp diễn ra chiều ngày 17/8 tại Hà Nội bằng việc chia sẻ cuốn sách “Tư duy tích cực, bạn chính là những gì bạn nghĩ”. Đó cũng là những ý tưởng ban đầu cho chương trình hỗ trợ phát triển huyện miền núi phía Tây Nghệ An.
Theo Bộ trưởng, muốn thực hiện thành công quá trình này, điều quan trọng đầu tiên chính là thay đổi suy nghĩ của bản thân theo hướng tích cực và phải tin rằng mình có thể làm được. "Kỳ Sơn có nhiều khó khăn, tuy nhiên làm sao để biến những bất lợi đó trở thành lợi thế, cùng với tư duy tích cực thì chắc chắn Kỳ Sơn ngày mai sẽ khác Kỳ Sơn của ngày hôm qua", vị tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ.
Với quan điểm tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển kinh tế nông lâm nghiệp tích hợp đa giá trị, du lịch liên kết chuỗi sản xuất gắn với chế biến thị trường, góp phần ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc và phát huy tiềm năng lợi thế, nguồn lực của địa phương để sớm đưa huyện Kỳ Sơn thoát nghèo, phát triển bền vững, ý tưởng cho chương trình hỗ trợ huyện Kỳ Sơn gồm 5 định hướng chính.
Thứ nhất, phục hồi và nâng cao giá trị đa dụng của rừng, trong đó thực hiện phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng như mô hình phát triển chuỗi tre luồng, trồng sa nhân, quế, cánh kiến đỏ, trẩu... , chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Thứ hai, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo quản, chế biến theo chuỗi. Cần tăng cường khảo sát và xác định sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với xây dựng chuỗi giá trị, chế biến như chè san tuyết, măng đắng, mây tre đan, chưng cất tinh dầu gừng..., đề xuất vùng chuyên canh có ứng dụng khoa học kỹ thuật đi kèm với đào tạo tập huấn và xây dựng chứng nhận, quảng bá sản phẩm.
Thứ ba, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm: bằng việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với phát triển cơ sở chế biến, tiêu thụ, tiến hành sản xuất theo hướng liên kết (tổ hợp tác, hợp tác xã), hướng dẫn, đào tạo nghề, xây dựng chứng nhận/chỉ dẫn địa lý sản phẩm và thị trường phân phối.
Thứ tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc gắn với du lịch văn hóa, tri thức bản địa; Phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác với cộng đồng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Puxailaileng, trải nghiệm làng nghề dệt thổ cẩm của người Thái, rèn đúc người H’Mông, đan lát của người Khơ Mú...; Đồng thời bảo tồn phát huy bản sắc văn hoa dân tộc thông qua các mô hình câu lạc bộ Khắc - luồng - cồng chiêng - nhảy sạp, hát dân ca ví dặm, hương ước, quy ước..., đào tạo nhân lực phục vụ và quảng bá du lịch.
Thứ năm, ổn định dân cư, phòng chống thiên tai: đánh giá nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai, thực hiện phục hồi và phát triển rừng, xây dựng công trình, phi công trình, bố trí dân cư an toàn, tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân và có kế hoạch cụ thể ứng phó với thiên tai.
Để hiện thực hóa chương trình hỗ trợ với những định hướng và giải pháp trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Bộ, địa phương, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan khác và các nguồn lực về tài chính, kỹ thuật, con người.
Kết thúc cuộc họp, một lần nữa, Bộ trưởng đưa ra câu chuyện gợi mở “Con cá, cần câu, cách câu và thái độ câu cá”. Ông nhìn nhận, cơ hội, kỹ năng và thái độ là ba yếu tố quan trọng để hướng đến thành công.
Đối với Kỳ Sơn, cơ hội, tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp rất rộng mở, chương trình hỗ trợ này kỳ vọng sẽ cung cấp những kỹ năng, điều kiện toàn diện về tài chính, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Thêm nữa là sự sẵn sàng, sự tích cực, sự quyết tâm vào cuộc của các bên từ trung ương, địa phương đến từng người dân Kỳ Sơn và sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp chắc chắn sẽ biến điều ước của Bộ trưởng - “đưa Kỳ Sơn lên một tầm cao mới” - sớm trở thành hiện thực.
Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục phát triển chi tiết ý tưởng chương trình hỗ trợ huyện Kỳ Sơn. Cùng với đó, tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế tại địa phương, tham vấn các bên liên quan và hoàn thiện đề xuất hỗ trợ trình Bộ trưởng ban hành dự kiến vào tháng 11/2023.