| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ thành hiện thực

Thứ Ba 08/08/2023 , 10:16 (GMT+7)

'Tôi chỉ có mong muốn, một giấc mơ làm sao đồng bào các dân tộc ở đây có nhà ở, nơi sản xuất để có cuộc sống ổn định, không còn là hộ nghèo nữa'.

Đó là lời trăn trở, tâm sự của một người con của miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, một cán bộ huyện đã về hưu mà tôi đã gặp trong chuyến công tác về huyện Kỳ Sơn - anh Moong Thanh Nghệ.

Mường Lống có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Ảnh: Việt Khánh.

Mường Lống có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Ảnh: Việt Khánh.

Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 250km. Với 209.484ha diện tích tự nhiên, Kỳ Sơn là huyện rộng thứ 2 của tỉnh Nghệ An, là nơi sinh sống chủ yếu của 5 hệ dân tộc là Khơ Mú, Mông, Thái, Kinh và Hoa, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 94,5%.

Lần đầu về Kỳ Sơn, tôi ngỡ ngàng về điều kiện tự nhiên ở đây, thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi và sản xuất các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Nhiều tiểu vùng ở Kỳ Sơn, khí hậu mát mẻ quanh năm như Mường Lống được ví là “Sapa Xứ Nghệ”. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với nhiều hang động đẹp, mát mẻ vào mùa hè và sương mù bao phủ mùa đông; những vườn đào, vườn mận hoa nở đẹp như tranh nếu du khách đến vào mùa xuân, thêm vào đó là những bông lau trắng muốt và hàng dã quỳ vàng ruộm.

Kỳ Sơn, dải đất cao của miền tây xứ Nghệ. Ảnh: Việt Khánh.

Kỳ Sơn, dải đất cao của miền tây xứ Nghệ. Ảnh: Việt Khánh.

Đỉnh Puxailaileng tại xã Na Ngoi có có độ cao 2.720m so với mực nước biển, đỉnh núi cao nhất phía bắc Trường Sơn đang là điểm đến lý tưởng đối với những du khách ưa thích khám phá, trải nghiệm. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, không khí càng trở nên mát mẻ. Đặc biệt, nơi đây có những cánh rừng sa mu, pơ mu nguyên sinh, cổ thụ và thảm thực vật phong phú, mang đậm vẻ đẹp nguyên sơ và hấp dẫn những bước chân khám phá.

Kỳ Sơn có thế mạnh về nuôi trâu bò vỗ béo. Ảnh: PV.

Kỳ Sơn có thế mạnh về nuôi trâu bò vỗ béo. Ảnh: PV.

Về Kỳ Sơn, không thể bỏ qua trải nghiệm đi chợ phiên tại vùng biên giới Việt - Lào - cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn với nhiều hàng hóa, ẩm thực, trang phục mang đặc trưng riêng.

Nhưng sao Kỳ Sơn hiện nay vẫn là huyện với hơn 50% hộ nghèo, có phải do nơi đây địa hình đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, đường sá đi lại khó khăn, bà con dân tộc thiểu số chiếm đa số, sống phân tán khắp huyện hay do thiếu đất sản xuất nông nghiệp, nhiều rừng quá chăng?

Nguyên nhân có nhiều nhưng thay vì nói về nguyên nhân ở đây thì hãy cùng Kỳ Sơn đánh thức tiềm năng sẵn có.

Kỳ Sơn thường xuyên bị thiên tai đọa đày. Ảnh: Việt Khánh.

Kỳ Sơn thường xuyên bị thiên tai đọa đày. Ảnh: Việt Khánh.

Tôi đã nghe về triết lý kinh tế vừa đủ và gợi ý của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về câu chuyện “Chúng ta luôn tìm kiếm nguồn lực từ bên trên, bên ngoài mà quên phát huy nguồn lực từ bên trong, hoặc không kết hợp được nguồn lực từ bên trong và bên ngoài”. Điều này làm tôi liên tưởng tới điều kiện, tiềm lực của Kỳ Sơn hiện nay - nhân tố quan trọng để phát huy tiềm lực bên trong là vận dụng tài nguyên, nguồn lực sẵn có.

Kỳ Sơn có diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm 93% diện tích tự nhiên của huyện với tỷ lệ che phủ rừng 53% là lợi thế nếu Kỳ Sơn tổ chức phát triển kinh tế từ rừng. Song song với quyết tâm giao đất, giao rừng cho bà con, cho cộng đồng dân cư của chính quyền Kỳ Sơn, Bộ NN-PTNT, các tổ chức, dự án phát triển cùng hỗ trợ Kỳ Sơn xây dựng các mô hình để hướng dẫn bà con sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp dựa vào rừng như trồng, thu hái dược liệu, các loài sâm và thảo dược quý như sâm bảy lá một hoa, lan thạch hộc, xạ đen, tam thất bắc, đảng sâm, giảo cổ lam…, những loài nấm có giá trị dinh dưỡng cao, phát triển các mô hình chăn nuôi dưới tán rừng... Một số đặc sản của Kỳ Sơn như lợn đen, gà đen bản địa, trâu, bò, dê núi, mận tam hoa, đào, gừng, khoai sọ, bí xanh, ngô rẫy… tại các xã Mường Lống, Keng Đu, Đoọc Mạy, Nậm Càn, Na Ngoi… đã được bà con nuôi, trồng, tuy nhiên quy mô, cách làm còn chưa bàn bản, nhất là làm thương mại, thương hiệu cho sản phẩm.

Mô hình trồng chè ở xã Huổi Tụ. Ảnh: Việt Khánh.

Mô hình trồng chè ở xã Huổi Tụ. Ảnh: Việt Khánh.

Với 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số thì cái mà bà con Kỳ Sơn cần là có mô hình, có tài liệu và hướng dẫn bà con sản xuất. Ngoài ra, để thúc đẩy các sản phẩm đặc sản của Kỳ Sơn trở thành sản phẩm kinh tế thì nhất định cần hướng dẫn, có tổ chức hỗ trợ làm thương mại sản phẩm, xây dựng các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị cho bà con cũng là điều mà anh Moong Thanh Nghệ - người sinh sống ở Kỳ Sơn hơn 60 năm qua nhận thấy và đề nghị với Tổ công tác của Bộ NN-PTNT.

Thêm một gợi ý cho Kỳ Sơn cũng như các vùng đệm các khu rừng đặc dụng của Việt Nam là chú trọng, đầu tư phát triển du lịch sinh thái dựa vào sinh kế của cộng đồng. Tiếp cận giá trị của rừng không chỉ ở góc độ lâm sinh, lâm nghiệp mà còn là giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

Các điểm đến du lịch của Kỳ Sơn hiện nay cơ bản là gắn với rừng, với địa hình đồi núi, khí hậu mát mẻ tại đây nhưng thay vì giới thiệu từng điểm đến riêng lẻ, hãy tổ chức các tua du lịch gắn kết các điểm đến của Kỳ Sơn như cổng trời Mường Lống, đỉnh Puxailaileng (xã Na Ngoi), săn mây ở Xã Huồi Tụ, xã Tây Sơn, du lịch tâm linh - ngôi tháp cổ được xây dựng hơn nghìn năm trước tại bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, đền Pu Nhạ Thầu (Hữu Kiệm)… rồi kết hợp với du lịch trải nghiệm trong rừng sa mu, pơ mu, một ngày sống cùng bà con dân tộc Kỳ Sơn, trải nghiệm đi chợ phiên vùng biên giới Việt - Lào… với những thông tin đầy đủ và được quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Nghề này phát triển ở các xã vùng biên như Nậm Cắn, Mường Lống. Ảnh: Việt Khánh.

Nghề này phát triển ở các xã vùng biên như Nậm Cắn, Mường Lống. Ảnh: Việt Khánh.

Với 95% dân số là người đồng bào dân tộc cũng không hẳn là khó khăn nếu chúng ta cùng nhìn nhận và thúc đẩy tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc của đồng bào các dân tộc ở đây.

Kỳ Sơn đã hình thành và phát triển được nhiều câu lạc bộ đại diện cho hệ dân tộc Thái, Mông, Khơ mú, như CLB Khắc luống - cồng chiêng - nhảy sạp (xã Hữu lập), CLB văn nghệ (xã Tây Sơn), dân Ví (xã Mỹ Lý)…, tuy nhiên nên “tập trung xây dựng nhiều các bản văn hóa” để ngoài giữ gìn giá trị truyền thống còn là phát triển sinh kế từ du lịch cho bà con.

Gà đen cũng là đặc sản trứ danh của đất Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh.

Gà đen cũng là đặc sản trứ danh của đất Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh.

Kỳ Sơn là một huyện nghèo nhưng không nghèo ý chí và nghị lực, với sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo huyện Kỳ Sơn nhất là đồng chí Bí thư Huyện ủy Vi Hòe, cùng với sự chung tay của Bộ NN-PTNT (Tổ công tác về Kỳ Sơn), các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, giấc mơ của người con Kỳ Sơn - Moong Thanh Nghệ sẽ thành hiện thực. Bà con nơi đây biết dựa vào tự nhiên để sản xuất, sinh kế, phát triển kinh tế nông nghiệp, để Kỳ Sơn là điểm đến gây thương nhớ cho du khách.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.