Tìm lời giải cho miền đất khó
Ngày 30/7, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, Kỳ Sơn nằm về phía tây nam của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 250 km. Ba mặt tây, bắc và nam tiếp giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với chiều dài đường biên giới trên 203km. Toàn huyện có diện tích trên 209.000ha, chủ yếu là đồi núi cao với độ dốc lớn, quỹ đất có độ dốc ít không đáng kể. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo 54%.
Kỳ Sơn có 21 xã, thị trấn, 11 trong số đó là xã biên giới, có 172 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Địa bàn phân bố rộng, hệ thống khe, suối dày đặc, hạ tầng giao thông còn yếu, không thuận lợi cho quá trình đi lại và lưu thông hàng hóa.
Đặc biệt, Kỳ Sơn thường xuyên bị thiên tai hoành hành, rõ nhất là trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng cuối năm 2022 gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Muôn vàn khốn khó bủa vây vô hình trung tạo nên “sức ỳ” phủ trên nhiều khía cạnh, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bởi thế cũng gian nan gấp bội phần.
Tính đến tháng 6/2023, Hữu Kiệm là xã duy nhất của huyện Kỳ Sơn hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, con số khiêm tốn đã khắc họa rõ nét thực trạng tại địa phương này.
Ghi nhận tại xã Nậm Cắn, hiện toàn xã mới đạt 15/19 tiêu chí, 4 tiêu chí chưa đạt gồm nhà ở; thu nhập; hộ nghèo; môi trường và an toàn thực phẩm. Xã Hữu Lập còn đến 7 tiêu chí chưa hoàn thành là giao thông; nhà ở; thu nhập; hộ nghèo; hệ thống tổ chức sản xuất; môi trường và an toàn thực phẩm. Nhìn sang Tà Cạ, tâm điểm của đợt thiên tai năm 2022 cũng chẳng khá khẩm hơn, hiện xã này còn “gác” 7 tiêu chí…
Qua nắm bắt thấy rằng các tiêu chí khó đạt đòi hỏi nhiều nguồn lực (nhà ở dân cư, giao thông, thu nhập, hộ nghèo, môi trường...), thế nhưng tiềm lực tài chính trong dân rất hạn chế, trong khi UBND huyện không có kinh phí để hỗ trợ.
Từ thực tiễn đặt ra Kỳ Sơn xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới khá “khiêm tốn”, phấn đấu đến cuối năm 2023 nâng tiêu chí đạt được của toàn huyện từ 225 đến 230 tiêu chí. Trong đó 1 xã đạt 19 tiêu chí, 1 xã đạt 16 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí, 2 xã đạt 14 tiêu chí, 10 xã đạt 10 - 13 tiêu chí, 5 xã đạt 8 - 9 tiêu chí.
Quá trình thực hiện sẽ tập trung chỉ đạo, phấn đấu hết năm 2023 có thêm 2 bản Piêng Pô (xã Phà Đánh), Xiêng Tắm (xã Mỹ Lý) đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời tập trung nguồn lực, ưu tiên cho xã Nậm Cắn để đủ tiêu chuẩn đăng ký về đích trong năm 2024.
Khát vọng vươn tầm, vượt khó đi lên
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã báo cáo với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất Bộ NN-PTNT quan tâm, hỗ trợ huyện Kỳ Sơn nói riêng và các huyện miền Tây Nghệ An nói chung.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi thông điệp, nhắn nhủ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ huyện Kỳ Sơn duy trì khát vọng, động lực nhằm tìm kiếm những điều mới mẻ. Phải huy động sức mạnh nội lực, biến khó khăn thành thuận lợi, đồng thời tận dụng lợi thế, tài nguyên sẵn có tạo ra những điểm nhấn. Kỳ Sơn cần đẩy mạnh mô hình du lịch sinh thái, phát triển trồng dược liệu, tạo dựng thương hiệu cây, con bản địa, người dân từng bước phải làm chủ, làm kinh tế bền vững dưới tán rừng.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, không riêng gì Kỳ Sơn mà các huyện miền núi ở Nghệ An đều chịu áp lực lớn do “bị cắt các chính sách phát triển” sau khi về đích. Từ bất cập đó, lãnh đạo Nghệ An đề xuất Bộ NN-PTNT nghiên cứu, tham mưu phương án phù hợp, cần tách biệt rõ ràng giữa chính sách xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo đà thúc đẩy.
“Bộ NN-PTNT sẽ có chương trình hợp tác với huyện Kỳ Sơn để nghiên cứu, hỗ trợ, xây dựng mô hình phù hợp nhằm phát huy được sức mạnh nội lực, tiến tới phát triển bền vững, từ đó nhân rộng cách làm hay, sáng tạo cho các huyện miền núi khắp cả nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận.