| Hotline: 0983.970.780

Đìu hiu vùng hoa tết

Thứ Sáu 10/12/2021 , 07:00 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Không chỉ giảm mạnh diện tích, chi phí tăng cao, thời tiết bất thuận, người trồng hoa cúc bán tết còn thấp thỏm lo âu bởi vắng bóng thương lái tới đặt cọc .

Diện tích giảm mạnh, thương lái vắng bóng

Những ngày này, nông dân phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa), nơi được xem là vựa hoa cúc nổi tiếng tỉnh Khánh Hòa đang tất bật chăm sóc vụ hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.

Đang loay hoay tưới nước cho 200 chậu cúc, ông Trần Minh Tự, một người trồng hoa có thâm niên ở Tổ dân phố Phong Phú 2, phường Ninh Giang, cho biết: Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên vụ hoa cúc tết năm nay, toàn phường giảm cả về số hộ trồng lẫn diện tích.

Nông dân phường Ninh Giang chăm sóc hoa cúc tết trong tâm trạng phập phồng, lo âu. Ảnh: KS.

Nông dân phường Ninh Giang chăm sóc hoa cúc tết trong tâm trạng phập phồng, lo âu. Ảnh: KS.

Như gia đình ông Tự mọi năm trồng khoảng 700 chậu cúc các loại gồm giống pha lê, đại đóa. Tuy nhiên năm nay, do sợ khó khăn trong tiêu thụ nên ông chỉ trồng 200 chậu, trong đó 20 chậu đại, đường kính 90cm đến 1m, còn lại các chậu vừa đường kính 60 cm.

Theo ông Tự, trước năm 2020 khi chưa ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc trồng hoa cúc của bà con rất sôi động. Đến thời điểm này, thương lái khắp nơi đã về đây xem hoa, đặt cọc mua hoa trước, rồi đợi đến khoảng ngày 20 tháng Chạp sẽ chở đi tiêu thụ khắp nơi. Song năm nay, hiện giờ này vẫn im lìm, chưa thấy thương lái đến nên bà con rất sốt ruột.

Cách vườn hoa cúc ông Tự không xa là vườn hoa cúc của gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, người cùng thôn Phong Phú 2, hiện cũng tất bật chăm sóc tỉ mỉ những chậu hoa.

Vụ hoa cúc phục vụ tết năm nay, gia đình anh Toàn chỉ trồng 200 chậu, giảm hơn nửa so với năm ngoái. Không chỉ vắng bóng thương lái tới đặt cọc, thời gian qua, việc trồng hoa của bà con cũng như gia đình chị cũng không thuận lợi do mưa lớn kéo dài khiến cây bị hỏng lá chân, một số ít bị thiệt hại. Để hồi phục hoa sau mưa, bà con phải mất nhiều công sức chăm sóc, xử lý phân, thuốc BVTV rất tốn kém.

Chi phí đầu tư tăng cao

Anh Nguyễn Phú Tiên, hộ trồng hoa ở phường Ninh Giang cho biết, không chỉ khó khăn trong chăm sóc do thời tiết bất thuận, chi phí đầu tư vụ hoa Tết năm nay cũng tăng từ 15 - 20% so với mọi năm vì giá phân bón, thuốc BVTV, công lao động đều tăng cao. Không chỉ thế, do dịch bệnh Covid-19 vẫn khó lường nên đến lúc này bà con vẫn rất âu lo, phập phồng về vụ hoa Tết không biết sẽ tiêu thụ ra sao trong thời gian tới.

Ông Trần Minh Tự cho biết, năm nay người trồng và sản lượng hoa cúc phục vụ Tết trên địa bàn giảm mạnh do lo ngại đầu ra khó khăn. Ảnh: KS.

Ông Trần Minh Tự cho biết, năm nay người trồng và sản lượng hoa cúc phục vụ Tết trên địa bàn giảm mạnh do lo ngại đầu ra khó khăn. Ảnh: KS.

“Hiện các thương lái không dám đặt cọc mua hoa trước như mọi năm. Tuy nhiên bà con vẫn nỗ lực chăm sóc hoa với hi vọng dịch Covid-19 ổn định, việc buôn bán hoa vào dịp cuối năm được thuận lợi”, anh Tiên bày tỏ.

Ông Phan Sang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết, từ năm 2016, làng nghề trồng hoa cúc Phong Phú 2 được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận làng nghề truyền thống với 147 hộ trồng với 250 lao động.

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể Hoa cúc Ninh Giang. Thời gian qua, hoa cúc Ninh Giang đã tạo thương hiệu nổi tiếng ở khu vực Nam Trung bộ như màu hoa tươi, sáng, bông to, lâu tàn, lá dày và xanh, chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê tượng trưng cho sự sum vầy gia đình trong ngày tết.  Chính vì vậy, thị trường hoa cúc Ninh Giang được tiêu thụ rộng rãi như TP.HCM, Bình Dương, Đăk Lăk, Đắk Nông, Bình Định…

Theo ông Sang, mấy năm trước, toàn phường cung ứng từ 140.000 - 150.000 chậu hoa cúc các loại, chủ yếu đại hóa, pha lê phục thị trường Tết Nguyên đán, doanh thu từ 13 - 14 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, bà con trồng hoa toàn phường lãi trên 6 tỷ đồng.

Người trồng hoa cúc hi vọng dịch bệnh Covid-19 đến cuối năm ổn định để hoa tiêu thụ thuận lợi. Ảnh: KS.

Người trồng hoa cúc hi vọng dịch bệnh Covid-19 đến cuối năm ổn định để hoa tiêu thụ thuận lợi. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, nghề trồng hoa đã giải quyết công ăn việc làm cho lao động với số lượng lớn tại địa phương từ việc chăm sóc hoa. Tuy nhiên năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, toàn phường chỉ cung ứng khoảng 40.000 chậu hoa. Còn vụ hoa năm nay, chỉ có 90 hộ trồng với số lượng ước khoảng 25.000 chậu.

Theo người trồng hoa cúc ở Ninh Giang, nghề trồng hoa cúc rất vất vả. Ngay từ tháng Giêng, bà con đã phải lên núi chặt cây tre (hoặc mua) về vót để làm cây cắm giữ thân bông và thực hiện đúc chậu hoa.

Đến tháng 4 - 5 Âm lịch, bà con bắt đầu mua phân chuồng với tro về ủ để dành bón cây. Sau đó tiếp tục ươm và nhân giống. Đến rằm tháng 7 Âm lịch, khi có đủ cây con, bà con đưa cây giống vào chậu và bắt đầu chong đèn để kích thích cho cây non, phát triển chiều cao, không đóng nụ sớm.

Chăm sóc cho đến tháng 11 Âm lịch, bà con bắt đầu ngắt điện, tiến hành vặt nanh chọn nụ. Theo đó, mỗi cành chỉ giữ lại một nụ để hoa được đẹp, đều và to. Từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, hoa cúc sẽ bắt đầu nở và sẽ canh trúng tết.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).