| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi chống ngập cho vùng trũng

Chủ Nhật 09/07/2023 , 11:55 (GMT+7)

Sóc Trăng còn ba huyện vùng trũng Châu Thành, Mỹ Tú và Thạnh Trị thường xuyên bị ngập úng ruộng vườn trong mùa mưa lũ do chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi.

Vùng trũng sợ ngập úng

Triều cường gây ngập ruộng vườn, đường nông thôn ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc  Trăng. Ảnh: Hữu Đức - PTĐ.

Triều cường gây ngập ruộng vườn, đường nông thôn ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc  Trăng. Ảnh: Hữu Đức - PTĐ.

Trong những năm qua, mặc dù nhiều công trình thủy lợi được triển khai thi công nhưng chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế. Hiện tại tỉnh Sóc Trăng còn 3 huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị thuộc vùng trũng Quản lộ Phụng Hiệp địa hình mặt nền đất ruộng thấp.

Đây là vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Thế nhưng cho đến nay mỗi khi vào mùa mưa già, mưa lớn có tác động cộng hưởng nước lũ đầu nguồn đổ về gây ra tình trạng ngập úng trên diện rộng.

Ở một số vùng chưa hoàn thiện thủy lợi đắp bờ bao, có năm mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, thiệt hại gần 100.000ha lúa và tỉnh phải hỗ trợ bà giống lúa cho nông dân tương ứng 6 tỷ đồng.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho rằng muốn chống ngập cho vùng trồng lúa thuộc 3 huyện cần có giải pháp xây ô bao và trạm bơm. Trong những năm qua, tỉnh đã phân bổ nguồn nguồn vốn đầu tư thủy lợi cho các huyện vùng trũng, nhưng đến nay mới  đạt khoảng 60%, vẫn chưa hoàn thiện đảm bảo an toàn mùa vụ.

Trong khi bài học từ mùa nước nổi, mưa dầm năm 2022, nước dâng ngập ruộng tràn bờ bao. Nông dân một số địa phương gần như bất lực, khó tìm cách đối phó. Cả một vùng đất cần xây ô bao lớn, lực ngoài tầm tay, cần vốn nhà nước hỗ trợ.  

Do đó, hầu hết các công trình thủy lợi triển khai khắp các địa phương ở ĐBSCL không chỉ nhằm “trị thủy” điều tiết nước, bảo vệ mùa màng mà còn kết hợp xây dựng phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn, nâng cao đời sống người dân.

Cù lao lo sạt lở

Tỉnh Sóc Trăng nằm về phía hạ lưu sông Hậu. Trước khi đổ ra Biển Đông sông rộng mênh mông. Trong dải cồn bãi, cù lao trên sông Hậu thuộc địa phận Sóc Trăng, Cù Lao Dung lớn nhất với trên 235km2, hơn 65.000 dân được thành lập huyện từ năm 2022. Giữa bốn bề sông nước và tiếp giáp biển, mỗi khi đi phà qua sông Hậu, trông cù lao như con thuyền xanh miết lênh đênh giữa dòng.

Đất cù lao tươi tốt, có nhiều vườn cây ăn trái, vùng trồng mía nổi tiếng và nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên trong những năm gần đây do tác động dòng chảy và Biến đổi khí hậu (BĐKH), Cù Lao Dung như đứng “đầu sóng ngọn gió” hứng chịu mưa bão thất thường.

Sóc Trăng vừa bước qua mùa khô hạn, xâm nhập mặn. Chưa nhẹ gánh, nỗi lo tháng 7 nước đầu nguồn sông Mekong bắt đầu đổ về. Mưa lũ song hành gặp triều cường cao trào trong ba tháng 9, 10 và 11. Biên độ triều có lúc rất cao. Cán bộ công tác hộ đê túc trực ngày đêm. Lúc này người đi tàu chạy ngoài sông như lướt qua trên ngọn dừa nhấp nhô đứng phía sau con đê nhỏ mong manh.

Mỗi khi nước dâng cao rồi rút theo triều, nền đất long chân, mé đê triền sông dễ sụp lở bất thình lình. Bà con sinh cư trên cù lao dọc theo triền sông Hậu than thở, nỗi lo đêm không ngủ được vì báo động sạt lở, vỡ đê.

Từ nhiều năm qua Cù Lao Dung có đê bao ven sông dài 40km do nhân dân đầu tư, nhưng chưa hoàn chỉnh và không chắc chắn. Đã có nhiều vụ sạt lở, vỡ đê xảy ra gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, tài sản người dân. Hiện nay nguy cơ sạt lở vẫn đang rình rập. Lo lắng nhất là ở 2 xã An Thạnh Đông và Đại An 1.

Một điểm sạt lở bờ sông Rạch Mọp, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức - PTĐ.

Một điểm sạt lở bờ sông Rạch Mọp, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức - PTĐ.

Theo Chi Cục Thủy Lợi Sóc Trăng, dự án đê bao khép kín nhằm đáp ứng 2 mục tiêu phòng chống thiên tai, bảo vệ mùa màng sản xuất cho bà con ở huyện Cù Lao Dung, ước tính kinh phí gần 200 tỷ đồng. Tuy vậy tỉnh Sóc Trăng hiện còn các cồn Phong Nẫm, Mỹ Phước… đã có dự án thủy lợi kết hợp xây dựng hạ tầng nhưng còn chậm.

Tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch nâng cấp công trình thuỷ lợi. Theo đó, dự kiến xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH, nâng cấp cơ sở hạ tầng điều tiết nước, chống ngập úng vùng trũng huyện Châu Thành, Nâng cấp cơ sở hạ tầng phân lũ chống xâm thực mặn hiệu quả và bền vững huyện Mỹ Tú, Xây dựng Trạm bơm truyền nước từ vùng trũng Mỹ Tú – Châu Thành về vùng hạn, mặn huyện Trần Đề và xây dựng kè chắn sóng, tạo bãi bồi bảo vệ bờ biển thị xã Vĩnh Châu.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.