| Hotline: 0983.970.780

TP. HCM và những gói thầu 'nhiệm kỳ'

Chủ Nhật 25/12/2022 , 16:33 (GMT+7)

Chi ngân sách hàng năm để chống ngập nhưng TP. HCM lại đấu thầu cả một giai đoạn 5 năm, tương đương với một nhiệm kỳ…

Triều cường khiến nhiều tuyến đường tại TP. HCM bị ngập sâu vào năm 2020. Ảnh: TL.

Triều cường khiến nhiều tuyến đường tại TP. HCM bị ngập sâu vào năm 2020. Ảnh: TL.

Gom "trứng" vào "giỏ"

Như báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, dự án Duy tu hệ thống thoát nước - Vận hành trạm bơm, cổng kiểm soát triều trên địa bàn thành phố 05 năm do Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (HIMC) thuộc Sở Xây dựng TP. HCM làm chủ đầu tư, trị giá trên 3.226 tỷ đồng, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách.

Dự án sở dĩ có tổng vốn đầu tư lên đến trên 3.226 tỷ đồng là do gộp lại chi phí nạo vét bùn thải 5 năm (2020, 2021, 2022, 2023, 2024 đến hết 31/3/2025).

Đây là hoạt động mang tính thường xuyên nhưng lại được HIMC lên kế hoạch đấu thầu gộp cho cả một giai đoạn 5 năm. Vừa khéo một nhiệm kì?

Vậy vì sao chủ đầu tư không tiến hành đấu thầu theo kế hoạch từng năm một? Tổ chức đấu thầu “gộp” như vậy thì chủ đầu tư có lợi gì? Nhà thầu có lợi gì?

Trở lại với câu chuyện của dòng tiền. Nguồn ngân sách chống ngập TP. HCM sau khi tổ chức “đấu thầu” đang được điều chuyển từ HIMC sang công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM.  Có thể thấy, cái lợi rõ nhất trong kế hoạch đấu thầu “gộp” là dòng tiền “từ túi phải chuyển sang túi trái” sẽ được duy trì ổn định, liên tục mà không thể “trôi, trượt” ra ngoài trong suốt một nhiệm kì 5 năm.

Cái lợi thứ hai của việc đấu thầu “gộp” sẽ khiến cho quy mô gói thầu lớn. Như vậy sẽ giảm bớt doanh nghiệp đáp ứng được hồ sơ mời thầu (chủ yếu về năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn) từ đó giảm bớt sự cạnh tranh.

Ngoài ra, trong dự án này, ý chí của chủ đầu tư HIMC hướng tới nhà thầu còn biểu lộ hết sức cụ thể. Đơn cử như tại Gói thầu số 6, mặc dù có 5 nhà thầu mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu, nhưng chỉ có một nhà thầu duy nhất là Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM nộp hồ sơ dự thầu.

Lúc này, chủ đầu tư lựa chọn hình thức không gia hạn thời điểm đóng thầu và cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá hồ sơ.

Nên cũng không tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. (nếu lựa chọn phương án này có thể đảm bảo tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu, tạo cơ hội cho các nhà thầu có thời gian để hoàn thiện hồ sơ tham gia dự thầu)

Việc chủ đầu tư lựa chọn phương án mở thầu ngay khi chỉ có duy nhất một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu đã giúp Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM nghiễm nhiên trúng thầu.

Giao thông trở nên rối loạn mỗi khi các tuyến đường tại TP. HCM bị ngập. Ảnh: TL.

Giao thông trở nên rối loạn mỗi khi các tuyến đường tại TP. HCM bị ngập. Ảnh: TL.

Chia bánh

Sau khi Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM trúng thầu, và được  Sở Xây dựng TP. HCM phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Chủ đầu tư HIMC đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM.

Tuy nhiên, nhìn vào giá trị hợp đồng của các gói thầu theo từng năm, người ta không khỏi giật mình với tốc độ tăng chi ngân sách.

Tại hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước (hợp đồng số 129/HĐ-TTHT) ký ngày 31/03/2020 giữa Trung tâm QLHT kỹ thuật TP. HCM (ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc ký) và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố HCM (ông Nguyễn Hữu Phán, Phó Giám đốc ký) thực hiện Gói thầu số 6 ghi: Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, thời gian thực hiện hợp đồng là 5 năm (từ 1/4/2020 đến hết ngày 31/03/2025).

Trong đó giá hơp đồng của năm 2020 là trên 191 tỷ đồng, năm 2021 là trên 264 tỷ đồng, năm 2022 gần 288 tỷ đồng, năm 2023 trên 313 tỷ đồng, năm 2024 gần 342 tỷ đồng, năm 2025 gần 49 tỷ đồng.

Như vậy là chỉ sau 5 năm, số tiền ngân sách TP. HCM chi cho việc duy tu bảo dưỡng, nạo vét hệ thống thoát nước lưu vực Nam Thành phố, Tây Thành phố, Bến Nghé - Quận 4, Bắc Tàu Hũ, Tân Hóa – Lò Gốm từ 191 tỉ đồng năm 2020 đã tăng lên đến 342 tỉ đồng vào năm 2024. Tăng gần gấp đôi.

Một mức tăng “mơ ước” của các doanh nghiệp dịch vụ, ngân hàng và thậm chí cả lĩnh vực bất động sản…

Điều khó hiểu là ở phần việc của dự án Duy tu hệ thống thoát nước - Vận hành trạm bơm, cổng kiểm soát triều trên địa bàn thành phố chủ yếu vẫn là nạo vét bùn thải hay thay thế vài cái nắp cống… Không hề có hoạt động đầu tư lớn mà tại sao mức chi ngân sách tăng nhanh đến vậy?

Theo Nông nghiệp Việt Nam, các cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước… cần vào cuộc làm rõ  “uẩn khúc” phía sau những gói thầu chống ngập trị giá hàng ngàn tỉ đồng ở TP.HCM. Tránh nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.