| Hotline: 0983.970.780

Đô thị xanh đòi hỏi trách nhiệm giữ rừng và trồng rừng

Thứ Năm 13/07/2023 , 10:33 (GMT+7)

Đô thị xanh là nền tảng để kiến thiết kinh tế xanh, cho nên trách nhiệm giữ rừng và trồng rừng đang được đặt ra ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam.

Một con đường rợp bóng cây xanh tại TP.HCM.

Một con đường rợp bóng cây xanh tại TP.HCM.

Đô thị xanh trở thành một đòi hỏi cấp bách, khi Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ cây xanh đô thị trên mỗi người dân ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn tối thiểu của quốc tế. Đô thị xanh lấy mục tiêu kiến tạo cảnh quan xanh và cải thiện môi trường ở thành phố người đông đất chật. Hiện nay, cả Hà Nội và TP.HCM đều chưa thể gọi là đô thị xanh.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tỷ lệ cây xanh của Hà Nội mới được nâng lên thành 10 m2/người, ngang với tiêu chuẩn tối thiểu mà Liên hiệp quốc đưa ra. Còn tỷ lệ cây xanh TP.HCM bây giờ chỉ dưới 1m2/ người.

Thử tham khảo con số thống kê ở một số quốc gia khác để thấy nhu cầu đô thị xanh của nước ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trung bình các đô thị xanh trên thế giới đạt tỷ lệ cây xanh 25m2/người. Trong đó, nhiều đô thị đạt tỷ lệ cây xanh cao hơn cao như Singapore 30 m2/người, Seoul 41 m2/người, Moscow là 44 m2/người, Vacsava lên đến 45 m2/người, Berlin 50 m2/người.

Cây xanh đô thị tại Việt Nam chia theo 3 nhóm. Thứ nhất là cây xanh sử dụng công cộng. Thứ hai là cây xanh sử dụng hạn chế. Thứ ba là cây xanh chuyên dụng trong đô thị. Nhóm thứ nhất được xem là nhóm chủ lực, bao gồm các loại cây xanh được trồng trên đường phố và trong công viên, gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông...

Kể từ ngày 29/6/2006, Hiệp hội Công viên - cây xanh đầu tiên ở nước ta đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, nhưng những động thái hỗ trợ tăng trưởng đô thị xanh vẫn còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về quản lý cây xanh đô thị, trong đó nêu rõ: “Cây cổ thụ là cây thân gỗ lâu năm được trồng hoặc mọc tự nhiên, có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây”.

Theo số liệu hiện tại của Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, ở TP.HCM có trên một ngàn cây cổ thụ. Những hàng cây dầu rái và cây sao đen dọc theo các con đường Huyền Trân Công Chúa, Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh ở quận 1 chính là dấu vết của rừng nhiệt đới rụng lá đặc trưng của miền Đông Nam Bộ.

Những thân cây cao vút và xù xì ấy cho biết lịch sử sơ khai của Sài Gòn - TP HCM vốn là một vùng rừng rậm hoang vu. Hiện tại, đứng đầu trong di sản cổ thụ của thành phố phương Nam phải nhắc đến cây đa ở công viên Bách Tùng Diệp nằm ngay ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng, có 5 thân, độ tuổi trên 300 năm.

Theo ghi chép của Trương Vĩnh Ký, nơi cây đa này ngày xưa là một cái chợ có tên gọi Cây Đa Còm chuyên bán bút mực cho học trò lục tỉnh lai kinh ứng thí.

Địa điểm tập trung nhiều cổ thụ nhất dĩ nhiên là Thảo Cầm Viên và khuôn viên Dinh Thống Nhất với nhiều loại quý hiếm như cây bao báp và cây sọ khỉ có nguồn gốc từ sa mạc châu Phi hoặc cây cườm rắn, cây chưng bàu, cây viết chát, cây sóng rắn thơm đều có giá trị chứng nhân cho sự hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP HCM.

Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM cho biết, đơn vị hiện đang duy tu, bảo dưỡng hơn 124 ha công viên mảng xanh, và 88.000 cây xanh.

Biến đổi khí hậu toàn cầu đang thử thách nhiều quốc gia. Việt Nam không chỉ ngăn chặn sự tàn phá rừng, mà còn tăng cường mảng xanh cho cho các đô thị bằng trách nhiệm giữ rừng và trồng rừng. Theo các nhà khoa học, trồng 1 cây xanh thì trong 2 năm đầu tiên sẽ cho được 3-5 m2 cây xanh, sau 5 năm sẽ có từ 15-18 m2 cây xanh, sau 10 năm sẽ có từ 25-30 m2 cây xanh, tức là tán cây phát triển ra sẽ đáp ứng được như vậy.

Khi và chỉ khi có đô thị xanh thì mới mong có được nền kinh tế xanh thích ứng xu hướng hội nhập sâu rộng toàn cầu.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế về tỉnh Gia Lai

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã đề nghị một số địa phương nộp hơn 57 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.