| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp cần tham gia sâu hơn vào hiệp hội ngành hàng

Thứ Tư 16/11/2022 , 16:21 (GMT+7)

Để những thay đổi của thị trường xuất khẩu kịp thời đến với doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng cần sự chủ động từ cả hai phía.

Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa theo quán tính.

Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa theo quán tính.

Lệnh 248, 249 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2022. Tuy nhiên, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng doanh nghiệp trong nước hiện chưa tham gia hoặc tham gia chưa sâu với các hiệp hội ngành hàng, dù có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu.

Điều này hiện rõ khi Văn phòng SPS Việt Nam phổ biến, tuyên truyền cũng như đào tạo, tập huấn các thông tin liên quan tới Lệnh 248 249. Đa số đều phản ánh, rằng họ không có một kênh hoặc đầu mối thông tin chính thức để tiếp nhận những thay đổi từ thị trường quốc tế.

"Chúng tôi gần như không thể biết doanh nghiệp ở đâu để gửi thông tin. Cách thông dụng nhất, là Văn phòng gửi văn bản đến các hiệp hội ngành hàng hoặc các Sở liên quan như NN-PTNT, Công thương, Y tế", ông Nam nói.

Qua gần một năm Lệnh 248, 249 được thực thi, nhưng thỉnh thoảng vẫn có doanh nghiệp gọi điện, gửi email, hoặc fax văn bản đến Văn phòng SPS Việt Nam về việc chưa nghe, hoặc mới nghe thấy lần đầu. Theo ông Nam, nếu tình trạng này tiếp diễn, tốt nhất doanh nghiệp "nên tính toán lại" bởi thương mại nông sản giờ chịu chi phối bởi cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. 

Trên quan điểm, cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX, người nông dân đều trên một con thuyền, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng điều khó nhất cần xử lý bây giờ, là việc dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi tư duy.

Trăn trở với những tồn tại, nhưng ông Ngô Xuân Nam cũng chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn về hạ tầng ở địa phương. Với biên giới kéo dài với Trung Quốc, Lào, Campuchia, để giao thương nông sản không bị đứt gãy, cần một chiến lược dài hơn, một chính sách tầm vĩ mô để giải quyết đồng bộ hai nhóm nhiệm vụ: Đủ năng lực sản xuất phục vụ 100 triệu dân và đảm bảo hoạt động thông quan không bị nghẽn ở biên giới.

"Nông nghiệp đã phát triển rất nhanh, với tốc độ luôn cao và vượt so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Điều ấy đặt ra đòi hỏi về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông. Nhưng thực tế, là chúng ta chưa đạt được, thậm chí chưa tương xứng với đầu mối phía bạn", ông Nam nhận định.

Lấy ví dụ về việc ùn tắc nông sản ở biên giới hồi cuối năm 2021, dù nguyên nhân không phải do Lệnh 248 249, TS. Nam tin, để giải quyết gốc rễ vấn đề cần sự vào cuộc từ nhiều bên liên quan.

Toàn cảnh tọa đàm về Lệnh 248, 249 do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Toàn cảnh tọa đàm về Lệnh 248, 249 do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Chung quan điểm với Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Việt Phúc nhận xét, những hiệp định, nghị định thư đã ký giữa Việt Nam và thế giới nói chung, với Trung Quốc nói riêng đã thúc đẩy và phân chia nông sản thành những khu kinh tế đối trọng với nhau.

Theo bà Hương, dọc biên giới với Việt Nam, Trung Quốc bố trí nhiều khu vực lớn tập kết nông sản, xung quanh 7 cửa khẩu chính. "Doanh nghiệp chúng tôi rất kỳ vọng vào việc nâng cấp hạ tầng tương ứng ở phía Việt Nam, tạo điều kiện cho hai bên thông thương, tránh ùn ứ", bà bày tỏ.

Để đạt được mong muốn này, điều đầu tiên là đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch, theo bà Hương. Đây là vấn đề mang tính cốt lõi, tiên quyết, giúp hai bên cùng quyết tâm phấn đấu. Ngoài ra, với riêng Việt Nam, cả chuỗi cung ứng từ người sản xuất trực tiếp đến doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối đều sẵn sàng làm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước.

Với xu thế toàn cầu hóa, chuyển đổi số và thương mại điện tử, Việt Nam cần chuyển dịch mạnh mẽ để không bị tụt lại quá xa so với những thị trường xuất khẩu trọng điểm là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Riêng trong việc triển khai thích ứng với Lệnh 248 249, công ty Việt Phúc của bà Hương đã phải "bắt nhịp" với hoạt động số hóa của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Từ trải nghiệm thực tế sau hàng chục năm làm thương mại với Trung Quốc, bà Hương tiết lộ, người tiêu dùng Trung Quốc hiện gần như không sử dụng tiền mặt. Mọi thanh toán đều thông qua ứng dụng WeChat, điện thoại thông minh. Ngay cả việc buôn bán ở các chợ đầu mối nông sản lớn, Trung Quốc cũng chỉ dùng điện thoại để "quẹt" thanh toán. Hết một ngày, họ mới đến quầy đổi tiền, hoặc dùng tiền trong tài khoản đi mua vật tư đầu vào, công cụ sản xuất.

"Đúng như ông Nam nhận xét, cái khó là thay đổi tư duy, nhận thức. Ở Trung Quốc, người dân sẵn sàng thanh toán bằng điện thoại dù chỉ bỏ ra vài tệ. Họ hiểu đó là xu thế tất yếu và là nhu cầu nội tại của chính họ và riêng họ", bà kết luận.

Xem thêm
Ông Phan Thiên Định làm Bí thư Quận ủy Thuận Hóa

Ông Phan Thiên Định, Bí thư thành phố Huế (cũ) được chỉ định làm Bí thư Quận ủy Thuận Hóa, thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Kế hoạch hành động Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN vừa ban hành quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đoạt giải C Báo chí Tài nguyên và môi trường

Nhóm tác giả Báo Nông nghiệp Việt Nam đoạt giải C Báo chí Tài nguyên và Môi trường lần thứ VII với loạt bài 'Sống trên Di sản Cao nguyên đá Hà Giang'.