Quy chuẩn hóa từng khâu
Ông Lưu Nam Tài, đại diện Công ty Logicstic Cương Chính, Quảng Tây, cho biết nông sản Việt Nam có nhiều thế mạnh, song việc thiếu chuyên nghiệp khiến chất lượng không ổn định. Các lệnh 248, 249 mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra đối với nông sản nhập khẩu vào nước này, sẽ có tác động tốt đối với doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.
Cụ thể, ông Lưu cho rằng khi có thống nhất từ vùng trồng đến đóng gói, xuất khẩu, thì chất lượng nông sản được nâng cao hơn. “Hai lệnh này cũng giúp chúng ta tách biệt từng khâu, quy trách nhiệm rõ ràng. Ai trồng, thu hoạch, ai đóng gói, làm lạnh, doanh nghiệp nào vận chuyển. Điều mà hai lệnh này của hải quan Trung Quốc hướng tới, là vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi nghĩ rằng hai lệnh này cũng giúp doanh nghiệp và nông dân Việt Nam nâng cao chính mình lên”, ông Lưu nói.
Trong khi đó, ông Triệu Tự Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty nhập khẩu, phân phối nông sản Trung Quan, trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết hai lệnh 248 và 249 được Tổng cục Hải quan Trung Quốc căn cứ vào thông lệ quốc tế. “Phải nói rõ là lệnh này không chỉ được áp với nông sản Việt Nam mà với toàn bộ nông sản các nước trên thế giới nhập vào Trung Quốc. Lệnh này cũng giúp nông sản Việt Nam khi nhập vào Trung Quốc được diễn ra với quy chuẩn tốt hơn”.
Từ các khâu thu hoạch, đóng gói, truy xuất mã số vùng trồng, đều thống nhất, dễ quản lý. Mặt khác, với nền tảng quy chuẩn như vậy, doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu cũng được xử lý nhanh hơn, tiết kiệm thời gian thông quan. Việc này cũng giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, đánh giá sản phẩm, nếu làm tốt, rõ ràng sẽ khiến giá cả tiệm cận mức mong muốn của doanh nghiệp.
Lợi ích của việc làm ăn chuyên nghiệp còn nằm ở việc mọi thứ trở nên chuẩn chỉ hơn. Từ đó, chất lượng được nâng cao. Ông Triệu cho biết từ doanh nghiệp đến vùng trồng đều phải tham gia tích cực, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu như trước kia, các khâu đóng gói, ghi ngày tháng xuất xưởng, cũng không thể nào truy xuất được nông sản đó trồng tại khu vực nào, vườn nào. Chất lượng không ổn định dẫn đến nông sản làm ra không bán được. Thậm chí, có hiện tượng nông dân bị ép giá. Đó là hệ quả của việc làm ăn không có quy chuẩn.
Còn khi lệnh 248, 249 có hiệu lực, tất cả các khâu tham gia vào nông sản đều phải tự nâng cao năng lực của chính mình. Đáp ứng được tiêu chuẩn, thu nhập của bản thân họ sẽ tăng lên.
Nông sản Việt Nam cần chú trọng khâu đóng gói
“Về ngắn hạn, tôi cho rằng Việt Nam cần quan tâm đến khâu đóng gói. Doanh nghiệp làm khâu này nên tham khảo các quy chuẩn của lệnh 248, 249, thậm chí theo tôi nên làm với tiêu chuẩn cao hơn so với hai lệnh này. Bao gồm: ngày tháng sản xuất, đóng gói, chủng loại”, ông Triệu cho biết.
Dẫn chứng về mô hình mà Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm, ông Triệu nhắc nhiều đến Thái Lan. “Từ rất lâu rồi, Thái Lan đã tự có các tiêu chuẩn cho nông dân và doanh nghiệp của nước họ. Các doanh nghiệp Trung Quốc như chúng tôi, thực sự mong mỏi Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp gián tiếp, trực tiếp tham gia xuất khẩu, và quan trọng là chính người nông dân ý thức được vấn đề này. Cần nâng cao năng lực của chính mình, hướng đến thị trường quốc tế. Để có được giá trị kinh tế cao hơn, cần bắt đầu từ chính khâu sản xuất”.
Với thế mạnh về chất lượng nông sản, ông Triệu cho rằng không nên coi hai lệnh 248, 249 là thứ giới hạn, mà là động lực thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển. Nông sản của Việt Nam sẽ càng được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nhiều hơn.