| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp ĐBSCL tìm kiếm cơ hội chinh phục thị trường Úc

Thứ Ba 02/08/2022 , 19:11 (GMT+7)

Được đánh giá còn nhiều dư địa, tiềm năng lớn, cởi mở, thị trường Úc là nơi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở ĐBSCL mong muốn có cơ hội chinh phục.

Thị trường Úc nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt tìm đến

Với mong muốn giúp doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang thị trường Úc, chiều 2/8, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL tổ chức giao lưu các doanh nghiệp nông nghiệp xuất nhập khẩu nông, thủy, hải sản, gia súc giữa Việt Nam và Úc.

Giao lưu các doanh nghiệp nông nghiệp xuất nhập khẩu nông, thủy hải sản, gia súc giữa Việt Nam và Úc. Ảnh: Kim Anh.

Giao lưu các doanh nghiệp nông nghiệp xuất nhập khẩu nông, thủy hải sản, gia súc giữa Việt Nam và Úc. Ảnh: Kim Anh.

Bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Úc tại TP Hồ Chí Minh đánh giá, quan hệ hợp tác song phương giữa Úc và Việt Nam đã được thiết lập gần 50 năm và đang trên đà phát triển tốt. Trong năm 2021, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Úc. Và ngược lại trong năm 2022, Úc là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam.

Bà Tổng lãnh sự Úc xác định, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực tiềm năng và là nhân tố củng cố cho quan hệ song phương giữa 2 quốc gia. Cụ thể, quan hệ thương mại 2 chiều trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản trong năm 2021 đạt 4,4 tỷ đôla Úc, tăng 6,4% so với năm trước đó. Riêng xuất khẩu nông sản của Úc sang Việt Nam tăng khoảng 87% trong năm 2021, đạt 3,4 tỷ đôla Úc. Ngược lại xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Úc hiện tại chỉ ở mức khoảng 1 tỷ đôla Úc trong năm 2021, chủ yếu các sản phẩm như tôm, hạt điều và các sản phẩm về cá, tiềm năng và cơ hội còn rất rộng mở.

Theo thông tin từ Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT, thời gian qua, thông qua các diễn đàn thường niên tập trung vào tiếp cận thị trường Úc, Bộ NN-PTNT đã đề xuất mở cửa thị trường cho trái chanh leo và bưởi của Việt Nam được nhập khẩu vào Úc. Mới đây nhất, ngành nông nghiệp cũng hoàn thành các thủ tục xuất khẩu thanh long sang Úc với sản lượng ngày càng lớn.

Ngành nông nghiệp đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu thanh long sang Úc. Ảnh: Kim Anh.

Ngành nông nghiệp đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu thanh long sang Úc. Ảnh: Kim Anh.

Công ty Tập đoàn xuất nhập khẩu Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đứng đầu cả nước hiện nay. Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc, Chánh Thu đã có 4 mặt hàng trái cây có mặt tại thị trường Úc gồm xoài, nhãn, vải và thanh long. Nhưng theo bà Vy, sản lượng xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn hạn chế. Đa số sản phẩm trái cây của công ty xuất khẩu sang Úc chủ yếu phục vụ cho người Việt sinh sống tại quốc gia này, chưa tiếp cận được với người dân bản xứ.

Sản phẩm xoài của Công ty Tập đoàn xuất nhập khẩu Chánh Thu đã có mặt tại thị trường Úc. Ảnh: Kim Anh.

Sản phẩm xoài của Công ty Tập đoàn xuất nhập khẩu Chánh Thu đã có mặt tại thị trường Úc. Ảnh: Kim Anh.

Đáng mừng là hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang hoàn tất hồ sơ để đưa sản phẩm bưởi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Úc, một loại trái cây mà theo bà Sarah Hooper đánh giá là không thể trồng ở Úc. Yếu tố này sẽ mở ra nhiều triển vọng đưa trái bưởi đến gần hơn với người tiêu dùng tại Úc.

Bà Tường Vy đánh giá công nghệ bảo quản lạnh của Úc rất “ưu việt”. Thời gian qua, Chánh Thu,  đã xuất khẩu một số sản phẩm trái cây đông lạnh như sầu riêng, nhãn, mít nhưng vẫn có nhu cầu rất lớn về tiếp cận công nghệ bảo quản lạnh của “xứ sở chuột túi”.

Thông qua buổi giao lưu, người đứng đầu doanh nghiệp Chánh Thu mong muốn Tổng lãnh sự Úc có thể là cầu nối để doanh nghiệp Việt cải thiện, phát triển và lan tỏa thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam thông qua các kênh truyền thông chính thức của Úc, các sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phụ trách xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cũng bày tỏ mong muốn đưa mặt hàng gạo Việt xuất khẩu sang Úc. Ông Hiếu đánh giá, so với nhiều quốc gia nhập khẩu trên thế giới, thị trường Úc còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

Ông Hiếu đưa ra phép so sánh giữa thị trường Mỹ và Úc, mỗi thị trường có những tiêu chuẩn khác nhau, nhưng điểm chung của hai thị trường này là đều có cơ quan kiểm tra hàng hóa đạt tiêu chuẩn quy định trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Với thị trường Mỹ, ông Hiếu đánh giá là khá “gắt”, hàng hóa nếu có một hoạt chất không đạt sẽ bị trả về ngay. Thị trường Úc cởi mở hơn, có thể thương lượng. Chính nhờ lý do này mà doanh nghiệp đi đầu trong ngành gạo ở Việt Nam đang xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo, đáp ứng được tiêu chuẩn để có thể đủ sức xâm nhập được vào thị trường Úc.

Gỡ khó về thông quan hàng hóa

Lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cũng cho thấy bức tranh tươi sáng tại thị trường Úc. Bà Liêu Kim Thúy, Trưởng ban bán hàng thị trường Úc - NewZealand, Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho hay, trong năm 2021 xuất khẩu sang Úc đạt 50 triệu USD. Và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu sang Úc đã vượt con số của cả năm 2021, đạt hơn 50 triệu USD.

Tuy nhiên doanh nghiệp này cũng đang gặp khó liên quan đến vấn đề thời gian thông quan tại cảng ở Úc, khiến chi phí lưu kho tăng cao, chiếm tới 10% giá trị lô hàng. Vấn đề này đã được bà Sarah Hooper ghi nhận và gửi đến Chính phủ Úc tìm phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng hoàn cảnh trên, Công ty TNHH TM-DV xuất nhập khẩu Vina T&T, chủ lực là xuất khẩu trái cây. Để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Úc, vấn đề ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc Công ty quan tâm nhất là giá cước vận chuyển, thời gian thông quan hàng hóa. Hiện nay, với các lô hàng của doanh nghiệp xuất khẩu sang Úc phải mất thêm từ 3 - 4 ngày kiểm dịch tại hải quan. Vấn đề này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Thị trường lớn cho thực phẩm Việt Nam

Hiện nay, thị trường Việt Nam có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm chất lượng cao của Úc và đối với thị trường Úc những sản phẩm này phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe, an toàn. Bên cạnh các sản phẩm cao cấp như thịt bò, cừu, người Việt Nam còn có thể tiếp cận các sản phẩm khác của Úc như trái cây tươi, sản phẩm làm từ sữa, thủy hải sản và đồ uống.

Các doanh nghiệp tham gia giao lưu với bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Úc tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Anh.

Các doanh nghiệp tham gia giao lưu với bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Úc tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Anh.

Một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm, chuyên nhập khẩu thịt bò từ Úc vào Việt Nam cho biết, người Việt có nhu cầu sử dụng ngày càng cao đối với các sản phẩm cao cấp, đặc biệt là thịt bò. Doanh nghiệp này chỉ ra, sản lượng mỗi năm mà đơn vị nhập khẩu thịt bò từ Úc lên đến 500 triệu đôla Úc. Thế nhưng hiện nay, nguồn hàng nhập khẩu lại đang bấp bênh. Doanh nghiệp mong muốn, thông qua bà Sarah Hooper sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với các cơ sở giết mổ trực tiếp tại Úc để chủ động được nguồn hàng thực phẩm.

Công ty San Hà, đầu mối cung cấp thực phẩm cho nhiều doanh nghiệp trong nước cũng nhận định, Úc là đối tác, nguồn cung thực phẩm lớn. Công ty này hiện có 50 cửa hàng lớn nhỏ, trong đó phần lớn nguồn hàng được nhập khẩu từ Úc như trái cây, hàu, tôm hùm, tôm bào ngư…

Theo ông Nguyễn Doãn Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty San Hà, doanh nghiệp hiện là đơn vị duy nhất ở Việt Nam nhập khẩu dê Úc. Hiện nay, doanh nghiệp này cũng đang xây dựng chuỗi trang trại chăn nuôi gia cầm đạt được tiêu chuẩn, với mong muốn xuất khẩu sang Úc.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.