| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu nông sản nhìn từ thị trường Úc

Thứ Sáu 02/02/2018 , 08:22 (GMT+7)

Thị trường nông sản Úc được đánh giá thuộc loại cạnh tranh và năng động nhất thế giới, hàng hóa có yêu cầu chất lượng cao tương đương Mỹ, EU.

13-24-28_0102181
Ông Nguyễn Khánh Tùng

Ở đó, những mặt hàng thủy sản, rau quả, gạo của Việt Nam đang có tiềm năng lớn nhưng cũng đối diện nhiều thách thức. Gần đây, thành phố Cần Thơ tổ chức đoàn công tác nghiên cứu thị trường Úc và sau đây là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Tùng, GĐ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hội chợ triển lãm Cần Thơ.

Nhiều chuyên gia đánh giá, thủy sản Việt Nam đang có thế mạnh và tiềm lớn ở thị trường Úc, kết quả nghiên cứu của ông?

Việt Nam hiện là một trong bốn nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Úc (sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand), nhưng mới chỉ chiếm khoảng 11,2% thị phần nhập khẩu, con số này chưa bằng một nửa thị phần của Thái Lan. Kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam của Úc những năm qua tăng rất ấn tượng, từ 15 triệu USD năm 2011 lên 225 triệu USD trong năm 2014 (tăng 15 lần) và năm 2017 đạt gần 187 triệu USD.

Hiện Việt Nam là nguồn cung cấp tôm lớn nhất thị trường này, chiếm 31,1% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Úc, tiếp đến là Trung Quốc chiếm 28%, Thái Lan 23%, Malaysia 11%, còn lại là các nước khác. Năm 2017, tôm Việt Nam xuất sang Úc gần 120 triệu USD, tăng 4,6% so với năm 2016 và số lượng các nước cung cấp tôm chế biến cho thị trường này đã giảm, lại đang tạo cơ hội cho Việt Nam.

Mặt hàng thủy sản thứ hai Việt Nam có ưu thế là cá tra, gần như độc chiếm thị trường Úc, từ 96% đến 98%. Hiện tại, phi lê cá tra đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất sang Úc, tiếp theo là phi lê cá tra tươi hoặc ướp lạnh.

Cua ghẹ Việt Nam sang Úc cũng tăng trưởng khá tốt những năm gần đây, chủ yếu cua ghẹ đông lạnh hoặc đã qua chế biến. Hàng cua ghẹ của Việt Nam đứng thứ tư trên thị trường Úc, chiếm 5,33% thị phần của Úc, sau Myanmar, Thái Lan và Indonesia và thị phần tăng mạnh do giá chỉ 8,5USD/kg, thấp hơn giá của các đối thủ cạnh tranh khoảng 3 - 4 USD/kg. Mặt hàng cá ngừ tuy kim ngạch chưa cao nhưng Việt Nam đang đứng thứ 4 trong số các nước xuất sang Úc.

Tiềm năng trái cây Việt Nam ở thị trường Úc như thế nào?

Hàng năm, Úc nhập khoảng 1,7 - 2 tỷ USD rau củ quả, với Việt Nam là 20 triệu USD. Sau 12 năm đàm phán, ngày 17/4/2015, Úc đã cấp giấp phép nhập trái vải của Việt Nam, trái cây tươi đầu tiên của nước ta được nhập vào Úc. Tiếp theo, tháng 8/2016, Úc cấp phép nhập xoài Việt Nam và ngày 24/8/2017, cấp phép cho trái thanh long sau 7 năm đàm phán. Các trái cây khác như nhãn, vú sữa, chôm chôm và chanh dây sẽ là những nông sản ưu tiên của Việt Nam đến Úc trong thời gian tới. Hai mặt hàng còn lại là nhãn, chôm chôm có khả năng tiêu thụ tại thị trường Úc.

Số liệu thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Úc, năm 2014 và 2015, kim ngạch nhập khẩu rau quả chưa chế biến từ Việt Nam ít hơn từ Trung Quốc 10-12 lần; rau quả đã chế biến ít hơn 19-20 lần. So sánh với Trung Quốc bởi vì cơ cấu hàng rau quả tương đồng nhau, nhưng còn khoảng cách rất xa cho thấy tiềm năng của nước ta rất lớn.

Còn tiềm năng gạo Việt Nam ở thị trường Úc, thưa ông?

Trong 5 năm gần đây (2012-2016), kim ngạch nhập khẩu gạo hàng năm của Úc 150-170 triệu USD. Nguồn hàng chủ yếu của Thái Lan, Ấn Độ, Pa-kít-tan. Trong 8 tháng đầu năm 2017, trong kim ngạch nhập khẩu gạo của Úc: Thái Lan chiếm gần 40%, Ấn Độ hơn 30%, Pa-kít-tan hơn 11%, còn Việt Nam chỉ hơn 4% dù đã tăng 10,63% so với cùng kỳ năm trước.

Thị hiếu của người tiêu dùng Úc là gạo chất lượng cao và họ chấp nhận giá cao từ tất cả các nước. Gạo nhập từ Campuchia giá bình quân 800-966 USD/tấn, trong khi giá bình quân gạo Việt Nam chỉ 625-736 USD/tấn. Trên thực tế, người tiêu dùng nước này phải mua gạo với giá cao gấp đôi so với giá gạo nhập khẩu. Tại các cửa hàng của người châu Á trong đó có cửa hàng của Việt kiều, giá gạo Thái Lan túi 10kg có giá 24AUD, tương đương 1,8USD/kg, gấp 2,1 lần giá nhập khẩu. Còn giá gạo Ấn Độ đắt gấp rưỡi, thậm chí trong hai năm gần đây đắt gấp đôi giá gạo Việt Nam mà kim ngạch vẫn tăng. Tiềm năng gạo Việt Nam ở thị trường Úc là gạo thơm, chất lượng cao do đó còn lớn.

Để phát huy được tiềm năng thị trường Úc, hàng hóa nước ta cần vượt qua thách thức lớn nhất là gì?

Thị trường Úc có nhu cầu nhập khẩu cao những mặt hàng là lợi thế của nước ta, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, cắt giảm 90%-100% các dòng thuế, nên càng thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Để khai thác tiềm năng, thách thức lớn nhất cho hàng hóa nước ta là chất lượng còn nhiều bất cập. Nhóm hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến nhiều trường hợp chưa đáp ứng được quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Úc.

Nếu hàng hóa Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng thị trường Úc thì tiềm năng không được khai thác mà còn có thể mất thị trường này. Chẳng hạn mặt hàng gạo, nếu không nâng cao chất lượng sẽ tiếp tục chịu cảnh lép vế, thậm chí không được bày bán ngay cả ở khu chợ nơi có nhiều Việt kiều sinh sống ở ngoại ô các thành phố lớn như Sydney hoặc Melbourne.

Với doanh nghiệp, theo ông cần làm gì để khai thác tốt thị trường Úc?

Muốn trụ vững trên thị trường Úc, các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết để có thể cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền mà người tiêu dùng Úc thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt.

Để xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng xuất khẩu lớn bắt buộc phải có vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với nông dân. Khi hình thành các chuỗi liên kết như vậy, doanh nghiệp sẽ sát sao kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

“Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang tăng mạnh là do người tiêu dùng tin tưởng rằng sản phẩm cá tra đạt được yêu cầu chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Úc. Nên trong thương mại quốc tế, không được buông lơi thị trường chất lượng cao, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm ở các thị trường đang phát triển, nhất là thị trường lớn như Trung Quốc có nhu cầu đòi hỏi thực phẩm chất lượng cao ngày càng tăng”.

(Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Cá tra VN Võ Hùng Dũng)

 

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...