| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ‘bơi’ trong hệ thống cơ chế, chính sách

Thứ Tư 05/06/2024 , 18:26 (GMT+7)

Các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo hiện phân tán, với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, trong khi kết nối giữa các đơn vị còn hạn chế...

Ngày 5/6, Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” được tổ chức tại Hà Nội, với mục tiêu cung cấp thông tin chính sách cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Tại diễn đàn, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã được ban hành khá đầy đủ.

Theo đó, đã xây dựng được công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số; xây dựng và triển khai đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cho chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, cũng như triển khai hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp.

"Đến nay, có hơn 13.800 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số, gần 400 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số. Mạng lưới hơn 120 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số được sàng lọc, thành lập, đào tạo và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp...", bà Trịnh Thị Hương cho biết.

Toàn cảnh Diễn đàn 'Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững'.

Toàn cảnh Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoa học và công nghệ vẫn chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, khi đưa các sản phẩm khoa học công nghệ ra thị trường...

"Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên,  đa số doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu", Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nói.

4 lĩnh vực trọng tâm cần đẩy mạnh ĐMST

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), sau khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Nghị quyết 98 của Quốc hội…, các cơ chế, chính sách đã bao phủ hơn về ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Trong đó, việc quy định ưu đãi đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, về cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạo cũng đã được quan tâm hơn. Đặc biệt, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này cũng đang được nghiên cứu, sửa đổi.

Đại diện của NIC cho rằng, hoạt động ĐMST cần tập trung vào 4 lĩnh vực: Ngành nông nghiệp; Ngành dịch vụ; Ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông và Các vùng.

Trong đó, cần tập trung vào các nhóm giải pháp như: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới; Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Đặc biệt là triển khai mạnh mẽ các nền tảng ĐMST mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo; Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Theo các chuyên gia, dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý ĐMST, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN song vẫn cần có sự hoàn thiện trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ ĐMST còn dàn trải, nhiều nhưng vẫn thiếu, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực.

Nhiều là vì lẻ tẻ, phân tán ở nhiều lĩnh vực, do các bộ, ngành, địa phương khác nhau quản lý, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong nhận diện các chính sách này để tận dụng... Còn thiếu là bởi hệ thống cơ chế, chính sách chưa có sự liên kết mang tính tập trung, mang tính bài bản để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi.

"Doanh nghiệp đang bơi trong hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng chẳng biết cách nào để nhận được sự hỗ trợ này. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng bị đứt gãy, do tình trạng cát cứ thông tin của các bộ ngành", Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển nêu quan điểm.

Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2022.

Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Xem thêm
Hạt tiêu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu cao

Tháng 8/2024, giá bình quân xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 6.012 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 7/2024 và tăng mạnh 61,1% so với tháng 8/2023.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Aboitiz Foods khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi trị giá 45 triệu USD

Long An Ngày 26/9, Tập đoàn Aboitiz Foods khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi Gold Coin Feedmill Long An tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, có tổng mức đầu tư 45 triệu USD.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.

Bình luận mới nhất