Khoảng chục năm trở về trước, sản xuất lúa ở Hà Tĩnh hầu như “giậm chân tại chỗ” với các giống lúa thuần phẩm cấp gạo thấp, năng suất hạn chế. Nông dân sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp, sản phẩm gạo chưa thể vươn ra ngoại tỉnh chứ đừng nói vượt ra tầm khu vực hay nước ngoài.
Nguyên nhân thì có rất nhiều, song yếu tố then chốt vẫn là bộ giống nghèo nàn và chưa có doanh nghiệp, HTX làm đầu kéo bao tiêu, chế biến sản phẩm.
Giải pháp khắc phục tồn tại trên là việc thu hút các doanh nghiệp sản xuất giống lớn như Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam; Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình; Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh; Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An… xây dựng các mô hình khảo nghiệm, sản xuất giống lúa mới, chất lượng cao trên đồng đất Hà Tĩnh.
Kết quả, hàng loạt bộ giống lúa thuần, lúa lai cho năng suất đạt từ 3 – 4,5 tạ/sào đã được sản xuất diện rộng; nhiều giống lúa “cao cấp” như RVT, Dự hương 8, VTNA6, Thái Xuyên 111, J02, BQ… khoe mình trên các cánh đồng rộng đến 20 – 30 ha.
Năm 2016, bước chuyển mình mãnh mẽ trong chế biến sâu lúa gạo của Hà Tĩnh được đánh dấu bởi sự ra đời của Công ty TNHH một thành viên KC Hà Tĩnh. Doanh nghiệp này đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư thiết bị máy móc theo công nghệ châu Âu để chế biến gạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp liên kết với nông dân các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và các tỉnh miền Tây sản xuất lúa chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty KC Hà Tĩnh cho hay, năm 2019 công ty thu mua hơn 20.000 tấn lúa các loại cho bà con nông dân; xuất khẩu gạo sang các nước Lào, Trung Quốc đạt hơn 12.000 tấn. Năm 2020, dự kiến sản lượng lúa thu mua ước đạt 27.000 tấn; sản lượng gạo xuất khẩu trên dưới 18.000 tấn.
“Ngoài thị trường Trung Quốc và Lào, chúng tôi đang đàm phán ký hợp đồng với Cộng hòa Liên bang Đức để xuất khẩu gạo Hà Tĩnh vào thị trường nước này và các nước trong khối Liên minh châu Âu”, ông Tùng thông tin thêm.
Đối với HTX, tổ hợp tác, vai trò “đầu kéo” của các đơn vị này là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Tượng Sơn là xã đầu tiên ở huyện Thạch Hà triển khai mô hình sản xuất rau hàng hóa theo quy trình VietGAP, với quy mô 2,5 ha/20 hộ dân thôn Trung Lập tham gia. Sau một vài vụ sản xuất hiệu quả, Tượng Sơn thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà, đồng thời mở rộng diện tích sản xuất lên 40 ha, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Thượng Phú, Bắc Bình, Đoài Phú, Sâm Lộc, Phú Sơn …
Sản phẩm chủ lực là: bí, mướp ngọt, dưa chuột, su hào… Quy trình sản xuất rau ở địa phương này không chỉ được truy xuất nguồn gốc mà còn được kiểm soát bởi camera giám sát cảnh báo.
Ông Dương Kim Huy, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn thông tin, 3 năm lại nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà là đơn vị đứng ra làm đầu mối ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp như Formosa, chuỗi siêu thị Vinmart ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
“Nhờ sự năng động của HTX, hơn 5 năm qua sản phẩm rau củ quả người dân Tượng Sơn sản xuất ra đều được bao tiêu hết với giá cả ổn định. Hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã không chỉ có của ăn của để mà còn làm giàu nhà sản xuất rau sạch”, ông Huy phấn khởi khẳng định.
Theo báo cáo của huyện Thạch Hà, tính đến thời điểm này, toàn huyện có 78 HTX, 323 Tổ hợp tác và 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều sản phẩm doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất với người dân được tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hà Tĩnh, như: Gạo Ngọc mầm (sản phẩm 4 sao) của Công KC Hà Tĩnh; cốm gạo lứt, trà gạo lứt của Công ty An Phát; lạc rang tỏi ớt Anh Đức…