| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo, đậm nét dân tộc lễ hội tình yêu dưới đỉnh Tơ Phồ Xa

Thứ Năm 09/08/2018 , 15:10 (GMT+7)

Một năm của người Hà Nhì đen, huyện Bát Xát ( Lào Cai) trải qua nhiều lễ hội, trong đó lễ hội cầu mùa lớn nhất được người Hà Nhì bên đỉnh núi Tơ Phồ Xa cao chót vót chờ đợi là Lễ hội Khô Già Già diễn ra bên rừng công viên ở mỗi thôn, bản.

Cùng với thể hiện tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần đất, thần nước, thần rừng, cầu cho mùa màng bội thu, thì đây còn là lễ hội tình yêu, ngày hội vui chơi của các chàng trai, cô gái Hà Nhì.
 

Rộn ràng mổ trâu hiến tế thần linh

Ngày Thìn tháng 6 âm lịch, tức là ngày con rồng “ lò no”, trời còn tờ mờ sáng, đỉnh núi Tơ Phồ Xa cao nhất xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát vẫn đang say ngủ trong tấm chăn sương trắng dày đặc, nhưng trong ngôi nhà đất tường dày đến nửa mét ánh lửa đã bập bùng cháy.

Ông Lý Giá Xe, dân tộc Hà Nhì, người hơn 20 năm làm Trưởng thôn Lao Chải đã dậy từ rất sớm, vừa sưởi lửa, vừa tính toán công việc hệ trọng cho thôn. Với ông và đồng bào Hà Nhì ở Lao Chải, ngày tết lớn nhất, cũng là ngày lễ cầu mùa, cầu mưa to nhất trong năm được mong đợi đã đến, đó chính là lễ hội Khô Già Già, tổ chức vào tháng 6 âm lịch hàng năm.

Ngoài sân kia, con trâu đực sừng cong vút cột ở gốc cây đang nằm đợi một nghi thức hóa kiếp quan trọng. Bao giờ cũng thế, lễ hội Khô Già Già mở đầu bằng việc lợp lại mái cỏ cho nhà công viên vào ngày con rồng “ lò no”, rồi mổ trâu hiến tế thần linh vào ngày hôm sau, đó phải là con trâu đực, do các hộ dân trong thôn cùng góp tiền mua.

9 giờ sáng, Lao Chải vẫn chìm trong sương mù, nhưng đến 10h thì mặt trời đã ló ra trên đỉnh núi Tơ Phồ Xa. Lúc này, tại rừng công viên “a gờ lạ do” nơi có căn lán thờ bằng gỗ, chú trâu đực đã được dắt ra đứng cọ sừng bên cọc cây đu. Rất đông thanh niên, trai tráng trong thôn đã tụ tập về đây, mỗi người mang theo một lù cở, trong đó đựng dao nhọn, lá chuối tươi. 4 thanh niên lực lưỡng dùng dây chão khéo léo thít vào cổ chân trâu, ngay sau đó một người to khỏe nhất gồng mình hai tay nắm chặt sừng trâu mà quật xuống, những chàng trai Hà Nhì khác hò dô kéo dây chão vật ngã chú trâu mộng xuống sân cỏ. Cuộc đọ sức kịch tính kết thúc khi chú trâu nằm ngoan ngoãn dưới nền đất, và thầy cúng lấy một nắm lá cỏ gianh tươi gác trên mái lán thờ xuống buộc vào miệng trâu để “làm lý” tiễn hồn chú trâu trước lễ hiến sinh.

13-38-59_1
Thanh niên thôn Lao Chải “đọ sức” với chú trâu đực chuẩn bị cho nghi lễ mổ trâu hiến tế thần linh

Sau nghi thức mổ trâu, từng tảng thịt trâu đỏ tươi sẽ được đưa vào lán thờ để xẻ thành từng phần chia cho từng gia đình trong thôn mang về làm lễ cúng tổ tiên. 4 chiếc cẳng chân trâu được chia cho 2 người đã có công đi mua trâu và thầy cúng. Còn da trâu và một ít thịt trâu được treo trên gác lán thờ.

13-38-59_2
Thịt trâu được xẻ ra chia đều cho các gia đình

Trưởng thôn Lý Giá Xe bảo con trâu có vai trò vô cùng quan trọng với đồng bào Hà Nhì, vì thế được chọn để hiến tế thần linh, dâng lên tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ, bảo vệ cho gia đình luôn mạnh khỏe, xua tan bệnh tật, cuộc sống ấm no.
 

Độc đáo nghi lễ cầu mùa

Lễ hội Khô Già Già của dân tộc Hà Nhì huyện Bát Xát thường được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày Thìn (ngày con rồng) đến ngày Thân (ngày con khỉ) của tuần thứ nhất hoặc tuần thứ hai tháng 6 âm lịch. Sau nghi thức mổ trâu hiến tế thần linh thì ngày hôm sau là ngày con ngựa “mò no” diễn ra lễ cúng chính tại rừng công viên thôn Lao Chải. Khi gà con chưa gáy, đông đảo thanh niên trai tráng trong thôn Lao Chải đã hò nhau lên rừng chặt cây gỗ quý và lấy dây rừng thật chắc về làm đu quay “a gúy” và đu dây “a gừ”. Giữa mùa hè oi bức nhưng đến 17 giờ chiều, rừng núi Lao Chải đã chìm trong sương mù và se lạnh, khiến chúng tôi cứ ngỡ là đang vào đầu mùa đông.

Trên con đường nhỏ xuyên qua rừng cây và những ngôi nhà trình tường như những cây nấm đất khổng lồ ẩn hiện trong sương, những người đàn ông đại diện cho từng gia đình Hà Nhì lặng lẽ đội chiếc mâm đan bằng mây bày đủ lễ vật đến nhà công viên nơi diễn ra nghi lễ cúng.

13-38-59_3
Thầy cúng và đại diện các gia đình làm lễ cầu mưa

Mỗi mâm lễ vật ngoài thịt trâu còn gồm có các nông sản của gia đình làm được như lạc rang, đậu tương, bí đỏ, thịt lợn, cá suối, thịt gà, rau xanh, rượu trắng…được che bởi tàu lá chuối non xanh mướt. Thầy cúng trưởng bản Sào Thó Truy chia sẻ: Theo lý của người Hà Nhì, chỉ những gia đình nào trong 3 năm không có tang, không gặp chuyện đen đủi thì mới được tham gia và dâng lễ vật lên thần linh. Đối với thầy cúng cũng được cả thôn chọn kỹ lưỡng theo luật tục này.

Giữa biển sương trắng và núi rừng mênh mông tĩnh mịch, dưới chân cột đu, hai thầy cúng “ gạ ma guy” thành kính làm lễ cầu mong các vị thần là thần đất, thần nước, thần rừng phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người an vật thịnh, cuộc sống ấm no. Đại diện mỗi gia đình cũng lần lượt bê mâm lễ vật của gia đình đến, góp mỗi thứ một ít vào mâm lễ chung, rồi gập người dâng cúng thần linh. Hai thầy cũng cũng làm lễ cúng, quay 9 vòng tại đu quay “ a gúy” và thử đu dây “a gừ”, cầu thần linh phù hộ mọi người vui chơi được an toàn.

13-38-59_5
Người trẻ cúi lạy người già để xin tuổi, xin phúc lộc

Khi trời sập tối, cũng là lúc các nghi lễ đã xong, những chiếc mâm mây được xếp vào lán thờ, và người đàn ông đại diện cho mỗi gia đình ngồi bên mâm lễ của mình. Tại đây, người trẻ phải cúi lạy và mời rượu những người cao tuổi hơn để xin tuổi thọ, xin người già ban cho phúc lộc. Rồi họ cùng nhau ăn cơm, uống rượu, nói chuyện làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm trồng ngô, cấy lúa, nuôi đàn trâu, đàn lợn…Bữa cơm rượu đang rộn ràng, thì có mấy phụ nữ Hà Nhì mặc áo truyền thống màu xanh, đầu quấn khăn và tóc giả, tay bê bát cơm có quả trứng gà luộc với nén hương, tay cầm gáo nước đến gần lán thờ, đứng trong màn sương mờ, miệng lầm rầm đọc gì đó.

Trưởng thôn Lý Giá Xe bảo theo phong tục từ lâu, người phụ nữ Hà Nhì phải đến đây gọi hồn những người trong gia đình tham gia nghi lễ trở về nhà, để linh hồn họ không mải vui, lạc giữa rừng núi, không biết lối về. Đêm dần khuya, mưa rơi lớt phớt, cái lạnh trên độ cao gần 2.000m so với mực nước biển khiến chúng tôi rùng mình. Bữa cơm rượu trong lán thờ của những người đàn ông Hà Nhì vẫn diễn ra sôi nổi, vui vẻ, hương rượu nồng và tiếng kén, sáo ngân vang xua tan giá rét…
 

Ngày hội tình yêu bên rừng công viên

Sau nghi lễ cúng tại rừng công viên, người Hà Nhì trong các thôn, bản được nghỉ 3 ngày để vui chơi lễ hội Khô Già Già. Trong 3 ngày đó, người ta kiêng vào rừng chặt cây, lấy củi, đào đất, cắt cỏ… Ai vi phạm luật tục sẽ bị xử phạt theo hương ước của thôn.

13-38-59_6
Bữa cơm của đại diện các gia đình trong lễ hội Khô Già Già

Tại rừng công viên “a gờ lạ do”, người già, người trẻ, kể cả những người phụ nữ Hà Nhì cũng mặc những bộ trang phục đẹp nhất ra vui chơi, tham gia các trò chơi dân tộc như đu quay, đu dây, kéo co, đẩy gậy, nhảy que,…hòa mình vào không gian văn hóa của lễ hội. Thích nhất vẫn là đám trẻ con Hà Nhì, vì chúng được thử cảm giác mạnh khi rướn mình trên đu dây văng lên cao vút, hay ngồi hai bên đầu đu quay quay tít mù, tiếng cười nói vang lên rộn rã một góc rừng. Những cụ già móm mém thì ngồi rung đùi “bắn” thuốc lào sòng sọc, uống nước chè, xem lũ trẻ chơi, hồi tưởng lại những mùa lễ hội đã qua…

13-38-59_7
Phụ nữ Hà Nhì đến rừng công viên “gọi hồn” người tham gia nghi lễ về nhà

Đối với các chàng trai, cô gái Hà Nhì, thì lễ hội Khô Già Già được mong đợi từ lâu, đó là dịp họ được đi chơi hội, tìm hiểu nhau để xây dựng hạnh phúc. Theo lời kể của các già làng, trong các lễ hội Khô Già Già xưa kia, các chàng trai Hà Nhì khi đi hội bao giờ cũng mang theo một cái chăn chiên mới và gần tới rừng công viên thì giấu chăn trong hốc đá hoặc bụi cây...Khi lễ hội diễn ra, chàng trai thể hiện bản lĩnh, tài năng, sức khỏe, sự dũng cảm qua các trò chơi, nhằm thu hút sự chú ý của các cô gái. Nhiều chàng trai còn khoe tài thổi sáo, hát dân ca, đánh đàn khiến các cô gái say đắm...

13-38-59_8
Đàn ông Hà Nhì ăn cơm, uống rượu ở lán thờ đến tận khuya
13-38-59_9
Lũ trẻ Hà Nhì vui chơi trong ngày hội Khô Già Già

 

Xem thêm
Toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Khai trương phòng đọc báo xuân Ất Tỵ tại Thái Nguyên

Phòng đọc báo xuân Ất Tỵ tại Thư viện tỉnh Thái Nguyên mở cửa phục vụ bạn đọc và người dân từ ngày 24/01/2025 đến hết ngày 05/02/2025.

Bình luận mới nhất