| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo người Thái làm nhà che mưa, che nắng cho cá nuôi lồng bè hay ăn, chóng lớn

Thứ Ba 23/08/2016 , 13:12 (GMT+7)

Những năm gần đây, với việc nhiều nhà máy thủy điện trên sông Lam tích nước, đồng bào Thái đã chủ động làm lồng nuôi cá. Đến nay, toàn huyện đã có 221 lồng nuôi.

Nhiều hộ nhờ nuôi cá lồng đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không ít hộ còn đầu tư làm nhà mái tôn, mái cọ kiên cố ngay trên lồng để đảm bảo cá sinh trưởng, phát triển tốt.

Khe Chà Lạp thuộc lòng hồ thủy điện Khe Bố, nằm cạnh QL 7. Trước đây, khe Chà Lạp chỉ là một dòng chảy nhỏ, là nơi xả thải nước, rác sinh hoạt của người dân. Nhưng vài năm lại đây, khi hồ thủy điện Khe Bố tích nước, diện tích mặt nước được mở rộng, phong trào nuôi cá lồng nở rộ.

Đặc biệt, khi được Trạm Khuyến nông huyện Tương Dương hỗ trợ tiền làm lồng, số hộ nuôi không ngừng tăng lên. Nhiều hộ đã mạnh dạn bỏ ra hàng chục triệu đồng đóng lồng hoặc mua lồng công nghệ để nuôi cá, thậm chí làm mái tôn che nắng, che mưa. Các lồng cá xuất hiện với mái che đủ màu sắc đã biến khe Chà Lạp thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Ông Vang Văn Hùng, bản Cảnh Tráp, xã Tam Thái cho biết, tháng 3/2016, được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trọ 4 triệu đồng, gia đình ông đầu tư 1 lồng cá bằng sắt và lưới B40 với kích thức 3 x 6 x 2 mét hết 15 triệu đồng. Ông mua 300 con giống cá trắm cỏ về thả.

10-30-59_2
Độc đáo làm nhà cho cá

 

Thời gian đầu, để tăng cường sức đề kháng cho cá, thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp. Nhưng sau vài tháng thì độn thêm cỏ, lá chuối, thân cây chuối băm nhỏ rồi cắt hẳn thức ăn công nghiệp. Đến tết năm ngoái, gia đình ông thu về trên 400kg cá, được bà con và tư thương trong vùng đến mua với giá 100 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình ông lãi ròng 30 triệu đồng.

“Trong đời sống người Thái, cá là thức ăn rất quan trọng, cá cũng xuất hiện trong nhiều ngày lễ của địa phương, gia đình. Vì vậy, nhu cầu về con cá rất lớn, dù nuôi được rất nhiều nhưng cũng chưa đủ đáp ứng. Cá thương phẩm ở khu vực này thường có giá cao hơn hẳn những vùng khác.

Hiện ở bản Cảnh Tráp có 10 hộ nuôi với 30 lồng, toàn xã có 20 hộ nuôi với số lượng 48 lồng cá. Lồng cá nhà tôi, nhờ được che mái tôn lại vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, thức ăn dư thừa được đẩy ra xa nên cá ít bệnh tật, hay ăn, chóng lớn. Con lớn nhất sau gần 1 năm nuôi cũng đạt trên 3,5kg”, ông Hùng chia sẻ.

Năm nay, gia đình ông tiếp tục được hỗ trợ 12 triệu đồng để làm 2 lồng cá nữa. Ngoài ra, ông còn bỏ thêm 20 triệu đồng làm hệ thống mái tôn che kín lồng cá. Được che nắng, che mưa, cá giảm hẳn các loại bệnh, hay ăn, chóng lớn. Dự tính, đến cuối năm nay, các lồng cá sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn cá, tạo nguồn thu 200 triệu đồng.

Ông Vi Quang Phùng, một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên tại bản Nhẫn, xã Thạch Giám cho biết: “Năm 2010 thủy điện Khe Bố tích nước. Thấy được tiềm năng, tôi đầu tư 2 lồng sắt nuôi cá. Năm đầu tiên thu về 1 tấn cá, được gần 100 triệu đồng.

Giờ thì phát triển thành 6 lồng, trong đó có 4 lồng công nghệ. Đầu năm nay, ta đã thả 100 kg cá giống, dự tính cuối năm sẽ thu về gần 3 tấn cá. Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện, nếu loại trừ được các yếu tố gây bệnh thì cá rất nhanh lớn, chất lượng thơm ngon, lãi ròng cao”.

Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất hiện nay của các hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện là nguy cơ dịch bệnh. Cá lồng rất mẫn cảm với thời tiết, thường gặp một số bệnh như tróc vảy, xuất huyết đường ruột… Vì đây là đối tượng và phương pháp nuôi mới nên bà con chưa có kinh nghiệm phòng và trị bệnh. Đầu năm nay, một số lồng cá đã bị chết con giống.

Trước tình hình này, Phòng NN-PTNT huyện Tương Dương đã mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho các hộ nuôi. Công tác giống cũng đã đưa vào kế hoạch cụ thể của huyện.

Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: “Tương Dương hiện có trên 7.000ha mặt nước lòng hồ thủy điện có thể nuôi cá. Đây là một lợi thế lớn để phát triển nuôi cá lồng, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc Thái. Hiện toàn huyện đã có trên 221 lồng cá.

Trước mắt, hàng năm UBND huyện sẽ lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ tăng 30 -50 lồng cá/năm. Do mật độ nuôi đang tăng dần, dịch bệnh cũng xuất hiện, chúng tôi đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn xuống bám cơ sở, hướng dẫn bà con cách phòng, trị các bệnh trên cá, đồng thời tổ chức nhiều đợt tập huấn để hỗ trợ bà con.

Về con giống, hiện nay các hộ nuôi chưa thể chủ động được do chưa có trại giống. Vì vậy, con giống vẫn phải phụ thuộc các trại giống dưới miền xuôi, mỗi năm chỉ thả được 1 lứa cá. Cũng do di chuyển quãng đường dài, cá về đến đây sẽ giảm sức đề kháng nên dễ nhiễm bệnh. Theo kế hoạch đến năm 2020, huyện sẽ đầu tư để xây dựng ít nhất 2 trại cá giống. Sang năm có thể 1 số hộ sẽ được tập huấn kỹ thuật đem cá hương về ương để cung cấp cho nhu cầu nuôi trên địa bàn”.

10-30-59_3
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Tương Dương kiểm tra lồng nuôi

 

10-30-59_4
Ông Vi Quang Phùng kiểm tra cá trong lồng nuôi công nghệ

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.