| Hotline: 0983.970.780

Đôi chân đồng bằng

Thứ Hai 29/04/2019 , 07:05 (GMT+7)

Tài nguyên đất và nước ví như đôi chân kiến tạo và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đôi chân đó đang đứng trước nhiều thách thức. Sạt lở vì “nước đói” và sụt lún như kẻ thù giấu mặt dưới đất là thách thức lớn cần được chính trị và thích ứng hiệu quả.

Nước đói

ĐBSCL đang mùa khô, nhưng sạt lở vẫn đang diễn ra dọc theo bờ sông, bờ biển cho thấy tính phức tạp, bất thường và ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, toàn vùng có 265 điểm sạt lở bờ sông nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 450km, làm cuốn trôi khoảng 500ha đất mỗi năm. Tương tự, hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, làm mất khoảng 5 km2 đất ven biển mỗi năm.

18-25-40_st_lo_co_xu_the_ngy_cng_gi_tng
Tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở ĐBSCL cần được giải quyết ngay từ các vấn đề nội tại của vùng

Nguyên nhân sạt lở được nhận diện từ những bất cập nội tại của vùng, sự phá vỡ các “túi trữ nước” tự nhiên như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên; việc khai thác, sử dụng bất hợp lý nguồn tài nguyên nước cùng các tác động tiêu cực xuyên biên giới làm thay đổi sự ổn định theo quy luật tự nhiên ngàn đời nay của sông Mekong.

Trong cơn đói phù sa do các quốc gia đầu nguồn Mekong chặn dòng, xây đập thủy điện, hay chuyển nước trên dòng chính như kiểu “chích máu dòng sông” làm mất đa dạng sinh học, giảm lượng thủy sản, nghiêm trọng hơn là làm sụt giảm khoảng một nửa lượng phù sa sông Mekong vốn là nguồn trầm tích kiến tạo nên và nuôi sống đồng bằng.

Sông Tiền, sông Hậu và hệ thống sông ngòi chặt chịt của vùng ĐBSCL còn bị thêm “cú đấm hội đồng” của tội đồ “cát tặc”, do đê bao cục bộ “mạnh ai nấy làm”. Tình trạng sử dụng nước ngầm quá mức gây sụt lún đất và tạo ra các vết nứt bị khoét rỗng thành hố, từ đó bị tác động bởi thủy triều. Khi mất lượng phù sa, tài nguyên cát bị vơ vét cạn kiệt, các con sông bị bào mòn nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy, lòng sông sâu hơn, tạo ra hiện tượng “nước đói”, xâm thực bờ sông. Thiếu lượng phù sa sông Mekong còn tạo ra hiện tượng “nước biển đói” ở các cửa sông vùng ĐBSCL và hệ quả tất yếu là các vụ sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng.
 

Kẻ giấu mặt dưới đất

Cùng với ngập lụt, hạn mặn và sạt lở diễn ra bất thường, nguy hiểm, thì sụt lún cũng đang gây tác hại ngày càng nghiêm trọng. Nó như "kẻ giấu mặt" làm biến dạng đồng bằng, rất cần được nhận diện để xử lý, ứng phó kịp thời.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ sụt lún, mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân đồng bằng. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra, việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát là nguyên nhân chính gây sụt lún đất. Tốc độ sụt lún ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn, trung bình 1,1cm/năm, có nơi 2,5cm/năm, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Mực nước ngầm ở một số nơi đã bị hạ thấp hơn 5m.

18-25-40_st_lo_sut_lun_lu_di_co_the_gy_bien_dng_doi_voi_vung_dt_ny_nhung_dbscl_khong_phi_se_bien_mt_ngy_trong_vi_muoi_nm
Sạt lở, sụt lún lâu dài có thể gây biến dạng đối với vùng đất này, nhưng ĐBSCL không phải sẽ biến mất ngay trong vài mươi năm

Khi mà tình trạng sụt lún đã trở nên nghiêm trọng có thể gây biến đạng đồng bằng, cùng sạt lở diễn ra trên diện rộng làm mất cân bằng trên toàn hệ thống, tác động bất lợi đến “đôi chân phát triển của đồng bằng” là tài nguyên đất và nước, thì vấn đề rất cần được nhận diện hệ thống, tiếp cận theo hệ thống. Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, đòi hỏi phải xử lý các vấn đề sụt lún, sạt lở trước mắt như là tình huống thiên tai khẩn cấp, nhưng quan trọng hơn vẫn là chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và tăng cường phối hợp giải quyết liên ngành.

Sạt lở, sụt lún lâu dài có thể gây biến dạng đối với vùng đất này, nhưng ĐBSCL không phải sẽ biến mất ngay trong vài mươi năm. Đó là một quá trình đòi hỏi sự thích ứng chủ động và khôn ngoan. Hành động thích ứng có thể đúng, có thể sai trong một tương lai bất định, nhưng cần dựa trên "nguyên tắc không hối tiếc". Nếu hành động sai thì vừa tốn kém, không hiệu quả mà cái giá phải trả cho sai lầm sẽ rất đắt.
 

Hành động của chúng ta

Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bảo đảm cuộc sống khá giả của người dân ĐBSCL. Đó là tư duy đột phá, thích ứng thuận theo tự nhiên và quy hoạch không gian tích hợp.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 kèm theo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương là ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, rạch và sụt lún đất trong vùng; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo nhằm triển khai các mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, cần một chiến lược tổng thể "cân bằng nước", nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên nước theo hướng giảm tối đa việc khai thác nước ngầm. Thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng nước theo hướng phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, giảm thâm canh, giảm đầu vào, tăng giá trị và chất lượng đầu ra các chuỗi giá trị nông sản.

Những giải pháp công trình mang tính kỹ thuật, công nghệ để ứng phó trước tác động của BĐKH, sụt lún, hạn mặn là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn vẫn là chất lượng quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đặt trong bối cảnh tổng thể, tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn, nhưng cũng không quên những mục tiêu trước mắt là người dân phải sống, con em phải đi học, tạo sinh kế cho người dân trong an toàn.

18-25-40_thieu_luong_phu_s_song_mekong_con_to_r_hien_tuong_nuoc_bien_doi
Tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở ĐBSCL cần được giải quyết ngay từ các vấn đề nội tại của vùng

Tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở ĐBSCL cần được giải quyết ngay từ các vấn đề nội tại của vùng, nhưng cũng rất cần được trợ lực bằng các định chế quốc tế như nâng cao vai trò thực chất và hiệu quả hoạt động của Ủy hội sông Mekong, kèm theo các giải pháp tăng cường ngoại giao, hợp tác song phương và đa phương để giảm thiểu các tác động tiêu cực liên quan đến tài nguyên nước sông Mekong.

Cùng với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động tổng thể của Chính phủ, rất cần có thêm nhiều nghiên cứu khoa học, các luận cứ khoa học và thực tiễn để chỉnh trị và ứng pho hiệu quả hai mối nguy từ sạt lở và sụt lún.

Tư duy quy hoạch tích hợp mang tính không gian vùng, tiểu vùng và liên kết đòi hỏi phải thực thi mệnh lệnh liên kết vùng. Mạnh ai nấy làm như mọi khi, địa phương nào biết địa phương đó, ngành nào biết ngành đó không còn phù hợp sẽ làm cho tình trạng “nước đói” gây sạt lở, những kẻ thù giấu mặt sụt lún dưới đất ngày càng hung bạo hơn. Chỉ có cách tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội “giúp đôi chân đồng bằng” vững bước hơn trên đường phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 417/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Chương trình hành động tổng thể đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính, bao gồm: (1)- Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; (2)- Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; (3)- Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; (4)- Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu; 5- Đầu tư và phát triển hạ tầng; (6) - Phát triển và huy động nguồn lực.

Kèm theo Chương trình hành động tổng thể gồm 44 chương trình, đề án, dự án cụ thể giao các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện từ nay đến năm 2030.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm