| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

Thứ Sáu 17/05/2024 , 09:58 (GMT+7)

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Ngôi nhà khang trang, hiện đại của người dân nằm bên ao ba ba được xây dựng kiên cố. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngôi nhà khang trang, hiện đại của người dân nằm bên ao ba ba được xây dựng kiên cố. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng trăm hộ dân đổi đời nhờ ba ba

Tận dụng lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ, có nhiều khe nước sạch, thời gian qua, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã phát triển mạnh nghề nuôi ba ba thương phẩm và sinh sản, giúp đời sống của bà con không ngừng được cải thiện.

Gia đình ông Hoàng Văn Cửu ở thôn Ba Khe khởi nghiệp nghề nuôi ba ba từ năm 2007. Ban đầu ông Cửu san tạo hơn gần 1.000m2 đất trồng chè và ao nuôi cá để làm bể nuôi ba ba giống. Sau 5 năm, thấy loài vật này dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông tiếp tục thuê máy xúc, san gạt diện tích ruộng, vườn để xây dưng trang trại nuôi ba ba rộng hơn 3.000m2.

Để có nguồn nước bảo đảm vệ sinh, gia đình ông Cửu đầu tư xây dựng hệ thống đập đấu nối từ đầu nguồn và hệ thống ống dẫn nước về đến tận ao nuôi. Hiện nay ông nuôi hơn 500 con giống bố mẹ, hằng năm xuất bán ra thị trường hơn 10.000 con giống. Khách hàng của ông Cửu ở khắp các địa phương trên cả nước.

Ông Cửu chia sẻ, năm 2023, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu được hơn 700 triệu đồng từ việc nuôi ba ba sinh sản. Thu nhập như gia đình ông là bình thường, ở địa phương có nhiều gia đình còn thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ ba ba. Ngày trước ở Cát Thịnh, người dân chỉ mong đủ ăn chứ không dám nghĩ đến làm giàu. Vậy mà con ba ba đã giúp cho hàng trăm hộ dân đổi đời, nhiều hộ dân đã có nhà khang trang, ô tô đẹp từ chính loài vật này.

Người dân ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, chủ yếu nuôi giống ba ba gai có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, chủ yếu nuôi giống ba ba gai có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Mới bắt tay vào nghề nuôi ba ba gần chục năm nay, nhưng gia đình ông Sa Quang Huy ở thôn Ba Khe đã có thu nhập cao từ nghề. Năm 2023, gia đình ông bán ra thị trường hơn 6.000 con giống, trừ chi phí đầu tư thức ăn, ông Huy thu lãi hơn 500 triệu đồng. 

Ông Huy cho biết, thấy các hộ dân trong xã có thu nhập cao từ nghề nuôi ba ba, ông đã mạnh dạn đầu tư cải tạo hơn 1.000m2 ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi ba ba. Được các hộ đi trước hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi từ cách thiết kế ao nuôi đến kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho ba ba nên ông đã có lãi ngay từ vụ đầu tiên.

Việc tìm nguồn nước sạch nuôi ba ba là yếu tố then chốt, phải có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm bởi thuốc hóa học. Thiết kế ao nuôi quyết định đến sự hiệu quả, ao phải xây tường bao kiên cố, có gờ chắn để không bị thất thoát con giống. Rải cát mịn xung quanh đáy ao để làm sạch nước và ba ba có chỗ trú ẩn khi thời tiết thay đổi. Bệnh ba ba hay mắc phải là ghẻ, nấm da, người nuôi cần thường xuyên theo dõi để xử lý kịp thời.

"Tay trái" trở thành nghề chính

Thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, là địa phương có nhiều hộ nuôi ba ba nhất xã. Câu chuyện về con ba ba gai đến với vùng này cũng là một cái duyên. Theo một số người nuôi ba ba lâu năm kể lại, khoảng năm 2000, một số người dân trong thôn ra suối Phà và suối Lao bắt tôm, cá, ba ba về làm thịt ăn. Những con ba ba nhỏ thường đem thả xuống ao của gia đình. Không ngờ sau một thời gian chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Thấy lạ nên người dân nuôi thử.

Từ nuôi tự phát của một số hộ dân, đến nay nghề nuôi ba ba trở thành nghề chính của hàng trăm hộ. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ nuôi tự phát của một số hộ dân, đến nay nghề nuôi ba ba trở thành nghề chính của hàng trăm hộ. Ảnh: Thanh Tiến.

Thế rồi, nghề nuôi ba ba gai tự phát ra đời từ đó, nhưng cũng phải đến năm 2005 - 2006 nghề nuôi ba ba gai mới đi vào quy củ bằng cách nuôi tập trung theo mô hình trang trại. 

Hiện nay, ngoài nuôi ba ba thịt, người dân còn phát triển rất mạnh việc nuôi ba ba giống để cung cấp cho các tỉnh khác. Từ kinh nghiệm thực tế và học tập qua các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, nhiều người đã làm chủ được kỹ thuật nhân nuôi giống ba ba gai.

Đặc biệt, trong cộng đồng, phong trào giúp nhau nuôi ba ba gai phát triển kinh tế rất mạnh. Những người có kinh nghiệm luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ người khác kỹ thuật nuôi, làm thức ăn, phòng trừ dịch bệnh. Chính vì thế, thôn Văn Hưng đã trở thành vùng sản xuất ba ba gai giống tập trung lớn với gần hơn 150 hộ. Tùy theo quy mô ao nuôi, mỗi năm, hộ ít cũng thu cả trăm triệu đồng, hộ nhiều thì thu tiền tỷ.

Ở thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh hầu như hộ dân nào cũng có bể nuôi ba ba. Ảnh: Thanh Tiến.

Ở thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh hầu như hộ dân nào cũng có bể nuôi ba ba. Ảnh: Thanh Tiến.

Các hộ nuôi ba ba xã Cát Thịnh chủ yếu nuôi giống ba ba gai. Phải tầm 3 năm, ba ba gai mới đạt trọng lượng chuẩn để xuất bán. Tuy thời gian nuôi lâu hơn, nhưng ba ba gai có trọng lượng gần gấp đôi so với ba ba trơn. Chất lượng thịt cũng ngon hơn ba ba trơn nên giá bán cao hơn. Giá bán thương phẩm ba ba gai hiện nay từ 300.000 - 350.000 đồng/kg.

Gần 500 hộ dân nuôi ba ba

Ông Sa Quang Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết, nghề nuôi ba ba ở xã Cát Thịnh đã có gần 20 năm, đến nay trên địa bàn xã có gần 500 hộ dân nuôi ba ba, chiếm khoảng 20% số hộ dân toàn xã. Đặc biệt, năm 2022, chính quyền xã đã vận động thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi ba ba.

Tham gia HTX, các hộ thành viên được hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, liên kết, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, xã Cát Thịnh chủ yếu nuôi ba ba sinh sản, ba ba thương phẩm để cung cấp ra thị trường.

Ông Sa Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết, hiện cả xã có gần 500 hộ dân nuôi ba ba. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Sa Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết, hiện cả xã có gần 500 hộ dân nuôi ba ba. Ảnh: Thanh Tiến.

Xác định làm là thành công, tuy nhiên, vốn để xây dựng chuồng trại, hệ thống thoát nước cũng cao nên nhiều gia đình dù có nhu cầu nuôi nhưng không có điều kiện để phát triển. Từ nhu cầu của người dân, chính quyền xã Cát Thịnh phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho các hộ dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển mô hình; bên cạnh đó, còn hỗ trợ người dân làm truy xuất nguồn gốc, chỉ giới địa lý để ổn định đầu ra.

Hiện nay, nghề nuôi ba ba ở xã Cát Thịnh đã không còn manh mún, nhỏ lẻ mà có sự liên kết đầu tư khá bài bản. Nhiều hộ đã xây dựng, mở rộng quy mô thành trang trại để chăn nuôi hiệu quả. Tuy nhiên, nuôi ba ba đòi hỏi người dân phải có nguồn vốn, kiến thức chăn nuôi nhất định. Để các mô hình nuôi ba ba phát triển bền vững, người dân mong muốn tiếp tục được vay vốn ưu đãi và có đầu ra ổn định.

Giờ đây, khi đi trên những con đường bê tông rộng rãi nối liền các xóm làng ở Cát Thịnh, hình ảnh ấn tượng nhất là những biệt thự của những nông dân nuôi ba ba. Những ngôi nhà khang trang, hiện đại nối tiếp nhau tạo cảm giác như phố ở trong làng.

Từ một xã đặc biệt khó khăn với đồng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay cuộc sống của người dân trong xã đã có những thay đổi rõ nét, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14%. Chính nghề nuôi ba ba đã tạo nên luồng sinh khí mới cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng NTM trên địa bàn vùng cao của huyện Văn Chấn.

Xem thêm
Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.