| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 3] Liên kết sản xuất theo chuỗi

Thứ Hai 20/05/2024 , 06:58 (GMT+7)

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân các địa phương phát triển bền vững nghề nuôi ba ba gai, mang lại thu nhập cao.

Ở Yên Bái, đã có gần 1.000 hộ dân nuôi ba ba gai để phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Tiến.

Ở Yên Bái, đã có gần 1.000 hộ dân nuôi ba ba gai để phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Tiến.

Giá trị thu nhập hơn 100 tỷ đồng từ ba ba

Trên thế giới, ba ba gai phân bố chủ yếu ở Việt Nam và Trung Quốc. Đây là đối tượng sống trong môi trường hoang dã ở các sông, ngòi, khe suối ngoài tự nhiên. Ở Việt Nam, ba ba gai phân bố tự nhiên ở các sông, suối, đầm hồ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, tập trung nhiều ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bởi nơi đây có điều kiện địa lý, khí hậu phù hợp.

Theo ông Hoàng Ngọc Đại, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái, ba ba sinh trưởng và phát triển tốt ở các đầm hồ, khe suối miền núi, nơi yên tĩnh, kín đáo và có nguồn nước trong mát, không bị ô nhiễm. Thức ăn chính cho ba ba gai chủ yếu là động vật. Khi còn nhỏ, ba ba con ăn động vật phù du, giun đất có kích thước nhỏ. Khi lớn, ba ba gai ăn cá, tép, cua, ốc, giun đất và hến. Trong điều kiện nuôi nhân tạo, ba ba có thể ăn xác động vật mới chết, phụ phẩm thực phẩm, ngoài ra còn ăn ngũ cốc như ngô, đậu tương...

Tận dụng tiềm năng về đất đai, khí hậu, những năm qua nhiều nông dân ở tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng các mô hình nuôi con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là các mô hình nuôi ba ba thương phẩm. Nhờ phát triển có định hướng, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, đủ sức cạnh tranh và có đầu ra ổn định trên thị trường.

Hằng năm, các cơ sở nuôi ba ba giống trong tỉnh cung ứng từ 10-15 vạn con giống cho các cơ sở nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Hằng năm, các cơ sở nuôi ba ba giống trong tỉnh cung ứng từ 10-15 vạn con giống cho các cơ sở nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Những năm qua, nghề nuôi ba ba gai đã và đang phát triển mạnh ở một số địa phương trong tỉnh như: Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trấn Yên, Lục Yên và thành phố Yên Bái. Hiện toàn tỉnh có gần 1.000 hộ dân nuôi ba ba. Hằng năm, cung ứng cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài địa phương từ 10-15 vạn con giống. Sản lượng ba ba thương phẩm xuất bán ra thị trường đạt trên 50 tấn, giá trị thu nhập ước đạt hơn 100 tỷ đồng.   

Nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi ba ba

Bên cạnh sự bền bỉ, chịu khó và tự đúc rút kinh nghiệm của bà con trong quá trình chăn nuôi, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển hiệu quả các mô hình nuôi ba ba.

Giai đoạn 2003 – 2007, tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 2 dự án về nghiên cứu sản xuất giống ba ba gai, đơn vị chủ trì thực hiện là Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái. Đối tượng tham gia là những hộ nuôi ba ba, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo yêu cầu, có nguồn nước tốt; có năng lực về lao động, về khả năng tiếp thu kỹ thuật và vốn đối ứng trong quá trình thực hiện.

Thực hiện dự án, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật lựa chọn con giống bố mẹ, cách thu trứng, ấp trứng, ương, chăm sóc ba ba con theo ngày tuổi… Thông qua dự án, góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật nhân giống ba ba cho các cán bộ kỹ thuật và các hộ dân tham gia. Và cũng là nơi tham quan học tập kinh nghiệm cho các hộ dân khác có nhu cầu phát triển nuôi ba ba giống.

Tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi ba ba. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi ba ba. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2010, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015, đề án đã thực hiện hỗ trợ cho 140 hộ dân đầu tư mô hình nuôi ba ba tại các huyện Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. Mỗi mô hình được hỗ trợ 20 triệu để đầu tư ao, bể nuôi và con giống, nhờ đó tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Trong quá trình chăn nuôi, Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ba ba thương phẩm, nuôi sinh sản và phòng trị bệnh...  Một số mô hình có dấu hiệu ba ba bị bệnh, Chi cục đã cử cán bộ  kỹ thuật đến kiểm tra hướng dẫn lấy mẫu đưa đi xét nghiệm chuẩn đoán bệnh để có phác đồ xử lý dứt điểm, không để phát sinh dịch bệnh lan rộng.

Đặc biệt, năm 2020, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý ba ba gai Văn Chấn. Việc “khai sinh” cho sản phẩm đặc sản này đã góp phần quản lý tốt hơn chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm ba ba của địa phương trên thị trường. 

Ông Đinh Khánh Tùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn cho biết thêm, sau hơn 20 năm phát triển, người dân trong huyện nơi đây đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm ba ba gai. Huyện Văn Chấn đã có nhiều giải pháp để phát triển chăn nuôi ba ba như: tận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi.

Từ khi được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý, chính quyền huyện và các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giữ gìn những đặc tính khoa học của sản phẩm ba ba gai thương phẩm của địa phương ít mỡ, thịt chắc và có độ giòn. Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được nhận diện tốt hơn trên thị trường.

Từ manh mún, nhỏ lẻ, chăn nuôi ba ba đã lan tỏa thành một nghề truyền thống, thu hút nhiều người dân tham gia. Đến nay, bà con không chỉ bán thương phẩm, ba ba giống cũng trở thành mặt hàng được tiêu thụ với số lượng cả chục vạn con mỗi năm. Hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo, nhiều hộ dân trở thành triệu phú, tỷ phú từ loại vật nuôi đặc sản này.  

Liên kết sản xuất theo chuỗi để phát triển bền vững

Theo ông Hoàng Ngọc Đại, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái, để tiếp tục phát triển bền vững nghề nuôi ba ba, người nông dân cần liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Tích cực sử dụng chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên sàn giao dịch điện tử, các siêu thị trong và ngoài địa phương.

Sản phẩm ba ba gai thương phẩm của địa phương ít mỡ, thịt chắc và có độ giòn nên thực khách rất ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm ba ba gai thương phẩm của địa phương ít mỡ, thịt chắc và có độ giòn nên thực khách rất ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong quá trình nuôi tránh để ô nhiễm nguồn nước, thực hiện tốt nguyên tắc phòng bệnh cho ba ba như cải tạo ao đúng kỹ thuật trước khi thả, chọn mua giống nơi uy tín, thả nuôi đúng mật độ, cho ăn đủ lượng và đủ chất, chú ý rửa sạch thức ăn trước khi cho ba ba ăn; thường xuyên theo dõi và kiểm tra chặt chẽ các yếu tố môi trường để kịp thời xử lý khi ba ba xuất hiện triệu chứng bệnh...

Đối với các địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng và phát triển vùng sản xuất thủy sản hàng hóa; ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ thành lập các mô hình sản xuất tiên tiến.

Vận động người chăn nuôi thành lập các tổ hợp tác, HTX tạo sự liên kết và khép kín từ khâu nuôi đến khi xuất bán nhằm tăng thu nhập. Thường xuyên tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tranh thủ các dự án, xây dựng những mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi ba ba, khuyến khích xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.

Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi ba ba áp dụng giải pháp kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, ương dưỡng để nâng cao chất lượng con giống. Tăng cường quản lý cơ sở sản xuất giống, đảm bảo 100% giống đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.