Trong bối cảnh các tín hiệu tăng trưởng kinh tế chậm lại ngày càng trở nên rõ rệt vì cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ cố vấn được cho là đang nỗ lực tìm cách để nỗi lo âu không chạm đến người dân Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, theo CNN.
Ông đang dựa vào một đội ngũ cố vấn thường xuyên bất hòa và đã trải qua nhiều thay đổi trong những tháng qua. Trump giờ đây ngày càng có ít người cố vấn ông về chính sách kinh tế như hai năm rưỡi đầu tiên điều hành nước Mỹ trong bối cảnh mối lo ngại về suy thoái đang gia tăng ở Cánh Tây Nhà Trắng.
Trump và chiến dịch của mình trông cậy vào một nền kinh tế Mỹ bùng nổ sẽ giúp ông tái đắc cử. Trong một cuộc vận động tranh cử hồi giữa tháng tại New Hampshire, Trump khẳng định ngay cả những người dân Mỹ không yêu quý ông cũng “không có cách nào khác là bầu cho ông” bởi nếu người khác lên lãnh đạo nước Mỹ, nền kinh tế sẽ sụp đổ.
Tầm quan trọng của sức khỏe nền kinh tế đối với Trump trên đường đua vào Nhà Trắng luôn là chủ đề cơ bản được thảo luận giữa ông và các cố vấn, những người am hiểu vấn đề cho hay.
Cố vấn kinh tế trưởng của Trump, Larry Kudlow, người đã có hai năm đảm nhận công việc này, được dự đoán sẽ rời đội ngũ trong những tháng tới. Nhà kinh tế hàng đầu Kevin Hassett đã ra đi với lời trấn an rằng ông sẽ đóng góp cho Trump như “một nguồn lực từ bên ngoài”. Theo các quan chức Mỹ, Trump còn đang phải giải quyết những khiếu nại từ các cố vấn liên quan đến Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
Trump thậm chí còn đả kích một trong những bộ trưởng trung thành nhất trong nội các, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, vì những cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ với Trung Quốc. Mnuchin mặt khác cũng đang gặp khủng hoảng nhân sự tại Bộ Tài chính khi àm hàng loạt cố vấn hàng đầu đã nghỉ việc trong vài tháng qua.
Ông chủ Nhà Trắng từ đó bắt quay sang những cố vấn có quan điểm cứng rắn như Peter Navarro, người ủng hộ cuộc chiến thương mại và việc tăng cường đòn thuế nhằm vào Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin, Trump đã cho thấy ông thường đánh giá cao những cố vấn quan tâm tới ý nghĩa chính trị của các quyết định kinh tế hơn là những người có kiến thức kinh tế chuyên sâu.
Dù Trump phàn nàn về tiến trình chậm chạp trong các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc do Bộ trưởng Mnuchin giám sát, ông vẫn là cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Mỹ. Thời gian làm việc lâu dài trong chính quyền cùng thành công trong khu vực kinh tế tư nhân là những yếu tố giúp cho những lời khuyên mà Mnuchin đưa ra thường được Tổng thống Trump coi trọng.
Khi tìm người thay thế Gary Cohn, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia đầu tiên của Trump, ông đã chọn Kudlow, người thường xuyên bảo vệ Tổng thống Mỹ trên truyền hình. Trump cũng ca ngợi Navarro khi ông công khai bảo vệ chính sách áp thuế lên Trung Quốc.
Một số quan chức cho biết Trump đang hoang mang trước nguy cơ suy thoái kinh tế bắt nguồn từ cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc song những người khác lại nói ông chủ Nhà Trắng không tỏ ra quá lo ngại về khả năng một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong vòng hai năm tới.
Thay vào đó, Trump tập trung nhiều hơn vào các sự kiện kinh tế tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới triển vọng chính trị của ông. Tổng thống Mỹ đã bày tỏ lo lắng về việc cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và khiến ông mất cơ hội tái đắc cử.
Dù sự giận dữ và thất vọng của Trump chủ yếu hướng vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), những người am hiểu vấn đề cho hay ông cũng không hài lòng với đội ngũ được giao nhiệm vụ đàm phán thương mại với Trung Quốc bởi cho đến nay, họ chưa thể ký bất kỳ thỏa thuận có ý nghĩa nào.
Hồi giữa tháng, Trump thông báo hoãn áp mức thuế mới với Trung Quốc tới ngày 15/12. Phát biểu trên truyền hình về quyết định này, cố vấn Navarro gọi đây là “món quà Giáng sinh” của Trump.
Trong các cuộc họp, Trump bày tỏ hy vọng động thái trên sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, vốn đã bị đình trệ kể từ cuộc gặp giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6. Nhưng viễn cảnh đó dường như sẽ ít có cơ hội xảy ra.
Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 23/8 tuyên bố sẽ áp thuế 5 - 10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ 1/9 và 15/12. Đáp lại, Trump nhanh chóng thông báo 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang bị đánh thuế 25% sẽ bị đánh thuế ở mức 30%. 300 tỷ USD hàng hóa còn lại, vốn được lên kế hoạch bị đánh thuế từ ngày 1/9 ở mức 10%, giờ sẽ bị đánh thuế 15%. Cuộc chiến thuế lại bước vào một giai đoạn mới và nguy cơ suy thoái tiếp tục tăng lên.