| Hotline: 0983.970.780

Đội ngũ cố vấn thương chiến của Donald Trump: Thách thức bủa vây

Thứ Tư 28/08/2019 , 15:14 (GMT+7)

Bản thân các cố vấn của Tổng thống Mỹ cũng tồn tại những bất đồng, người ủng hộ chiến lược gia tăng sức ép qua đòn thuế, người lại chủ trương hòa hoãn, nối lại đàm phán với Trung Quốc

Trước một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tập hợp tất cả những cố vấn thân tín nhất lại tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng.

Trong khi những tổng thống Mỹ đời trước tham vấn dựa vào các lãnh đạo doanh nghiệp, học giả và quan chức giàu kinh nghiệm, Trump lại chọn con đường khác, tự xây dựng một đội ngũ cố vấn kinh tế được biết đến nhiều hơn vì lòng trung thành với ông.

Giờ đây, khi đương đầu nhiệm vụ thúc ép Trung Quốc mang đưa ra những thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho Mỹ, câu hỏi được đặt ra là đội ngũ của Trump sẽ làm gì trước thách thức này và liệu ông chủ Nhà Trắng có nghe theo họ hay không.

Chìa khóa thành công với bất kỳ tổng thống nào khi phải đối diện bất ổn kinh tế là tập hợp về bên mình một đội ngũ những cố vấn tài năng mà ông có thể nghe theo và tin tưởng, Austan Goolsbee, nhà kinh tế tại Đại học Chicago, Mỹ, từng làm cố vấn cho cựu tổng thống Barack Obama, cho hay.

“Tình huống càng khó khăn thì việc có những cố vấn tốt càng quan trọng”, Goolsbee nói. “Nhưng Tổng thống Trump không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng ông sẽ nghe theo lời các nhà kinh tế, vì thế dường như việc có ai trong đội ngũ cố vấn kinh tế không thực sự quan trọng. Nhưng nếu thật vậy, đó sẽ là một tình huống đáng sợ”.

AP dẫn lời hai nguồn tin thân cận với đảng Cộng hòa cho biết khi mối lo lắng về kinh tế gia tăng, Trump bắt đầu tìm kiếm lời khuyên. Ông đã gọi những người bạn nổi bật như chủ câu lạc bộ bóng bầu dục New England Patriots Robert Kraft hay người dẫn chương trình kênh Fox Business Lou Dobbs.

Trọng tâm lớn mà đội ngũ cố vấn của Trump hướng tới là truyền thông điệp, thuyết phục công chúng không có lý do gì phải lo sợ, bất chấp thực trạng sản lượng sản xuất đang suy giảm, thị trường chứng khoán biến động và niềm tin của người tiêu dùng ngày càng đi xuống.

Các cố vấn viện dẫn số liệu mức chi tiêu của người tiêu dùng vẫn duy trì và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong một thập kỷ tại Mỹ (3,7%) làm bằng chứng cho thấy suy thoái kinh tế khó xảy ra. Tuy nhiên, vì quá chú tâm vào mục tiêu phô trương về sức mạnh kinh tế Mỹ, họ đôi khi làm mất uy tín của chính mình, chuyên gia nhận định.

Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, cho biết việc cắt giảm 1.500 tỷ USD thuế năm 2017 thực sự đã mang lại hiệu quả khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, dù thâm hụt ngân sách tăng 20%.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin năm ngoái tuyên bố với phóng viên trước cuộc bầu cử giữa kỳ rằng kế hoạch cắt giảm thuế với tầng lớp trung lưu đang được thảo luận, song nó không bao giờ thành hiện thực như lời ông hứa.

Cố vấn thương mại Peter Navarro, người ủng hộ Mỹ tung đòn thuế với Trung Quốc, khẳng định hàng rào thuế quan “không gây tổn thương cho bất kỳ ai” ở Mỹ, dù các công ty lớn như Home Depot hay Macy đều đã cảnh báo về thiệt hại về lợi nhuận mà họ có khả năng phải gánh chịu. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng người tiêu dùng Mỹ cũng là bên chịu ảnh hưởng.

Giới phân tích đánh giá rủi ro cho Trump không nhất thiết phải là một cuộc suy thoái kinh tế. Việc nền kinh tế giảm tốc cũng tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu lời đảm bảo của ông trước các cử tri rằng kinh tế Mỹ đang đổi mới theo hướng tốt dần lên.

Trump cam kết giữ mức tăng trưởng ổn định 3% mỗi năm, song Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo tăng trưởng sẽ chỉ đạt 2% vào năm 2020 và giảm dần trong những năm sau đó.

Tổng thống Mỹ dường như hiểu rõ tác động của xu thế này. Vậy nên, ông thường xuyên cử các cố vấn của mình xuất hiện trên truyền hình lên tiếng bảo vệ quyết định đánh thuế với Trung Quốc, khơi mào cuộc chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia, một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho hay.

Chiến lược cứu trợ chắc chắn nhất mà Trump có thể đưa ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế là rút lui khỏi cuộc thương chiến với Trung Quốc. Nhưng hiện tại, Tổng thống Mỹ đang đi theo hướng ngược lại, tiếp tục tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hôm 23/8.

Nhà Trắng của Trump có vẻ như đang áp dụng các chính sách kinh tế theo hướng ngẫu hứng hơn so với những chính quyền trước đây, said Douglas Holtz-Eakin, cựu giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, chủ tịch Diễn đàn Hành động Mỹ, nhận xét.

Ông thêm rằng Tổng thống Trump sẽ phải nhận một bài học về việc kinh tế thị trường hiếm khi tuân theo mệnh lệnh. “Họ đang học được một sự thật đau lòng, đó là Nhà Trắng không thể điều hành nền kinh tế”” Holtz-Eakin nhấn mạnh.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất