| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay ngoạn mục trên vùng 'Tam giác sắt'

Thứ Hai 17/05/2021 , 17:53 (GMT+7)

Một trong những nơi đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc là vùng 'Tam giác sắt' với hệ thống địa đạo dưới lòng đất.

Công trình dài khoảng hơn 100km, nằm trên địa bàn 3 xã Tây An, Phú An, và An Điền của huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương này được đánh giá là một trong những công trình vĩ đại bậc nhất thế giới.

Vùng đất huyền thoại Tam giác sắt nay đã trở thành di lích lịch sử cấp Quốc gia, là nơi để các thế hệ đến tri ân, ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Ảnh: Phúc Lập.

Vùng đất huyền thoại Tam giác sắt nay đã trở thành di lích lịch sử cấp Quốc gia, là nơi để các thế hệ đến tri ân, ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Ảnh: Phúc Lập.

Huyền thoại từ lòng đất

Cái tên Tam giác sắt (Iron Trianggle) do chính quân viễn chinh Mỹ đặt để chỉ một vùng đất rộng khoảng 155km2, là hành lang chiến lược nối 2 chiến khu D (Mã Đà) và Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ngoài ra, khu vực này cũng nằm trên tuyến đường huyết mạch lên biên giới Việt Nam - Campuchia.

Đây là một trong những căn cứ vô cùng quan trọng của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khống chế được vùng đất này là nắm thế chủ động. Vì thế, nơi đây từng diễn ra những cuộc đấu tranh đẫm máu.

Ông Nguyễn Văn Mỏi (Tư Mỏi), năm nay 81 tuổi, là một trong số ít những du kích từng chiến đấu ở địa đạo Tam giác sắt nay còn sống. Không chỉ thế, người thương binh thương tích đầy mình này còn là một trong những huyền thoại, với những thành chiến tích lẫy lừng, được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, 3 xã Tây An, Phú An, và An Điền có 1.043 người hy sinh, trong đó, 2 gia đình có 6 người con là liệt sĩ; 2 gia đình có 5 người con liệt sĩ; có 4 du kích được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 90 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Phúc Lập.

Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, 3 xã Tây An, Phú An, và An Điền có 1.043 người hy sinh, trong đó, 2 gia đình có 6 người con là liệt sĩ; 2 gia đình có 5 người con liệt sĩ; có 4 du kích được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 90 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Phúc Lập.

Trong căn nhà nhỏ ở ấp An Mỹ, xã An Điền, ông Tư Mỏi hào hứng nhớ lại: “Từ thời kỳ chống thực dân Pháp, nhân dân ở mấy xã tây nam Bến Cát đã bắt đầu đào hầm bí mật trong nhà, trong vườn nhà mình để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhược điểm của loại hầm này là do chỉ có một nắp để lên xuống, một lỗ thông hơi nên khi bị địch phát hiện dễ bị vây bắt. Để khắc phục, Huyện ủy Bến Cát đã yêu cầu đồng chí Nam Quốc Đăng (tức Nguyễn Văn Đăng), Huyện đội phó Huyện đội Bến Cát lên kế hoạch, thực hiện ý tưởng nối liền các hầm bí mật thành những đường ngầm liên thông nhau trong lòng đất.

Điểm đào đường ngầm đầu tiên là tại khu vực sân vận động xã An Tây bây giờ, sau đó được đào từ điểm giáp ngã ba xã An Điền tới vườn cao su xã Phú An. Lúc này, tổng chiều dài hệ thống địa đạo của mỗi xã chỉ khoảng 1km. Đến năm 1963, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hệ thống địa đạo phát triển mạnh hơn, dài cả trăm cây số.

Cấu tạo của địa đạo gồm 2 phần, một đường xương sống và những đường xương sườn. Đường xương sống nằm cách mặt đất 4m, chiều cao 1,2m, rộng 0,8m, có cấu trúc từ 2 đến 3 tầng, tầng trên gọi là "thượng", tầng dưới gọi là "trần". Chỗ lên xuống có nắp hầm bí mật, dọc theo đường hầm có nhiều lỗ thông hơi, trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật được ngụy trang kín đáo. Chung quanh cửa hầm lên xuống ta bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn để chống xe tăng, mâm phóng lựu đạn để chống máy bay trực thăng mang quân đổ bộ… nhằm tiêu diệt, ngăn chặn quân địch khi chúng tới gần. Dọc đường xương sống có những hầm rộng với các chức năng nghỉ ngơi, kho vũ khí, lương thực, nơi nấu ăn, nơi làm việc, hầm chỉ huy, nuôi dưỡng thương binh, đào giếng lấy nước. Ngoài ra còn có những hầm lớn để hội họp, trú ẩn, tránh địch đi càn. Còn đường xương sườn chính là những nhánh tỏa về các thôn, ấp, nhà riêng”.

Mô hình dựng lại bên trong địa đạo Tam giác sắt. Ảnh: Phúc Lập.

Mô hình dựng lại bên trong địa đạo Tam giác sắt. Ảnh: Phúc Lập.

Bàn về công trình vĩ đại này, Đại tá, PGS. TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 nói: “Mặc dù chỉ có những dụng cụ làm vườn, ruộng rất thô sơ của người nông dân như cuốc, xẻng, leng, vá…không hề có sự hỗ trợ nào về khoa học kỹ thuật, nhưng địa đạo Tam giác sắt đã trở thành một công trình mang tính nghệ thuật cao.

Địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường chính tỏa ra vô số nhánh dài ngắn ăn thông với nhau hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình, có một số nhánh trổ ra sông Sài Gòn. Có những đoạn được cấu trúc từ 2 đến 3 tầng. Chỗ lên xuống có nắp hầm bí mật. Trong địa đạo có nút thắt ở những điểm cần thiết, có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi, bên trên được ngụy trang kín đáo và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật.

Từ đường chính được đào ra các nhánh phụ về các ấp, đi liền với các nhánh phụ là các ụ chiến đấu. Mỗi nhánh phụ dài khoảng 1km với 3 ụ chiến đấu. Ụ chiến đấu sâu 1,7m với 4 lỗ châu mai được đắp như ụ mối gồm 2 nắp.

Nắp trên cách mặt đất khoảng 0,5m, đứng ở dưới có thể quan sát địch trên mặt đất. Nắp dưới ăn thông với tầng 2 của địa đạo, khi địch phát hiện, du kích giở nắp rút lui xuống lòng địa đạo. Các ụ chiến đấu cách đường xương sống khoảng 200m. Ngoài ra, chung quanh ụ chiến đấu có bố trí các hầm chông, mìn được ngụy trang. Trong các cuộc chống càn, ụ chiến đấu đã trở thành nỗi khiếp đảm của địch.

Mỗi lần địch càn, quân ta bám trụ ở các ụ chiến đấu để tiêu diệt địch. Khi địch lên đông thì ta theo ụ chiến đấu rút vào lòng địa đạo, khiến địch điên cuồng không biết quân ta ở đâu. Sau này có lúc chúng tìm được cửa hầm các ụ chiến đấu và liều mạng chui vào, nhưng hầu hết đều vĩnh viễn bỏ mạng trong lòng đất”.

“Cái hay của công trình là mặc dù được đào thông nhau, nhưng để giữ bí mật, những người ở khu vực địa đạo nào sẽ chỉ trấn giữ, chiến đấu tại khu vực đó. Chính vì sự phân công này mà suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, đường vào “Tam giác sắt” vẫn luôn là một bí ẩn đối với địch. Ngay cả đội quân được huấn luyện bài bản, chuyên dò tìm và phá địa đạo mang tên “Chuột cống” của Mỹ cũng phải chịu thua”, Đại tá, PGS. TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7.

Nguồn gốc tên “Tam giác sắt” và trận càn “bóc vỏ trái đất’

Tháng Giêng năm 1967, quân đội Mỹ tiến hành một cuộc hành quân mang tên Xê-đa-phôn (Cedar Falls - Bóc vỏ Trái Đất). Đây là cuộc càn quét quy mô, khốc liệt nhất của địch. Mỹ huy động tới 32.000 lính, hơn 400 xe tăng, 80 tàu chiến, trên 100 khẩu pháo cùng đủ loại máy bay, máy ủi, chó săn gần 2.000 con.

Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ sử dụng lính “Chuột cống”, được huấn luyện tìm đường hầm và tác chiến dưới lòng đất. Chiến thuật của địch trong trận càn là “ba gọng kìm”, “bóc vỏ trái đất”, “tát nước bắt cá”, “tìm diệt”, nhằm “xoá sổ” vùng Tam giác sắt.

Ông Nguyễn Văn Mỏi (Tư Mỏi), 'Chiến sỹ diệt Mỹ' xã An Điền, người 5 lần bị thương và từng chỉ huy tổ du kích xã An Điền đánh nhiều trận lẫy lừng khiến địch khiếp sợ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Mỏi (Tư Mỏi), "Chiến sỹ diệt Mỹ" xã An Điền, người 5 lần bị thương và từng chỉ huy tổ du kích xã An Điền đánh nhiều trận lẫy lừng khiến địch khiếp sợ. Ảnh: Trần Trung.

“Đó là một đêm khó quên. Khi mọi người đang chìm trong đêm tĩnh lặng, thì bất ngờ choàng tỉnh vì tiếng rít xé trời của máy bay và những tiếng nổ đinh tai, nhức óc của bom, mặt đất rung chuyển. Sau hàng giờ máy bay B52 thả bom, tiếng bom nổ chưa dứt đã nghe tiếp hàng loạt tiếng nổ của đạn pháo. Pháo các ngả tới tấp bắn vào. Mặt đất bị xé nát, quằn quại, đổ nát, chết chóc.

Trước mưa bom bão đạn xối xả như vây, địch chắc mẩm rằng, Việt cộng không còn một mống sống sót. Nên sau màn dội bom, nã pháo, san bằng mặt đất, đến lượt bộ binh địch xuất hiện, yên tâm tiến vào, với xe ủi, chó săn, lính “Chuột cống”.

Khi phát hiện cửa hầm, chúng cho xe ủi tung lên rồi cho đội quân “Chuột cống” chui vào địa đạo để săn lùng quân ta. Lúc này, từ trong lòng đất, quân dân ta bắt đầu “lên tiếng” đáp trả bằng những loạt đạn chính xác, tiêu diệt từng toán lính Mỹ được trang bị vũ khí tận răng.

Ông Tư Mỏi đang kể lại hồi ức những ngày chiến đấu dưới lòng đất ở địa đạo Tam giác sắt. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tư Mỏi đang kể lại hồi ức những ngày chiến đấu dưới lòng đất ở địa đạo Tam giác sắt. Ảnh: Trần Trung.

Nhưng, theo ông Tư Mỏi, sự khốc liệt của trận càn Xê-đa-phôn không chỉ bởi bom đạn hủy diệt của kẻ thù mà còn cả ý đồ rất thâm độc của địch. Chuẩn bị tấn công sang vùng Tam giác sắt tây nam Bến Cát, trước đó một tuần lễ, địch dội bom, pháo rất ác liệt xuống Củ Chi và vùng ven… Một số căn cứ, cơ sở của ta đã chịu thiệt hại khá nặng; hàng ngàn mét địa đạo ở Củ Chi bị hư hỏng.

Trước tình thế đó, quân dân Củ Chi vừa chiến đấu vừa tìm cách vượt sông sang Tây Nam Bến Cát tránh đạn. Khi quân dân ta vừa vượt sông sang đến phía Bến Cát, địch đã “giăng lưới” đợi sẵn. Đây chính là ý đồ “tát nước bắt cá” của địch. “Tát nước” vùng Củ Chi trước, “dồn cá” sang một điểm Bến Cát rồi “vét” sạch.

Trò chuyện với ông Tư Mỏi, tôi mới biết, ông chính là một trong những người góp phần tạo ra cái tên “Tam giác sắt” huyền thoại cho vùng đất 3 xã tây nam Bến Cát này.

Ông Tư Mỏi kể, nhằm xóa sổ vùng tam giác sắt và gom dân vào ấp chiến lược, cuối năm 1965, địch đã tổ chức trận càn mang tên “Phong hỏa 2”. Trận càn này, Mỹ đã huy động khoảng 12.000 quân. Trong đó có 8.000 lính Mỹ thuộc Sư đoàn Anh Cả Đỏ và một trung đoàn thuộc Sư 5 Bộ binh ngụy, cùng máy bay B-52, phi pháo và tàu chiến yểm trợ.

Chúng đã sử dụng 2.700 tấn bom đạn, 126.000 trái đạn pháo, cối các loại, trong đó tập trung ném xuống An Điền khoảng 2.000 tấn bom và một nửa số đạn pháo nói trên. Bình quân, mỗi người dân An Điền phải hứng trên đầu nửa tấn bom và 10 trái đạn pháo. 

Năm 1963, ông Tư Mỏi mất một bàn tay do trái lựu đạn nổ, nhưng sau đó vẫn tiếp tục chiến đấu, bắn súng bằng 1 tay. Lập nhiều chiến côn hiển hách, nhưng năm 1982, ông xin nghỉ hưu sớm, trở về chăm lo gia đình nhỏ mà ông vừa xây dựng với một đồng đội. Ảnh: Phúc Lập.

Năm 1963, ông Tư Mỏi mất một bàn tay do trái lựu đạn nổ, nhưng sau đó vẫn tiếp tục chiến đấu, bắn súng bằng 1 tay. Lập nhiều chiến côn hiển hách, nhưng năm 1982, ông xin nghỉ hưu sớm, trở về chăm lo gia đình nhỏ mà ông vừa xây dựng với một đồng đội. Ảnh: Phúc Lập.

Ngày 10/10, một tiểu đoàn lính Mỹ tổ chức càn vào khu vực xã An Điền. Tại đây, bọn chúng gặp phải tổ du kích xã An Điền 4 người do ông Tư Mỏi chỉ huy. Tổ du kích chỉ được trang bị một số vũ khí thô sơ gồm súng cạc bin, súng trường, đạn pháo 105 ly, 1 khẩu cối 81, và mìn DH10 (mìn do ta chế tạo, có hỏa lực mạnh, khả năng sát thương cao). Ông Mỏi chôn cả trăm trái mìn ĐH10, mìn do ông tự chế tại các lối mòn trong rừng mà được nhận định lính Mỹ sẽ đi qua.

Trong một ngày chiến đấu, tổ du kích của ông Tư Mỏi đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, biến khu vực sở Ông Kho, ấp 1 xã An Điền thành nấm mồ khổng lồ chôn vùi hơn 2/3 tiểu đoàn lính Mỹ. Sự kiện gây chấn động chiến trường khi đó, góp phần phá tan trận càn “Phong hoả 2” của địch. Và sau trận đánh này, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát được quân Mỹ - Nguỵ đặt biệt danh là “Tam giác sắt” và coi đây là “thánh địa của cộng sản”.

“Thất bại nặng nề, trận càn Xê-đa-phôn khiến 3.500 tên địch chết, 130 xe tăng, thiết giáp bị phá huỷ, 28 máy bay bị bắn rơi. Mục tiêu hủy diệt căn cứ cách mạng Tam giác sắt của Mỹ thất bại thảm hại. Sau này, tướng Mỹ A.Mac Casen phải thú nhận: “Cuộc điều tra cho biết, ngay khi quân của ta chưa rút khỏi vùng Tam giác sắt thì Việt cộng đã đột nhập vào từ trước rồi. Như vậy là chẳng bao lâu, căn cứ cách mạng này vẫn đâu vào đấy”.

Chuyển mình ngoạn mục

Chiến tranh đã lùi xa, vùng “Tam giác sắt” còn đó. Nhưng chỉ còn một minh chứng lịch sử là khu di tích. Còn lại, cảnh xưa đã đổi hoàn toàn. Hình ảnh xơ xác, điêu tàn đúng nghĩa “vùng đất chết” năm nào không còn nữa.

Thay vào đó là sự trù phú, đầy sức sống, những lô cốt, ụ pháo được thay bằng những toà nhà nhiều tầng, những khu kinh tế, khu công nghiệp… những con đường xưa chỉ có xe quân sự, chở đầy vũ khí, nay được hay bằng xe buýt, xe hơi, xe chở hàng, 2 bên đường là những vườn sầu riêng, vườn ổi, vườn cam xum xuê; tiếng bom đạn gầm rú năm xưa được thay bằng những bản nhạc trữ tình phát ra từ một quán cà phê ven đường, từ tiếng cười giòn tan của học trò vừa tan lớp…

Mô hình Tổ hợp tác hoa lan ở xã An Tây, một trong những mô hình kinh tế áp dụng KHKT giúp nhiều nông dân cùng làm giàu. Ảnh: Trần Lâm.

Mô hình Tổ hợp tác hoa lan ở xã An Tây, một trong những mô hình kinh tế áp dụng KHKT giúp nhiều nông dân cùng làm giàu. Ảnh: Trần Lâm.

Công nghiệp phát triển, khiến miền quê vùng "Tam giác sắt" ngày càng khởi sắc, nhà máy, nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống vật chất và tinh thần của người dân thay đổi vượt bậc, hạ tầng cơ sở khang trang. Ngày nay, sự phát triển của các khu công nghiệp tại khu vực "Tam giác sắt" đã thúc đẩy lĩnh vực đô thị, thương mại phát triển.

Chỉ trong thời gian ngắn, khi các khu công nghiệp mọc lên, đến nay, tại xã An Tây đã có 477 hộ kinh doanh cá thể tập trung vào dịch vụ, thương nghiệp, sản xuất. Tình hình này ở xã An Ðiền cũng phát triển tốt. Theo UBND xã An Ðiền, nhờ 45 doanh nghiệp đi vào hoạt động trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho 426 hộ kinh doanh cá thể hoạt động, trong đó có 153 hộ kinh doanh nhà trọ.

Tại xã Phú An, có rất nhiều mô hình kinh tế nổi bật, nhiều nông dân giàu nhờ áp dụng KHKT, liên kết sản xuất (Trong ảnh, nông dân tham quan mô hình dưa lưới ở Tổ hợp tác dưa lưới Phú An, xã Phú An, Bến Cát). Ảnh: Trần Lâm.

Tại xã Phú An, có rất nhiều mô hình kinh tế nổi bật, nhiều nông dân giàu nhờ áp dụng KHKT, liên kết sản xuất (Trong ảnh, nông dân tham quan mô hình dưa lưới ở Tổ hợp tác dưa lưới Phú An, xã Phú An, Bến Cát). Ảnh: Trần Lâm.

Ông Nguyễn Văn Trí, nông dân xã An Điền cho biết: “Không chỉ anh dũng trong thời chiến, vững chí trong thời bình, người dân ở đây còn rất cần cù, chịu khó, chăm lo làm ăn nên kinh tế gia đình cũng nhờ thế ngày một đi lên. Bây giờ, ai cũng có việc làm, cuộc sống bà con ngày càng ổn định, khá giả. Hiện nay, nhiều hộ không chỉ có nhà to, mà còn xây biệt thự, sắm xe hơi”.

Những năm gần đây, xã Phú An đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích trồng cây hàng năm, chuyển diện tích đất hoang hóa sang trồng cây lâu năm, đặc biệt là trồng cây ăn trái đặc sản. Rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao hiệu quả, giúp nông dân làm giàu như Tổ hợp tác bánh tráng Phú An, Tổ hợp tác chăn nuôi Bò sinh sản, Hợp tác xã SX-TM và DV Nông nghiệp Phú An…

Ông Nguyễn Thanh Răng, Tổ trưởng Tổ hợp tác bánh tráng Phú An cho biết, thương hiệu bánh tráng Phú An đã có ngót 40 năm, ngày xưa chỉ làm thủ công, sản lượng mỗi ngày khoảng hơn 2 tạ, còn bây giờ, có máy móc hỗ trợ, sản lượng tăng gấp đôi. Với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, doanh thu mỗi ngày đạt từ 15-20 triệu.

Ông Nguyễn Văn Đẹp ở ấp Bến Liễu, xã Phú An là một trong những điển hình nông dân sản xuất giỏi, ứng dụng công nghệ cao vào mô hình trang trại trồng cà chua và dưa leo thủy canh. Ông Đẹp cho biết, mấy năm trước, ông đã xây dựng nhà lưới kín và sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động cho trang trại 2.000m2. Nhờ áp dụng phương pháp thủy canh theo công nghệ Australia nên mô hình đạt năng suất, mỗi vụ ông thu khoảng 30 tấn sản phẩm đạt tiêu chuẩn về hình thức, chất lượng, thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Một mô hình hợp tác xã hoa lan rất thành công ở xã An Điền. Ảnh: Phúc Lập.

Một mô hình hợp tác xã hoa lan rất thành công ở xã An Điền. Ảnh: Phúc Lập.

Xã An Tây cũng có những bước phát triển ngoạn mục, nông dân giàu lên rất nhanh. Ðến trại nuôi ba ba của nông dân Lương Ngọc Văn, tại ấp Lồ Ồ, xã An Tây, nhìn cơ ngơi trang trại trên vùng đất sình lầy, nhiễm phèn ven sông, chúng tôi càng thán phục ý chí làm giàu của những người nông dân. Anh Văn cho biết, vốn mê nuôi ba ba, năm 2002, anh đào ao nuôi tại ấp Lồ Ồ. Nhờ những bước đi chắc chắn, hiện nay trang trại thủy sản Trường Thọ của anh Văn đã rộng hơn ba ha, với 64 hồ nuôi, mỗi hồ 300m2 cho lợi nhuận hơn hai tỷ đồng/năm.

Hiện nay trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế nổi bật như mô hình trồng dưa lưới sử dụng công nghệ phun sương trong nhà màng của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao An Thành, quy mô 0,5ha đã được chứng nhận VietGAP, 1 mô hình sản xuất lúa sạch, chất lượng cao (15ha), 1 mô hình trình diễn sản xuất giống lúa Nguyên chủng (15 ha/mô hình), 1 mô hình nấm bào ngư xám theo hướng VietGAP có áp dụng công nghệ tưới phun sương (100m2), 1 mô hình rau ăn lá trong nhà màng có hệ thống tưới phun sương (200m2), 1 mô hình trồng Lan Mokara tưới phun sương, 1 mô hình trồng mai vàng áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước.

Năm 2020, xã An Tây có 2 chủ thể đăng ký phân hạng và chứng nhận sản phẩm OCOP với sản phẩm dưa lưới của công ty Nam Bảo Long và sản phẩm trà dứa Ngọc Mai của công ty Trường Thọ.

Năm 2016 thu nhập bình quân của người dân xã An Tây là 45,8 triệu đồng, năm 2017 tăng lên 46,21 triệu đồng, năm 2018 thu nhập bình quân là 61,356 triệu đồng, năm 2019 thu nhập bình quân là 63,716 triệu đồng, và năm 2020 thu nhập bình quân là gần 66 triệu đồng/người/năm. Tương tự, thu nhập bình quân đầu người 2 xã An Điền, Phú An, cũng đạt từ 67 - 68 triệu đồng/người/năm.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhộn nhịp trên công trình hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1

Hàng trăm công nhân cùng máy móc đang tập trung hoàn thiện hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1 theo tiến độ của chủ đầu tư đưa ra.