Lãnh đạo TP kiểm tra tiến độ GPMB trọng điểm |
Bà Phạm Thị Năm, xóm Đông, xã Đồng Bẩm có gần 1.000m2 đất, trong đó có 400m2 đất ở còn lại là đất vườn, trên đất có một ngôi nhà cấp 4 và các công trình sinh hoạt khác.
Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố bồi thường cho gia đình bà trên 2 tỷ đồng và bố trí để gia đình đến ở tại khu tái định cư (TĐC) đường Việt Bắc, phường Quang Trung nhưng gia đình bà không bằng lòng với cách giải quyết trên. Nắm bắt được nguyện vọng của gia đình, thành phố đã bố trí cho bà Năm 2 lô tái định cư 200m2 tại khu TĐC xã Đồng Bẩm (gần Trường Đại học Việt Bắc). Đến ngày 1-8-2017, bà Năm đã nhận đủ tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư để nhà thầu thi công dự án cầu Bến Tượng.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, ở tổ 2, phường Thịnh Đán có trên 300m2 đất ở nằm trong vị trí lòng đường đường Bắc Sơn kéo dài (đoạn gần cổng Tam quan thuộc Dự án Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc). Về cơ bản, bà Hồng chấp thuận nhận tiền đền bù để giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhưng do phải di dời quá nhanh trong khi gia đình bà chưa bố trí được nơi ở mới nên gia đình bà Hồng mong được hỗ trợ thêm kinh phí để thuê nhà tạm thời trong khi chờ đợi khu tái định cư đang xây dựng.
Cùng với trường hợp của bà Hồng, qua các buổi đối thoại với các hộ trong vùng dự án, Tổ công tác thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thái Nguyên cũng đã tiếp nhận trên 800 hộ dân khác cũng có nguyện vọng tương tự. UBND T.P Thái Nguyên đã báo cáo việc này với UBND tỉnh và được tỉnh đồng ý thực hiện phương án hỗ trợ thêm cho các hộ dân bị thu hồi đất nhưng chưa bố trí được nơi ở mới với mức 35 triệu đồng/hộ để các gia đình thuê nơi ở trong khi chờ khu TĐC của Dự án được xây dựng tại xã Quyết Thắng hoàn thành.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp được các ngành chức năng của Thành phố giải quyết thấu tình đạt lý, nên tạo được sự đồng thuận xã hội trong công tác giải phóng mặt bằng.
Việc triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Nghĩa trang An Lạc Viên INDEVCO tại xóm Lượt 1, xã Thịnh Đức là một ví dụ điển hình của sự nỗ tạo sự đồng thuận của nhân dân trong vùng thực hiện dự án.
Sau chuyến công tác tại tỉnh Quảng Ninh của Đoàn lãnh đạo tỉnh năm 2016, một số doanh nghiệp mong muốn được đầu tư, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn INDEVCO mong muốn được đầu tư, xây dựng Nghĩa trang An Lạc Viên tại T.P Thái Nguyên.
Nhận thấy đây là dự án quan trọng, đáp ứng yêu cầu và sự mong mỏi bấy lâu nay của nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Thường trực Tỉnh ủy đã chấp thuận cho doanh nghiệp nêu trên triển khai dự án và giao cho T.P Thái Nguyên thực hiện công tác đền bù, tái định cư và GPMB. Chỉ sau 2 tháng Thành phố đã hoàn thành việc GPMB với diện tích thực hiện gần 29 ha, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án. Hiện nay các hạng mục của dự án cơ bản đã hoàn thành.
Công tác bồi thường, GPMB luôn là vấn đề khó khăn và phức tạp |
Một Dự án khác là Dự án đường Bắc Sơn kéo dài (dự kiến đổi tên là đường Hồ Núi Cốc). Đây cũng là dự án thực hiện công tác GPMB hết sức khó khăn. Bởi toàn bộ diện tích phải giải tỏa là 9,5km nằm chủ yếu trong trong trung tâm thành phố, đông dân cư. Cụ thể, điểm đầu giao đường Lương Ngọc Quyến với đường Quang Trung, điểm cuối là xóm Cao Trãng, xã Phúc Xuân. Theo kế hoạch đề ra, công tác GPMB sẽ được thực hiện thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ thực hiện GPMB đoạn đường dài trên 2 km qua địa phận xã Quyết Thắng và phường Thịnh Đán. Tỉnh cũng giao cho T.P Thái từ ngày 15-11-2016 đến hết quý I-2017 phải giải phóng toàn bộ phần lòng đường 2 km theo kế hoạch của giai đoạn I cho đơn vị thi công.
Nhiều người ban đầu nhận định khó có thể thực hiện vì số hộ nằm trong diện giải tỏa lớn, thời gian thực hiện lại gấp. Nhưng nhờ vào áp dụng các biện pháp, chính sách linh hoạt trong công tác GPMB mà T.P Thái Nguyên đã hoàn thành giải tỏa và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ đề ra. Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên, cho đến thời điểm này, Thành phố đã bàn giao được 7 km (trên 1.200 hộ bị ảnh hưởng) để bàn giao cho chủ dự án thi công.
Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên sông Cầu cũng đang được triển khai. Đây cũng là một dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, với tổng mức đầu tư trên 28.000 tỷ đồng. T.P Thái Nguyên luôn nỗ lực trong công tác GPMB. Đến nay đã bàn giao được gần 4 km bên bờ hữu sông Cầu để nhà đầu tư thực hiện hạng mục kè và đường bao quanh sông Cầu.
Trên đây chỉ là 3 dự án lớn, trọng điểm trong tổng số gần 100 dự án mà tỉnh giao cho T.P Thái Nguyên thực hiện GPMB.
Ông Nguyễn Tiến Trữ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên chia sẻ: Công tác bồi thường, GPMB luôn là vấn đề khó khăn và phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân trong vùng dự án nên Thành phố rất thận trọng. Ở từng dự án, lãnh đạo TP luôn sâu sát chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh kịp thời. Để có mặt bằng sạch thực hiện dự án, T.P Thái Nguyên luôn tạo được sự đồng thuận hợp tác của người dân trong vùng dự án trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng.