| Hotline: 0983.970.780

‘Đòn bẩy’ đưa du lịch Kbang cất cánh

Thứ Sáu 04/02/2022 , 10:36 (GMT+7)

GIA LAI Với những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, những thác nước hùng vỹ và nhiều di sản văn hóa phi vật thể, huyện Kbang (Gia Lai) có tiềm năng du lịch rất lớn.

“Cú hích” du lịch từ Khu bảo tồn Kon Chư Răng

Mới đây, người dân huyện Kbang nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung như vỡ òa trong niềm vui khi Cao nguyên Kon Hà Nừng chính thức trở thành Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Việc Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận sẽ giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo mang tính riêng biệt về đa dạng sinh học, đồng thời mở ra cơ hội cho người dân trong vùng phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ tài nguyên rừng, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Thác 50, biểu tượng du lịch của huyện Kbang. Ảnh: TL.

Thác 50, biểu tượng du lịch của huyện Kbang. Ảnh: TL.

Nằm trong vùng lõi của Cao nguyên Kon Hà Nừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc huyện Kbang có hệ sinh thái rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới, núi trung bình, còn tương đối nguyên vẹn. Đồng thời, nơi đây có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái, động, thực vật rừng của khu vực Tây Nguyên.

Chủ tịch UBND huyện Kbang, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đây là một cú hích lớn nhằm hướng đến phát triển du lịch tại địa phương. Việc tận dụng được cú hích này để phát triển du lịch có hiệu quả hay không đòi hỏi sự nỗ lực và đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, các cấp, ngành địa phương và đến từng người dân”.

Để phát huy thế mạnh mà thiên nhiên đã hào phóng biệt đãi cho nơi đây, ông Dũng cho rằng, trong quá trình khai thác tài nguyên để phục vụ du lịch, cần đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững. “Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường và quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, việc nuôi trồng các loài cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái cùng các giá trị dịch vụ từ rừng là cơ hội mang lại lợi ích về kinh tế, việc làm và thu nhập cho người dân.

Khu rừng nguyên sinh Kon Chư Răng. Ảnh: TL.

Khu rừng nguyên sinh Kon Chư Răng. Ảnh: TL.

“Thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị chủ rừng củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả và chất lượng bảo vệ rừng tận gốc, huyện cũng sẽ chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ phát triển rừng... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học tại Kon Chư Răng nói riêng và Cao nguyên Kon Hà Nừng nói chung”, ông Dũng chia sẻ.

Không chỉ sở hữu những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, những thác nước hùng vỹ, huyện Kbang còn là nơi tập trung nhiều loại cây dược liệu quý có giá trị cao như: Sâm cau, sâm đá, sâm dây, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, mật nhân, hà thủ ô đỏ, sa nhân, hoàng đằng, vàng đắng, cốt toái bổ...

Để bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, huyện Kbang đã xây dựng chương trình trọng tâm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn rừng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện Kbang đã đề xuất và được UBND tỉnh Gia Lai đưa Dự án trồng dược liệu dưới tán rừng vào danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021- 2025. Đến nay  có nhiều doanh nghiệp đã và đang khảo sát, xin chủ trương đầu tư dự án đầu tư trồng, sơ chế, chế biến dược liệu… 

Chú trọng phát triển du lịch bền vững

Là vùng căn cứ cách mạng, huyện Kbang có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Không những vậy, Kbang còn hội tụ nhiều dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc cùng với dân tộc Bahnar tại chỗ, đã tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội cồng chiêng, nét đẹp của người đồng bào dân tộc Bahnar. Ảnh: TĐL.

Lễ hội cồng chiêng, nét đẹp của người đồng bào dân tộc Bahnar. Ảnh: TĐL.

Nơi đây cũng lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Bahnar, trong đó có văn hoá cồng chiêng được sử dụng chính trong các dịp lễ hội, tết cổ truyền của dân tộc và các hoạt động văn hóa tại địa phương.

Đặc biệt, huyện Kbang nằm trong vùng thiên nhiên còn khá nguyên sơ, diện tích rừng nguyên sinh rất lớn, nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn, có nhiều thác nước nên thơ và hùng vỹ. Nơi đây còn có nhiều thảm động, thực vật hết sức phong phú…

Với những lợi thế đó, Kbang có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 6 điểm du lịch trên địa bàn gồm: Du lịch Văn hóa - Lịch sử làng Kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung); Du lịch Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An); Căn cứ cách mạng tỉnh Gia Lai - Khu 10 (xã Krong); Khu du lịch sinh thái Thác 50 - Kon Chư Răng; thác Kon Bông, Kon Lốc (xã Đăk Rong) và điểm du lịch thác Hang Dơi (Thị trấn Kbang).

Để khai thác hết những tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương, Đại hội Đảng bộ huyện Kbang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với phát triển dịch vụ nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn huyện”. Đây là một trong bốn chương trình trọng tâm cần thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, mục tiêu của huyện là đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, xây dựng và hoàn thiện các điểm du lịch hiện có, ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng các chương trình trải nghiệm, kết nối các tour du lịch trong và ngoài huyện, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo thương hiệu cho du lịch Kbang…

Lễ hội đâm trâu, nét văn hóa đặc sắc của người Bahnar. Ảnh: TL.

Lễ hội đâm trâu, nét văn hóa đặc sắc của người Bahnar. Ảnh: TL.

Để hiện thực hóa vấn đề này, huyện Kbang đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, huyện sẽ tập trung đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch như: Khoanh vùng quản lý bảo vệ và triển khai các dịch vụ du lịch tại các thác nước; tổ chức các sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí, dã ngoại cho du khách; xây dựng mô hình nhà ở cộng đồng (homestay) tại các làng; phát triển dịch vụ ẩm thực địa phương gắn với những đặc sản đặc trưng của các dân tộc.

Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc; đầu tư phục dựng các lễ hội tiêu biểu như: Lễ mừng nhà rông mới; Lễ mừng lúa mới; Lễ thổi tai... Đồng thời, củng cố các đội cồng chiêng nhỏ tuổi tại các làng Bahnar truyền thống; duy trì định kỳ và đổi mới hình thức tổ chức “Ngày hội du lịch” huyện Kbang hàng năm.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng ước tính có khoảng 10.000 ha rừng già và rừng nguyên sinh, với gần 550 loài thực vật bậc cao. Đặc biệt, trong đó có đến 18 loài quý hiếm, được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam và 7 loài góp mặt vào Sách Đỏ Thế giới.

Cùng với thảm thực vật đang dạng là hệ động vật phong phú với 62 loài thú, 169 loài chim và 161 loài bướm. Đó là lý do khi đến khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, du khách có thể vô tình bắt gặp các loài thú trong rừng, nghe tiếng chim hót véo von và say đắm trước khung cảnh những đàn bướm bay lượn trong nắng.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng vô địch Billiards châu Âu: Kỳ tích lịch sử

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng xuất sắc giành chức vô địch giải pool 9 bi quốc tế Jacoby Scottish Open 2024, làm nên lịch sử cho bi-a Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.