| Hotline: 0983.970.780

Đón 'chúa sơn lâm' về miền di sản

Thứ Sáu 01/04/2022 , 07:15 (GMT+7)

Bảy cá thể hổ được giải cứu vào tháng 7/2021 đã được bàn giao và chuyển về nuôi dưỡng tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)…

Vào tháng 7/2021, cơ quan chức năng ở tỉnh Nghệ An đã phát hiện 7 cá thể hổ được nuôi nhốt trái phép tại một gia đình ở địa phương này. Sau đó, 7 cá thể hổ này đã được bàn giao cho VQG Pù Mát chăm sóc.

Đàn hổ được cán bộ của VQG Pù Mát chăm sóc khi mới đưa về. Ảnh VQG Pù Mát

Đàn hổ được cán bộ của VQG Pù Mát chăm sóc khi mới đưa về. Ảnh VQG Pù Mát

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát (Nghệ An), cho biết, 7 cá thể hổ được chăm sóc khoẻ mạnh. Sau thời gian nuôi nhốt, điều kiện chăm sóc ở đơn vị không thể tiếp tục đáp ứng đối với các cá thể hổ ngày càng trưởng thành. Chúng tôi xin ý kiến Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Sở NN-PTNT Nghệ An chủ trì. Cơ quan chủ trì đã lấy ý kiến của cơ quan Công an và Sở Tài chính Nghệ An. Tất cả đều đồng ý để đơn vị chuyển giao cho VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nuôi dưỡng”- ông Cường cho hay.

Khi nhận về, 7 con hổ có trọng lượng trung bình từ 5-7 kg. Sau hơn 6 tháng được nuôi dưỡng tại VQG Pù Mát với chế độ đặc biệt, 7 con hổ này đã có trọng lượng lớn. Con nặng nhất đạt 63 kg và con nhỏ nhất nặng trên 50 kg. Tuy nhiên, do điều kiện chuồng trại và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, việc tiếp tục nuôi dưỡng các cá thể hổ này tại VQG Pù Mát gặp nhiều khó khăn. VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã đề xuất nhận nuôi, với mong muốn có điều kiện chăm sóc tốt hơn nữa cho đàn hổ này.

Sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Bình, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã đẩy nhanh việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc đón nhận và nuôi dưỡng đàn hổ tốt nhất. Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: “Điều quan trọng nhất thời gian qua là chúng tôi chuẩn bị chuồng trại để đảm bảo công tác kiểm dịch, công tác cứu hộ, chăm sóc nuôi dưỡng, phúc lợi về không gian sống cho các cá thể hổ này và chuẩn bị phương án tài chính lâu dài”.

Di chuyển đàn hổ đến VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: T.P

Di chuyển đàn hổ đến VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: T.P

Ngày 22/3, đoàn công tác của VQG Phong Nha- Kẻ Bàng đã có mặt tại VQG Pù Mát để làm thủ tục tiếp nhận và vận chuyển đàn hổ  về nơi ở mới. 

Khu nuôi nhốt đàn hổ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: T.P

Khu nuôi nhốt đàn hổ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: T.P

Việc nuôi dưỡng và quá trình vận cuyển đàn hổ đã được các chuyên gia quốc tế quan tâm. Bà SZILVIA KALOGEROPOULU, Chuyên gia Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp  (EPRC) và nhóm tình nguyện viên đã đi cùng đoàn công tác để hỗ trợ việc vận chuyển, đưa đàn hổ lên, xuống ôtô và thực hiện việc thả vào nơi ở mới. Quảng đường hơn 300 km từ VQG Pù Mát đến VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là khá dài và trong thời tiết nắng nóng rất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn hổ này. Dọc đường, ô tô vận chuyển phải dừng lại nhiều lần để các chuyên gia quốc tế kiểm tra sức kỏe đàn hổ để có những giải pháp cứu hộ kịp thời. Rất may là mọi việc đều an toàn.

Bà SZILVIA KALOGEROPOULU nói: “Chúng tôi rất vui vì các cá thể hổ này được chuyển đến ngôi nhà mới là VQG Phong Nha- Kẻ Bàng, nơi có điều kiện sống lý tưởng hơn để chúng sinh trưởng và phát triển. Tôi hi vọng sức khỏe của chúng sẽ được đảm bảo và sớm thích nghi với môi trường tại đây”.

Chiều muộn, đoàn công tác đã về đến VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, các chuyên gia và nhân viên cứu hộ của đơn vị đã khẩn trương di chuyển 7 cá thể hổ vào khu chuồng trại mới. Tại đây, đàn hổ sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy trình. Khu nuôi nhốt được cách biệt với các nhóm động vật khác.

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (VQG Phong Nha - Kẻ Bàng) “Quá trình vận chuyển đàn hổ đã thành công và an toàn tuyệt đối. Chúng tôi sẽ tập dần cho đàn hổ thích nghi với nơi ở mới. Thời gian tới, đàn hổ sẽ được bố trí khu mới có sân chơi rộng, có bể tắm và sẽ cung cấp thức ăn sống cho hổ với tập tính săn mồi”- ông Anh nói thêm.

Một trong 7 con hổ tại khu chuồng mới tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật . Ảnh: T.P

Một trong 7 con hổ tại khu chuồng mới tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật . Ảnh: T.P

Ông Phạm Hồng Thái cho biết thêm: “Trước mắt, kinh phí nuôi dưỡng cho đàn hổ chúng tôi sẽ tính toán lo liệu phù hợp. Về định hướng tới phần kinh phí nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển đàn hổ hàng năm sẽ đưa vào việc xã hội hóa”.

Ngoài 7 cá thể hổ tại VQG Pù Mát nuôi dưỡng và chuyển cho VQG Phong Nha- Kẻ Bàng, còn có 8 cá thể hổ trưởng thành được Công an tỉnh Nghệ An giải cứu vào tháng 8/2021. 8 cá thể hổ này được nuôi nhốt tại Khu sinh thái Mường Thanh, Diễn Lâm (Diễn Châu) và được tỉnh Nghệ An thống nhất giao cho một đơn vị tại thành phố Hà Nội chăm sóc nuôi dưỡng. Đơn vị này có đầy đủ điều kiện pháp lý, cơ sở vật chất để tiếp nhận chăm sóc các cá thể hổ.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.