| Hotline: 0983.970.780

Dồn dập các vụ đầu độc rừng thông ở Lâm Đồng: Liều lĩnh, bất chấp pháp luật

Thứ Năm 25/07/2019 , 17:53 (GMT+7)

Nhiều diện tích rừng thông tại tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua liên tục bị các đối tượng đầu độc, cưa hạ bất chấp pháp luật.  

Vụ đầu độc chết trắng gần 11ha rừng thông tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà còn chưa kịp lắng xuống thì thời gian qua, hàng loạt các vụ phá rừng quy mô lớn tiếp tục xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng.

Gần đây nhất, hàng trăm cây thông hơn 30 năm tuổi có đường kính 25cm đến 40cm lại bị khoan lỗ đổ hóa chất đầu độc đang chết trắng cả vạt rừng tại tiểu khu 460, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm.

Vụ đầu độc rừng thông ở tiểu khu 460, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm.

Trước đó, từ tin tố giác của quần chúng, trong các ngày 16 và 17/7, các cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm đã tiến hành “khai quật” hiện trường vụ trôn giấu hàng trăm lóng gỗ thông sau khi kẻ xấu triệt hạ khoảng 2ha rừng thông tại tiểu khu 438A, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm.

Sau hai ngày “khai quật”, lực lượng chức năng đã đưa lên mặt đất khoảng 400 lóng gỗ thông được cắt nhỏ, dài từ 90cm - 120cm bị chôn vùi dưới lòng đất với mục đích phi tang gỗ, lấn chiếm đất rừng.

Rừng bị triệt phá, lấn chiếm nằm trong diện tích hơn 230ha được UBND tỉnh Lâm Đồng giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú quản lý, bảo vệ. Chỉ sau ít năm rừng được giao cho cộng động dân cư thôn 4, xã Lộc Phú quản lý, bảo vệ, đến năm 2017, ít nhất 76ha rừng đã bị cưa hạ, lấn chiếm.

Công an huyện Bảo Lâm đã khởi tố vụ án, tiến hành khám nghiệm hiện trường để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ án.

Ông Nguyễn Tài Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm cho biết, theo thống kê ít nhất 333 cây thông 33 năm tuổi, trên diện tích 6.500 m2 đã bị kẻ xấu đầu độc không thể khôi phục. Trữ lượng gỗ thiệt hại khoảng 150m3.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, số lượng gỗ bị thiệt hại và diện tích rừng bị tàn phá, lấn chiếm còn lớn hơn rất nhiều con số thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm.

Vị trí rừng bị tàn phá, lấn chiếm phần lớn dọc theo đường liên xã, liền kề đất sản xuất nông nghiệp, thuộc các thôn 7, 12, xã Lộc Ngãi. Mục đích của vụ triệt hạ rừng thông lần này vẫn là để lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp hoặc sang nhượng quan tay kiếm lời bất chính. Diện tích rừng bị đầu độc thuộc sự quản lý trực tiếp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri.

Liên quan đến vụ phá rừng này, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Công an huyện cùng cấp để điều tra, sớm làm rõ vụ án.

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 438A, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm

Cũng liên quan đến phá rừng lấy gỗ và lấn chiếm đất, ngày 19/7, Công an huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã bắt quả tang 3 đối tượng đang cưa phá rừng thông tại lô b, khoảnh 2, tiểu khu 273B, tổ dân phố Từ Liêm, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà với mục đích lấn chiếm đất mặt tiền đường tỉnh lộ ĐT725.

Các đối tượng bị bắt gồm Vương Hoài Nam (SN 1987, trú tại thôn Nam Hà, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà), Đặng Văn Hưng (SN 1992, trú tại thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) và Lò Văn Hai (SN 1990, trú tại thôn 2, xã Thanh Đồng, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận được Nguyễn Hùng Cường (SN 1983, trú tại thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà), thuê phá diện tích rừng nêu trên.

Tại hiện trường, 23 cây thông đã bị cưa hạ với số lượng lâm sản thiệt hại trên 12m3. Cơ quan chức năng đã thu giữ 3 cưa máy và 1 can xăng. Vị trí rừng bị cưa hạ, lấn chiếm ngay mặt đường tỉnh lộ ĐT 725, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.

Trước đó, tại tiểu khu 265, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, cơ quan chức năng cũng đã bắt quả tang Lê Văn Thắng (SN 1982, thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà) cưa trộm cây bạch tùng cổ thụ.

Ngày 16/7 vừa qua, Công an huyện Lâm Hà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Thắng để phục vụ công tác điều tra.

Có thể thấy, nạn đầu độc rừng, lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp hoặc sang nhượng qua tay kiếm lời bất hợp pháp tại Lâm Đồng đang xảy ra hoành hành, ngang nhiên, nhức nhối, bất chấp sự có mặt của hàng loạt cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, như chủ rừng, ban lâm nghiệp xã, Hạt Kiểm lâm...

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.