| Hotline: 0983.970.780

Ai đứng sau vụ đầu độc gần 11ha rừng ở Lâm Đồng?

Thứ Năm 09/05/2019 , 13:35 (GMT+7)

Gần 11ha rừng thông thuộc tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), bị đầu độc chết trắng trong khi các cơ quan chức năng địa phương than khó và vẫn chưa khởi tố vụ án để điều tra khiến dư luận hoài nghi.

Đầu độc cả cánh rừng

Với người dân xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, cảnh rừng bị triệt phá, khai thác gỗ và lấn chiếm đất để sản xuất, sang nhượng qua tay trái pháp luật không còn gì là lạ. Thế nhưng, vụ phá rừng gần đây nhất tại tiểu khu 292 khiến không ít người phải bàng hoàng, đặt ra sự nghi ngờ ai dám cả gan “chống lưng”, “tiếp tay” cho các đối tượng này ngang nhiên, công khai đầu độc cả gần 11ha rừng thông.

11-46-09_thong_du_doc_1
Cảnh rừng thông bị đầu độc nhìn từ trên cao

Trước khi nhận lời đi cùng chúng tôi vào cánh rừng vừa bị đầu độc, chết trắng, ông C (người sống cách đó vài cây số) thận trọng đưa mắt quan sát xung quanh, bây giờ là giữa trưa, nương rẫy vắng tanh ông mới tự tin lên đường. Dọc đường, ông C nói: “Không có người chống lưng, bảo kê, có mọc cánh cũng chẳng ai dám đụng vào rừng, huống chi là đầu độc một lúc cả cánh rừng như thế!”.

Đường vào hiện trường vụ tàn sát rừng không khó như trước đó chúng tôi mường tượng, thậm chí khá thuận tiện, đường ôtô chạy vào tận nơi. Từ phía xa xa, cả cánh rừng thông bạt ngàn lá đã chuyển màu khô quắt. Vị trí này khá gần với QL28 và tỉnh lộ DT725, địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai xem ra khá màu mỡ.

“Rừng ở đây phá ra, trồng bừa loại cây gì lên đó để xí phần là bán kiếm bộn tiền rồi”, ông C lại nói. Trước mắt chúng tôi, hàng nghìn gốc thông đã chết trắng. Dưới những gốc thông này đều xuất hiện những lỗ bằng ngón tay út, sâu hoắm xuyên thẳng vào thân cây.

Đó chính là những lỗ “lâm tặc” đã dùng khoan máy để khoan sau đó dùng thuốc diệt cỏ đổ vào. Cây trúng độc, chết từ từ, khoảng vài tháng sau thì chuyển màu chết khô.

Hình ảnh từ Flycam ghi lại từ trên cao xuống, trông cánh rừng vừa bị đầu độc chẳng khác gì rừng bị trúng chất độc màu da cam mà thời chiến tranh Mỹ thả xuống Việt Nam khiến bất cứ ai chứng kiến cũng phải bàng hoàng. Để đầu độc được gần 11ha rừng thông với hàng nghìn gốc này, nhóm “lâm tặc” ít nhất phải mất vài tuần, thậm chí cả tháng.

11-46-09_thong_du_doc_3
Gần 11ha rừng thông ở Lâm Đồng bị đầu độc chết trắng

Diện tích rừng thông bị phá thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà, thuộc Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng (Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai). Theo ông Trần Quang Sáng, Trưởng ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà, rừng thông bị đầu độc được đơn vị trồng cách đây khoảng 20 năm. Cây lớn nhất có đường kính gốc khoảng 40cm, trung bình là 30cm, cao 15m.

Diện tích này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuộc tiểu khu 289 và 292 thuộc xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.

Theo ông Sáng, tại tiểu khu 292, đơn vị trồng và bảo vệ trên 55ha. Nhiều năm qua thường xuyên bị các đối tượng tới đầu độc thông, lấn chiếm đất rừng. Chủ rừng cũng đã nhiều lần báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Lâm Hà can thiệp nhưng kết quả xử lý lại không đủ sức răn đe.

Bất đắc dĩ, Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai đã phải sử dụng máy múc bờ mương bao lô vây quanh diện tích đất do đơn vị quản lý. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn nhiều lần tiếp tục thực hiện các hành vi hủy hoại, chiếm đoạt rừng của doanh nghiệp quản lý. Cũng theo ông Trần Quang Sáng, diện tích rừng thông bị đầu độc, chết trắng lần này lên tới gần 11ha với khoảng 3.400 cây thông 3 lá 20 năm tuổi.
 

Đóng phạt xong lại lấn chiếm đất rừng

Đây không phải là vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp đầu tiên xảy ra trên địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Gần đây nhất, ngày 3/4/2019, Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà bắt quả tang Lê Văn Thịnh (39 tuổi), trú tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) được Nguyễn Văn Lợi (23 tuổi), trú tại xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà) thuê đưa máy xúc vào san ủi trái phép hơn 13.000m2 đất lâm nghiệp.

Diện tích này có gần 3.000m2 thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai và trên 10.000m2 đất rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. UBND xã Tân Thanh cũng đã lập biên bản, tạm giữ máy móc, nhưng sau đó chỉ xử phạt hành chính Lê Văn Thịnh 1,5 triệu đồng và Nguyễn Văn Lợi 4 triệu đồng. Chiếc máy xúc trên cũng nhanh chóng được UBND xã Tân Thanh giao lại cho chủ sở hữu.

Có được máy xúc, chỉ 2 ngày sau đó, các đối tượng trên lại tiếp tục điều máy móc đến hiện trường san ủi trước đó để san gạt, lấn chiếm đất lâm nghiệp và phá hết những cây rừng còn lại để trồng cà phê. Ông Nguyễn Hải Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, các hành vi này chỉ có thể xử lý hành chính với mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Theo ông Quân, quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe, khiến việc quản lý và bảo vệ rừng của chính quyền địa phương gặp khó khăn.

11-46-09_thong_bi_ddu_doc_4
Lọ nhựa dùng để đựng hóa chất đầu độc rừng thông

Liên quan đến vụ đầu độc rừng thông đặc biệt nghiêm trọng này, ông Trần Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, huyện đã nắm bắt được sự việc cách đây khoảng 5 - 6 tháng và đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra, xử lý. Tuy nhiên, ông Tài cũng cho biết đến nay cơ quan điều tra chưa ra quyết định khởi tố vụ án mà chỉ “âm thầm theo dõi”, khoanh vùng các đối tượng tình nghi.

Sự vào cuộc “rề rà", có phần chậm trễ so với tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự việc khiến dư luận càng đồn thổi, đặt ra nghi vấn đứng sau vụ hủy hoại rừng quy mô đặc biệt lớn này là người có chức quyền, địa vị tại địa phương đã “chống lưng, bảo kê” cho các đối tượng phá, lấn chiếm đất rừng.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 481/CĐ-TTg ngày 26-4-2019 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và cơ quan chức năng tăng cường triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có việc yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội và các đơn vị quản lý rừng, chủ đầu tư những dự án liên quan đến rừng tăng cường tuần tra, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ phá rừng trên địa bàn...

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.