| Hotline: 0983.970.780

Đơn độc thú y thủy sản

Thứ Hai 20/11/2023 , 14:00 (GMT+7)

Trong hệ thống thú y, hoạt động của thú y trên cạn có được sự hỗ trợ từ thú y cấp tỉnh đến cấp xã, riêng thú y thủy sản hoạt động rất đơn độc…

Những năm gần đây, nuôi tôm nước lợ ở Bình Định thường bị các loại bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy (bệnh chết sớm) và bệnh môi trường gây hại. Ảnh: V.Đ.T.

Những năm gần đây, nuôi tôm nước lợ ở Bình Định thường bị các loại bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy (bệnh chết sớm) và bệnh môi trường gây hại. Ảnh: V.Đ.T.

“Lỗ hổng” thú y thủy sản cơ sở

Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản ở Bình Định hiện có khoảng 3.484ha, tập trung tại thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tuy Phước. Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ khoảng 2.184ha, nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 1.300ha gồm nuôi cá quảng canh trong hồ chứa thủy lợi và nuôi cá trong lồng bè trên hồ chứa với thể tích trên 30.000m3, nuôi thuỷ sản nước mặn bằng lồng bè trên biển với tổng thể tích khoảng 57.000m3.

Những năm gần đây, nuôi tôm nước lợ ở Bình Định thường bị các loại bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy (bệnh chết sớm) và bệnh môi trường gây hại. Trong đó, bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy là 2 bệnh gây tổn thất lớn cho người nuôi tôm.

Tôm bị bệnh ắt nhiên phải cần đến thú y thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống thú y trên cạn phục vụ cho các đối tượng gia súc, gia cầm ở Bình Định đã “thiếu lên hụt xuống”, nói chi đến thú y chuyên ngành thủy sản phục vụ cho các đối tượng nuôi dưới nước như tôm, cá.

Theo TS Phan Trọng Hổ, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y Bình Định, ở bậc đại học, ngành thú y và thú y thủy sản được đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, những người học ngành thú y cũng được đào tạo qua những cách chữa bệnh cho thủy sản, nhưng không chuyên sâu bằng người được đào tạo chuyên ngành thú y thủy sản. Thế nên, khi ra làm việc thực tế, những người học ngành thú y cũng có thể làm thú y thủy sản. Do đó, ở cấp xã, cán bộ phụ trách chăn nuôi và thú y làm luôn nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, tuy nhiên hiệu quả không cao.

Trước đây, để lấp lỗ hổng về thú y thủy sản ở cơ sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã mở những lớp đào tạo cho thú y cấp xã chuyên môn chữa bệnh cho thủy sản, nhưng hiệu quả mang lại không như kỳ vọng.

Nguyên nhân do cán bộ thú y xã trước giờ quen chữa bệnh cho động vật trên cạn với các đối tượng vật nuôi là heo, trâu, bò, vịt, gà. Các đối tượng gia súc, gia cầm nói thường xuyên mắc bệnh nên luôn cần nhờ đến thú y can thiệp, nên cán bộ thú y xã còn có thêm thu nhập từ tiêm thuốc điều trị bệnh cho vật nuôi.

Trong khi vật nuôi thủy sản bị mắc bệnh cách điều trị không phải là “tiêm thuốc” nên thú y cấp xã không có việc làm, đồng nghĩa không được kiếm thêm thu nhập nên cán bộ thú y cấp xã lơ là với mảng thủy sản.

Người nuôi tôm hiện nay rất chủ quan, khi có dịch bệnh xảy ra không báo ngay cho ngành chức năng mà mua thuốc về tự điều trị. Ảnh: V.Đ.T.

Người nuôi tôm hiện nay rất chủ quan, khi có dịch bệnh xảy ra không báo ngay cho ngành chức năng mà mua thuốc về tự điều trị. Ảnh: V.Đ.T.

Hoạt động đơn độc

Huyện Tuy Phước, địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất Bình Định với 816ha, tính cả vùng cao triều và hạ triều (vùng trên đê và vùng dưới đê Đông). Với diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều là vậy, nhưng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước hiện có 13 người nhưng trong đó chỉ 3 người có chuyên ngành thú y.

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, cán bộ thú y ở các địa phương không có diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ lo việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên cạn, trong hoạt động có sự trợ giúp đắc lực của hệ thống thú y xã, trước đây còn có cả hệ thống thú y thôn.

Thế nhưng, với những địa phương có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản như huyện Tuy Phước cán bộ thú y cấp huyện phải bao hết công việc ở cơ sở. Nguyên nhân được ông Trần Văn Minh giải thích: “Bởi hầu hết cán bộ thú y xã đều không có chuyên môn về thủy sản”.

Theo ông Minh, công tác phòng chống dịch bệnh trên thủy sản ở Tuy Phước còn vất vả hơn khi người nuôi tôm ở đây cả tin vào kinh nghiệm “mấy mươi năm trong nghề” của mình, nên rất chủ quan khi có dịch bệnh xảy ra.

Ông Minh chia sẻ: Khi ao nuôi tôm xảy ra hiện tượng tôm nổi lên trên mặt nước bơi lờ đờ hoặc bị chết lai rai, người nuôi không báo ngay cho ngành chức năng mà tự mua thuốc về điều trị. Qua 4-5 ngày mà thấy sự cố không được khắc phục, tôm chết ngày càng nhiều, lúc ấy chủ ao mới báo cho ngành chức năng.

Khi cán bộ thú y tiếp cận ao nuôi, kiểm tra chung quanh để tìm nguyên nhân, thu thập mẫu tôm bệnh để đưa đi xét nghiệm, cũng phải vài ba ngày sau mới có kết quả xét nhiệm. Chừng ấy thời gian cũng đủ để nước trong ao tôm bị bệnh chảy qua những ao nuôi khác ở chung quanh làm lây lan dịch bệnh.

“Nếu chủ ao tôm bị bệnh báo sớm cho ngành chức năng, cán bộ thú y sẽ hướng dẫn đóng cổng không cho nước trong ao tôm bị bệnh chảy qua các ao khác, thì sẽ không có chuyện dịch bệnh lây lan liên vùng gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm”, ông Trần Văn Minh cho hay.

“Gia súc, gia cầm sống trên cạn có vacxin phòng các loại bệnh được tiêm định kỳ hàng năm, ví như con heo có vacxin dịch tả lợn Châu Phi, con trâu con bò có vacxin lở mồm long móng, viêm da nổi cục, con gà có vacxin cúm gia cầm…

Trong khi phòng bệnh cho vật nuôi thủy sản chỉ có 1 cách là áp dụng biện pháp an toàn sinh học. Nếu nuôi trồng thủy sản áp dụng “3 cùng” là cùng cải tạo ao nuôi, cùng thả giống và cùng cho nước vào sẽ hạn chế được dịch bệnh, đồng nghĩa hạn chế được rủi ro cho người nuôi”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Bạc Liêu triển khai sản xuất 28.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Bạc Liêu sẽ triển khai sản xuất 28.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, mục tiêu đến năm 2030 nâng diện tích lên khoảng 46.000ha.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).