| Hotline: 0983.970.780

Thường xuyên thanh kiểm tra công tác thú y thủy sản

Thứ Hai 25/09/2023 , 08:40 (GMT+7)

Dù đạt thành tựu nổi bật trong quản lý thuốc thú y thủy sản, nhưng Cục Thú y xác định công tác này cần được kiểm tra, đôn đốc nhiều hơn nữa.

Tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh giúp ngành thủy sản giảm tối đa thiệt hại, phát triển bền vững. Ảnh: PT.

Tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh giúp ngành thủy sản giảm tối đa thiệt hại, phát triển bền vững. Ảnh: PT.

Đã có 33 cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y cho biết, thống kê công tác thú y thủy sản 9 tháng năm 2023 cho thấy ngành thủy sản có những thuận lợi, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn nhất là thị trường xuất khó khăn đơn hàng dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với cùng kỳ, đạt trên 5,6 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất thủy sản chững lại trong các tháng đầu năm 2023 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất giống, cung ứng vật tư phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, các tháng cuối năm 2023 và đầu 2024 sẽ có các hiện tượng thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp gây ra những yếu tố bất lợi cho nuôi trồng thủy sản, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất.

Số liệu của Cục Thú y cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.000ha, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022, ngoài ra có khoảng 1.500 bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại.

Cụ thể, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 19.800ha, chiếm trên 88% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. Chủ yếu thiệt hại ở loại hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa 14.400ha, còn lại là nuôi thâm canh, bán thâm canh gần 5.400ha.

Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh trên 5.000ha, chiếm xấp xỉ 26% tổng diện tích tôm bị thiệt hại, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Thiệt hại không xác định được nguyên nhân là 915ha, chiếm 4,6%. Thiệt hại do biến đổi môi trường, thời tiết là 13.800ha, chiếm 70%, chủ yếu là tôm nuôi quảng canh tại Cà Mau.

Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại là trên 341ha, giảm 4,7% so với cùng kỳ 2022. Chủ yếu do mắc bệnh gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng và một số bị sưng bóng hơi, phù đầu và tuột nhớt.

Về tổ chức giám sát dịch bệnh, hàng năm, Cục Thú y và các cơ quan thú y địa phương thực hiện các chương trình giám sát dịch bệnh cả chủ động và bị động, xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở sản xuất giống thủy sản với khoảng 50.000 mẫu để phân tích các chỉ tiêu dịch bệnh thủy sản.

Cả nước xây dựng thành công 33 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 30 cơ sở sản xuất tôm, 27 cơ sở sản xuất tôm giống với 40 tỷ post an toàn dịch bệnh, 4 cơ sở nuôi tôm thương phẩm và 2 cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu.

Thời gian tới, Cục Thú y sẽ thường xuyên lập Đoàn công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực con giống và thú y thủy sản. Ảnh: PT.

Thời gian tới, Cục Thú y sẽ thường xuyên lập Đoàn công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực con giống và thú y thủy sản. Ảnh: PT.

Thành tựu nổi bật trong quản lý thuốc thú y thủy sản

Báo cáo của Cục Thú y cũng cho biết, công tác quản lý nhà nước về thuốc thú y thủy sản đã được thực hiện theo hướng chặt chẽ, hiệu quả. Thể hiện rõ việc cải cách thủ tục hành chính từ đăng ký lưu hành, sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, xuất khẩu, khảo nghiệm, kiểm tra chất lượng, xử lý, thu hồi, quảng cáo thuốc thú y thủy sản.

Đặc biệt, nếu như năm 2015, toàn quốc có 56 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP, đến nay, số lượng đã tăng lên 89 cơ sở. Trong đó, có 10 cơ sở sản xuất vacxin và 100% cơ sở sản xuất dược phẩm, vacxin thú y đều đạt GMP. Đây là một trong những thành tựu nổi bật nhất của ngành Thú y Việt Nam, điều mà không phải nước nào trong khu vực ASEAN và trên thế giới đạt được.

Ngoài những thành công trong nghiên cứu, sản xuất vacxin động vật trên cạn, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, sản xuất thành công được một số loại vacxin phòng các bệnh thủy sản như: Vacxin phòng bệnh xuất huyết, gan thận mủ trên cá tra, vacxin phòng bệnh do Streptococcus trên cá rô phi. Hiện nay, có 6 sản phẩm vacxin thủy sản được cấp phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.

Năm 2019, Việt Nam có 50 triệu liều vacxin thủy sản Panga 2 đăng ký lưu hành, sử dụng, năm 2020 là 45 triệu liều, 6 tháng đầu năm 2021 là 19 triệu liều, năm 2022 là 67 triệu liều.

Về định hướng công tác thú y thủy sản trong thời gian tới, Cục Thú y tập trung phòng, chống một số bệnh nguy hiểm đang lưu hành (AHPND, WSD, IHHND,... trên tôm, gan thận mủ, xuất huyết trên cá tra...) và một số bệnh gây thiệt hại lớn (EHP, phân trắng, đỏ thân, ký sinh trùng,..).

Kiểm soát chặt, ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh chưa có ở Việt Nam xâm nhiễm vào trong nước (DIV 1, TS, YHD, IMNV, NHP-B...). Ứng dụng công nghệ số trong báo cáo, phân tích số liệu, chia sẻ thông tin dịch bệnh (Hệ thống VAHIS), phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Cục Thú y cũng đặt mục tiêu tăng cường kiểm dịch nhập khẩu động vật thủy sản, đặc biệt là thủy sản giống. Tăng cường năng lực thú y thủy sản về dịch tễ, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản.

Đặc biệt, thời gian tới Cục Thú y sẽ thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác thú y thủy sản thường xuyên và đột xuất nhiều hơn, đặc biệt là kiểm dịch giống thủy sản, quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất, chế phẩm cải tạo môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế. Từ đó, giúp làm lành mạnh và từng bước đưa lĩnh vực thú y và con giống thủy sản đi vào quy củ.

Tại Lễ ký Quy chế “Phối hợp trong công tác thú y thủy sản và quản lý nuôi trồng thủy sản giữa Cục Thú y và Cục Thủy sản" diễn ra chiều 22/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, Việt Nam hiện có diện tích nuôi tôm và thủy sản lớn, do đó công tác thú y thủy sản đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc góp phần đảm bảo mục tiêu xuất khẩu của ngành.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu mỗi năm ngành thú y và thủy sản nâng cao được tỷ lệ nuôi sống 5%, sản lượng lập tức tăng theo gấp nhiều lần. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu giống mà không nghiên cứu thú y phòng bệnh, không nghiên cứu quy trình, không nghiên cứu quan trắc, hiệu quả nuôi trồng thủy sản chắc chắn sẽ không cao. 

“Cục Thú y đã kiểm soát được các dịch bệnh nghiêm trọng trong chăn nuôi như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi... nên trong thời gian tới, Cục Thú y cần quan tâm đặc biệt và tham gia nhiều hơn nữa trong kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao nhiệm vụ.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.