| Hotline: 0983.970.780

'Chùm đơn hàng' dành cho Tư lệnh ngành nông nghiệp

Đơn hàng thứ 3: Xuất khẩu

Thứ Hai 19/07/2021 , 13:42 (GMT+7)

Nền nông nghiệp của chúng ta trong những năm tới sẽ hướng về những thị trường nào để có đủ động lực phát triển?

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản giữ tốc độ tăng trưởng khá, bất chấp dịch Covid-19.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản giữ tốc độ tăng trưởng khá, bất chấp dịch Covid-19.

Theo quy luật, sau một thời kỳ dài phát triển mạnh, nông nghiệp sẽ giảm tốc, do động lực phát triển yếu dần. Nền nông nghiệp nước ta không phải là ngoại lệ.

Với phương châm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tức là nền nông nghiệp sẽ phải tạo ra các chuỗi giá trị ngành hàng để tương thích với nhu cầu của thị trường. Do vậy, vấn đề đầu tiên không thể không đặt ra là, nền nông nghiệp của chúng ta trong những năm tới sẽ hướng về những thị trường nào để có đủ động lực phát triển.

Thị trường trong nước: Rất to, nhưng lại rất nhỏ

Trước hết, trên lý thuyết, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, với 97,6 triệu người tiêu dùng hiện nay, đây là thị trường không hề nhỏ để nông nghiệp của chúng ta phát triển, bởi đứng thứ 15 thế giới.

Thế nhưng, trên thực tế, có hai căn cứ đủ vững chắc để khẳng định thị trường trong nước của chúng ta lại quá nhỏ để nông nghiệp phát triển.

Đó trước hết là, cho dù chúng ta đã nỗ lực vượt bậc, chớp được thời cơ, đạt được thành tựu nhất nhì thế giới trong đẩy mạnh phát triển kinh tế thập kỷ qua, đồng nghĩa với tăng thu nhập của dân cư để tăng sức mua của thị trường trong nước, nhưng do xuất phát điểm quá thấp, cho nên khả năng tiêu thụ hàng nông sản của nông dân vẫn còn rất hạn chế.

Bài liên quan

Cụ thể, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, trong thập kỷ vừa qua, với nhịp tăng GDP bình quân 7,95%/năm (tính theo giá USD hiện hành - current prices), chúng ta đứng thứ hai thế giới, nếu so với những nền kinh tế đứng trên chúng ta ở chỉ tiêu kinh tế quan trọng bậc nhất này, thì chỉ thua kém không quá nhiều so với 8,83%/năm của “người khổng lồ phương Bắc”, nhưng bình quân đầu người của nước ta năm 2020 cũng chỉ mới chỉ đạt 3.499 USD, cho nên cũng vẫn còn đứng thứ 123 thế giới, cho dù đã được thăng hạng 25 bậc so với cuối thập kỷ trước.

Không những vậy, điều cũng cực kỳ quan trọng khác là, do dân cư khu vực nông thôn của chúng ta vẫn còn quá đông, tức là lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp vẫn còn quá lớn cho nên số người tiêu thụ nông sản lại quá ít.

Cụ thể, nếu coi số dân cư khu vực nông thôn đều là người tham gia sản xuất nông sản, thì các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, một người làm nông nghiệp cách nay ba thập kỷ chỉ để nuôi 1,24 người ăn, nhưng cách nay hai thập kỷ thì cũng chỉ tăng không đáng kể lên 1,32 người và cách nay một thập kỷ tuy có mức tăng khá nhất, nhưng cũng chỉ là 1,44 người, còn năm 2020 vừa qua cũng vẫn chỉ là 1,58 người.

Rõ ràng, đây là điều hết sức bất lợi cho sản xuất nông nghiệp của nước ta so với đại bộ phận phần còn lại của thế giới. Bởi lẽ, với ước tính gần 61,7 triệu dân cư nông thôn hiện nay, chúng ta đang đứng ở vị trí “khủng” thứ tám thế giới ở tiêu chí này, chỉ sau “hai người khổng lồ” Ấn Độ, Trung Quốc và năm quốc gia rất đông dân, đồng thời cũng vẫn còn rất đông dân cư nông thôn khác ở Châu Á và Châu Phi, còn xét theo tỷ lệ dân cư khu vực nông thôn trong tổng dân số thì con số 63,18% của nước ta hiện nay hầu như vẫn còn cao gấp rưỡi so với bình quân chung của thế giới (44,35%).

 

Nguồn động lực cần gia tốc

Trong bối cảnh như vậy, để nông nghiệp có thể đạt được nhịp độ tăng trưởng đáng mừng trong chặng đường phát triển đã qua, xuất khẩu đã đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, xu thế tăng tiêu dùng nông sản trong nước đã chậm dần một cách rất rõ ràng, cho nên gia tăng xuất khẩu giữ vai trò ngày càng lớn trong việc giải tỏa áp lực tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân.

Cụ thể, nếu căn cứ vào tỷ trọng của nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và số liệu thống kê xuất khẩu nông sản của Bộ NN-PTNT thì có thể thấy, trong khi tiêu dùng trong nước trong thập kỷ trước tăng từ 96 USD/người/năm lên 432 USD/người/năm, tức là tăng bình quân 16,2%/năm, còn ba con số tương ứng trong xuất khẩu nông sản là 51 USD, 221 USD và 15,8%, nhưng trong thập kỷ đến năm 2020 vừa qua thì tiêu dùng trong nước chỉ đạt 800 USD/người, chỉ tăng 6,4%/năm, còn xuất khẩu đạt 435 USD/người, tăng bình quân vượt trội 7,01%/năm.

Những điều nói trên có nghĩa là, nếu nói thương mại là động lực để phát triển nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng, thì động lực trong nước cho dù vẫn đang còn giữ vai trò chủ yếu, nhưng đã yếu dần, và ngược lại, vai trò của xuất khẩu ngày càng quan trọng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn gay gắt như thời gian gần đây, có thể nói, những nỗ lực vượt bậc để duy trì kênh xuất khẩu nông sản thông suốt chính là “cứu cánh” để nông nghiệp có thể tiếp tục phát triển.   

Trong điều kiện như vậy, vấn đề đặt ra là, tiêu dùng hay xuất khẩu sẽ giữ vai trò chủ yếu trong việc gia tăng động lực để nông nghiệp có thể tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới?

Có nhiều khả năng, đáp án sẽ chỉ có thể nằm ở phương án hai.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, để đạt được mục tiêu có lẽ ai cũng mơ ước là 7.500 USD/người vào cuối thập kỷ này, phương cách chúng ta không thể không tiến hành là tăng tốc phát triển công nghiệp. Mục tiêu tăng tỷ trọng của công nghiệp từ khoảng 33,7% hiện nay lên trên 40% “rổ GDP” vào cuối thập kỷ này, cũng như tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến trên 900 USD/người hiện nay lên trên 2.000 USD mà Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 đã khẳng định đủ nói lên điều đó.

Bên cạnh đó, như “thông lệ” của nền kinh tế mấy thập kỷ qua, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm trong 10 năm tới, cao hơn rất nhiều so với ước đạt 5,95%/năm trong 10 năm qua, dịch vụ có lẽ chí ít cũng sẽ phải đạt nhịp độ tăng trưởng 6,44%/năm trong thập kỷ vừa qua.

Dù thị trường trong nước sớm đạt 100 triệu người tiêu dùng thì sức mua vẫn sẽ tiếp tục 'đuối' so với nhu cầu tiêu thụ nông sản của nông dân. (Ảnh minh họa).

Dù thị trường trong nước sớm đạt 100 triệu người tiêu dùng thì sức mua vẫn sẽ tiếp tục "đuối" so với nhu cầu tiêu thụ nông sản của nông dân. (Ảnh minh họa).

Thế nhưng, những điều nói trên cũng có nghĩa là, cho dù thị trường trong nước sẽ đạt ngưỡng 100 triệu người tiêu dùng vào năm tới, nhưng sức mua vẫn sẽ tiếp tục “đuối” so với nhu cầu tiêu thụ nông sản của nông dân, không khác gì nhiều so với hiện nay.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, nguyên nhân “kép” của tình trạng hiện nay sẽ vẫn còn tiếp diễn. Đó trước hết là, cho dù dân cư khu vực nông thôn chắc chắn cũng được hưởng lợi do công nghiệp và dịch vụ sẽ phát triển mạnh, nhưng cũng không thể phủ nhận thực tế là dân cư khu vực đô thị vẫn được hưởng lợi nhiều hơn.

Do vậy, không chỉ là khoảng cách giàu nghèo hai khu vực đô thị và nông thôn tiếp tục doãng rộng, mà hệ quả tất yếu còn là sức mua hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là nông sản, của thị trường trong nước sẽ không tăng tương ứng với nhịp tăng thu nhập của dân cư, bởi dân cư khu vực nông thôn hầu như chắc chắn vẫn dao động trong khoảng 60 triệu người, còn thu nhập của bộ phận vẫn còn rất đông đảo này chắc chắn hạn chế, cho nên sức mua chắc chắn cũng sẽ hạn chế.    

Trong điều kiện sức mua của thị trường trong nước ngày càng yếu so với sức sản xuất của ngành nông nghiệp như vậy, muốn duy trì được nhịp độ tăng trưởng như hiện nay, nhất là trong trong trường hợp đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với nhịp độ tăng trưởng 2,83%/năm đã đạt được trong thập kỷ vừa qua, rõ ràng tăng tốc xuất khẩu nông sản chính là “cứu cánh”.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.