Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 2.000 HTX nông nghiệp, chiếm 14% tổng số HTX của cả nước. Hoạt động của các HTX đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết cho nhiều lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập khá, phát triển nhiều ngành nghề mới và khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương, góp phần giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, vừa chuyển đổi, củng cố các HTX kém hiệu quả, vừa củng cố, thành lập các HTX kiểu mới và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Nhìn chung, bước đầu đã mang lại các hiệu ứng tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Ông Trịnh Công Minh, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp An Bình (xã An Bình, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết: Từ khi tham gia Dự án VnSAT, đơn vị được đầu tư trụ sở, phòng làm việc, cửa hàng, kho chứa, các máy móc phục vụ sản xuất lúa giống… Ngoài ra, còn được đầu tư tuyến đường nội đồng khoảng 5 km. Xã viên được tập huấn kỹ thuật, đã thay đổi cách làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nhằm giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc BVTV…
"Trình độ sản xuất lúa của bà con nông dân đã được nâng lên. Toàn bộ diện tích của HTX áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, để làm ra gạo an toàn theo phương thức quản lý vi lượng (cuối vụ sẽ lấy mẫu mang đi phân tích). Áp dụng canh tác lúa chất lượng cao theo chuẩn quốc tế - SRP 100 được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu sản phẩm", ông Minh cho hay.
Đồng Tháp là một trong những tỉnh ở ĐBSCL chiếm số lượng HTX khá lớn, đang đưa ra mục tiêu để phấn đấu tăng số lượng và doanh thu HTX, Tổ hợp tác. Hiện toàn tỉnh có 226 HTX, đạt doanh thu bình quân mỗi HTX là 3,6 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của xã viên là 65 triệu đồng/năm.
Để hỗ trợ HTX phát triển, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về tín dụng nội bộ, tín dụng nông thôn, tổ chức tham quan thực tế, tham dự diễn đàn, hội nghị cho thành viên HTX nông nghiệp, Hội quán. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ cho 6 HTX mua máy móc, thiết bị với tổng kinh phí 1,49 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể cho HTX “Dệt Choàng Long Khánh” và đăng ký mã số mã vạch cho HTX nông nghiệp số 2 Định An.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp cho biết: Từ đây đến năm 2021 phấn đấu có 187 HTX nông nghiệp phải làm ăn đạt hiệu quả với tổng số 29.120 thành viên. Dự kiến đến năm 2021, toàn tỉnh có 1.004 tổ hợp tác nông nghiệp. Tổng số tổ viên tham gia tổ hợp tác nông nghiệp là 49.768 tổ viên. Doanh thu bình quân 510 triệu đồng/tổ hợp tác, lãi bình quân 138 triệu đồng/tổ hợp tác.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, từ đầu năm đến nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của HTX trên hầu hết các lĩnh vực: Nông nghiệp, thủy sản, vận tải, tiểu thủ công nghiệp trên toàn tỉnh. Kể cả những HTX đang hoạt động hiệu quả cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những HTX chỉ cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu phải cắt giảm sản lượng cung ứng, các nhà vườn là thành viên HTX bị ảnh hưởng trực tiếp do giá bán trái cây sụt giảm, không có đầu ra. Sức tiêu thụ của thị trường nội địa cũng giảm từ 40 - 60%, giá bán giảm trung bình từ 30 - 40% so với cùng kỳ hằng năm.
Gần đây, hoạt động xuất khẩu nông sản được kết nối trở lại, phần nào giúp cho HTXnông nghiệp giảm bớt áp lực, nhất là xuất khẩu gạo, giá bán xoài và một số nông sản khác tăng dần lên.