Đột phá về cơ chế
Tuyên Quang là tỉnh miền núi có thế mạnh về phát triển kinh tế rừng với 448.556ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó, diện đất có rừng là 426.042ha.
Hàng năm, tỉnh Tuyên Quang trồng được trên 11.000ha rừng, sản lượng khai thác trên 1 triệu m3 gỗ rừng trồng, độ che phủ của rừng luôn duy trì trên 65%, là một trong những tỉnh có độ che phủ lớn nhất cả nước. Đặc biệt, Tuyên Quang đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000ha, trong đó có trên 36.900ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.
Phát huy lợi thế về rừng, Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ và linh hoạt các chính sách nhằm giúp các tổ chức, hộ gia đình có điều kiện thuận lợi phát huy thế mạnh về rừng và có nguồn sinh kế ổn định, lâu dài.
Trong đó, theo chính sách của Trung ương, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 3 tỷ đồng cho 1 doanh nghiệp (Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang) theo chính sách của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018; Hỗ trợ công tác bảo vệ rừng và giao khoán bảo vệ rừng với tổng kinh phí 97,2 tỷ đồng cho 9.486 lượt hộ gia đình theo cơ chế chính sách tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ; Thực hiện Dự án phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang, tổng mức đầu tư 65,338 tỷ đồng; Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2016-2021, đã thực hiện chi trả trên 68,0 tỷ đồng.
Tuyên Quang cũng đã triển khai hỗ trợ cây giống chất lượng cao theo Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Giai đoạn 2017-2021, tỉnh đã hỗ trợ trồng rừng tập trung được 4.560ha, bằng các loài cây keo lai mô, keo tai tượng hạt nhập ngoại, tổng kinh phí đã hỗ trợ 17,4 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ trồng được 2.064ha, gồm các loài cây keo lai mô, keo tai tượng, giổi ăn hạt, trám trăng, sấu với kinh phí hỗ trợ khoảng 8,8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, những cơ chế, chính sách áp dụng tại tỉnh Tuyên Quang đã giúp địa phương phát huy tốt thế mạnh về rừng. Kết quả, ngành lâm nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá và là một trong những ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2021 của Tuyên Quang đạt 1.600 tỷ đồng, chiếm 16% trong cơ cấu sản xuất toàn ngành, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 8,8%; năng lực chế biến gỗ rừng trồng, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và tỷ lệ che phủ rừng nằm trong Top đầu cả nước.
Với những kết quả trên, ngành lâm nghiệp đã có đóng góp đáng kể trong việc nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân Tuyên Quang. Đồng thời, đóng vai trò tích cực trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.
Mở rộng diện tích rừng gỗ lớn và rừng có chứng chỉ FSC
Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang khoảng 70.000ha rừng gỗ lớn. Tỉnh đang triển khai chuyển hóa diện tích rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế.
Để làm được điều này, tỉnh thực hiện hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng bằng các loài cây keo lai mô, cây keo tai tượng nhập ngoại, dổi, sấu, trám trắng. Hỗ trợ phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bảo tồn, trồng mới các loại cây đặc sản, cây dược liệu có giá trị. Hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất...
Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương đang quản lý hơn 5.028ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng trồng sản xuất là hơn 3.468ha. Đây cũng là một trong những đơn vị của tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện mạnh mẽ việc chuyển hóa từ rững gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Để thực hiện được điều đó, Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương đã xây dựng một số mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn tại 4 đơn vị sản xuất của Công ty trên địa bàn các xã Đông Thọ, Đồng Quý, Đại Phú, Tân Thanh với diện tích 9,9ha.
Diện tích rừng chuyển hóa là rừng trồng kinh doanh gỗ nguyên liệu giấy 6 năm tuổi, mật độ 1100 cây/ha. Thực hiện tỉa thưa bài tỉa những cây cây sinh trưởng kém, bị sâu bênh hại, chèn ép, bị cụt ngọn không đáp ứng mục đích kinh doanh gỗ lớn, mật độ sau tỉa thua là 800 cây/ha mục đích tạo rừng trồng gỗ lỡ để cung cấp gỗ chế biến phục vụ cho Công nghiệp chế biến gỗ.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, việc trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn giúp nâng cao năng xuất và hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, góp phần phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu trong thời gian tới.
Để chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, công ty tập trung trồng rừng bằng các giống keo lai sản xuất theo phương pháp nuôi cây mô, hom và cây keo tai tượng hạt nội. Quản lý rừng bền vững theo bộ tiêu chuẩn FSC giai đoạn 2016-2022 công ty thực hiện tổng diện tích 2.048ha, giai đoạn 2022-2026 tổng diện tích 3.244ha. Hằng năm công ty thực hiện trồng mới 300 - 400ha, có 85% diện tích rừng trồng được trồng bằng các dòng vô tính, hạt có chất lượng cao, khai thác sản lượng 20.000 - 25.000m3.
Từ năm 2016 đến nay, các công ty chế biến gỗ đã phối hợp với các công ty lâm nghiệp, các huyện thành phố của tỉnh Tuyên Quang triển khai, lập phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, đồng thời, tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, kết quả đã hỗ trợ 7,1 tỷ đồng; tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững được 36.900ha, gồm rừng trồng của các Công ty lâm nghiệp, hợp tác xã và nhóm hộ gia đình.
Để làm được điều đó, ngành NN-PTNT phối hợp với các địa phương thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã lâm nghiệp hoạt động thực chất, hiệu quả, theo nhu cầu thiết thực của các thành viên để tạo mạng lưới liên kết, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, tạo vùng nguyên liệu tập trung, phấn đấu 80% các xã có diện tích rừng trồng từ 1.000ha trở lên có các tổ hợp tác, hợp tác xã về lĩnh vực lâm nghiệp.
Gia đình anh Lâm Văn An, thôn Làng Mông, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương trồng 7ha theo hình thức giao khoán với Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương vừa bán lô rừng của gia đình thu về 700 triệu đồng.
Anh Lâm Văn An cho biết, thực hiện chăm sóc, bảo vệ, liên doanh với Công ty người dân như anh và công ty đều có lợi do đó những người dân như anh đồng thuận hợp tác lâu dài để tạo nên mối liên kết bền vững. Sau khi thu hoạch toàn bộ diện tích rừng, anh đã hợp đồng với đơn vị cung ứng giống cung cấp giống keo chất lượng cao để trồng phủ xanh những diện tích đã khai thác và sẽ phát triển diện tích này theo hướng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Tổng sản lượng gỗ khai thác của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2021 đạt 4,6 triệu m3, ước giai đoạn 2016-2022 đạt 5,6 triệu m3, bình quân khai thác đạt trên 800.000m3 gỗ các loại. Rừng ở Tuyên Quang cơ bản đảm bảo đủ nguyên liệu chế biến cho 8 nhà máy chế biến gỗ, gồm 1 nhà máy giấy 130.000 tấn/năm; 1 cụm công nghiệp chế biến gỗ 150.000m3/năm; 3 nhà máy chế biến gỗ, tổng công suất 61.000m3/năm; 1 nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế 7.500 tấn sản phẩm/năm; 1 nhà máy đũa 250 triệu sản phẩm/năm; 1 nhà máy sản xuất viên gỗ nén 3.000 tấn/năm và trên 230 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh.