| Hotline: 0983.970.780

Đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ HTX ở ĐBSCL phát triển

Thứ Năm 02/12/2021 , 08:56 (GMT+7)

Để ĐBSCL thực sự 'cất cánh' thì việc phát triển liên kết vùng giữa các tỉnh là yếu tố quan trọng. Trong đó, hợp tác xã (HTX) chính là nhân tố nòng cốt...

Khẳng định vai trò, vị thế cho HTX

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL), thích ứng với biến đổi khí hậu. Giúp khu vực này có sự kết nối vùng chặt chẽ, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất và phát triển kinh tế.

Sự đứt gãy chuỗi cung ứng do làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 vừa qua đã chỉ ra rằng: Để ĐBSCL thực sự “cất cánh” thì việc phát triển liên kết vùng giữa các tỉnh là yếu tố quan trọng. Trong đó, hợp tác xã (HTX) chính là nhân tố nòng cốt, mắt xích quan trọng không thể thiếu. 

Theo số liệu thống kê, toàn vùng ĐBSCL có trên 2.000 HTX nông nghiệp, chiếm 14% số HTX của cả nước. Ảnh: TL.

Theo số liệu thống kê, toàn vùng ĐBSCL có trên 2.000 HTX nông nghiệp, chiếm 14% số HTX của cả nước. Ảnh: TL.

Theo số liệu thống kê, toàn vùng ĐBSCL có trên 2.000 HTX nông nghiệp, chiếm 14% số HTX của cả nước. Hoạt động của các HTX đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động với mức thu nhập khá. Phát triển nhiều ngành nghề mới, khai thác được tiềm năng thế mạnh sẵn có của địa phương, góp phần giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhiều HTX đang làm rất tốt vai trò liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, dưới hình thức doanh nghiệp cung ứng đầu vào, phổ biến kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang hoạt động hiệu quả.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết: Những hạn chế của các HTX nông nghiệp hiện nay xoay quanh các vấn đề về quy mô nhỏ, năng lực quản lý hạn chế, thiếu hạ tầng, vốn…

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ NN-PTNT về quản lý HTX nông nghiệp, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn rất coi trọng 3 nhóm giải pháp: Nâng cao năng lực cho HTX; đẩy mạnh liên kết; thúc đẩy việc ứng dụng KHCN (trong đó có công nghệ cao và công nghệ số).

Cũng theo ông Thịnh, tổng kết 20 năm về phát triển kinh tế tập thể, một trong những bài học quan trọng nhất là ở đâu các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đến kinh tế tập thể, HTX thì ở đấy phong trào HTX, số lượng, chất lượng… đều phát triển rất tốt. ĐBSCL có những tỉnh điển hình như Đồng Tháp, Kiên Giang… đã xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới.

Hoạt động của các HTX ở ĐBSCL bên cạnh những khó khăn, thì cũng có rất nhiều yếu tố thuận lợi như HTX sinh ra để đáp ứng cơ chế thị trường. ĐBSCL là vùng cần HTX nhất, do đó nếu các HTX đi đúng theo xu thế làm dịch vụ cho nông dân, thì chắc chắn HTX đó sẽ dễ dàng phát triển.

Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết: Để các HTX ở ĐBSCL nói chung và Kiên Giang nói riêng phát triển mạnh mẽ, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào những nội dung:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ngoài tuyên truyền về cơ chế chính sách, các văn bản mới, nên chú trọng nhấn mạnh vào những mô hình HTX kiểu mới, nhất là phát huy vai trò nòng cốt của HTX trong phát triển sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ.

Để các HTX ở ĐBSCL nói chung và Kiên Giang nói riêng phát triển mạnh mẽ, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Ảnh: TL.

Để các HTX ở ĐBSCL nói chung và Kiên Giang nói riêng phát triển mạnh mẽ, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Ảnh: TL.

Ông Toàn nêu ví dụ, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, những nơi tập trung liên kết sản xuất sẽ thuận lợi trong công tác tiêu thụ, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, người sản xuất không bị yếu thế trước biến động của thị trường. Nhờ đó, tránh được sự ngưng trệ, đứt gãy so với sản xuất theo hình thức cá thể, nhỏ lẻ. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm tháo gỡ những cơ chế, chính sách và những vấn đề chưa hợp lý trong hoạt động của HTX. Trong đó, vấn đề tạo điều kiện về vốn, vay tín chấp, tích tụ đất đai… là những vấn đề quan trọng để HTX mở rộng sản xuất, phát triển bền vững.

Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho HTX phát triển. Vì vậy, từng địa phương cần xây dựng cho mình chính sách đặc thù để giúp HTX phát triển, dễ dàng tiếp cận và tiếp cận thực chất hơn với các nguồn lực.

Cũng theo ông Toàn, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX cần mạnh dạn rà soát, giải thể, sát nhập… để thúc đẩy HTX mở rộng quy mô, mở rộng dịch vụ. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy liên doanh, liên kết, thu hút doanh nghiệp ứng dụng KHCN mới vào sản xuất.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, trên cơ sở nâng cao kết cấu hạ tầng. Hiện nay, ngoài quan tâm hạ tầng sản xuất cần quan tâm đến hạ tầng kết nối tiêu thụ. Nhiều HTX hoạt động sản xuất rất tốt, nhưng thiếu hạ tầng kết nối tiêu thụ, nên khó tiếp cận được với các doanh nghiệp để liên doanh, liên kết.

Ông Toàn cũng bày tỏ tin tưởng: Với sự đầu tư đích đáng về cơ sở hạ tầng và sự quan tâm đặc biệt với thành phần kinh tế hợp tác từ Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền địa phương... Nông nghiệp ĐBSCL chắc chắn sẽ vượt qua thách thức kép hiện nay, HTX sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.