| Hotline: 0983.970.780

Dòng chảy xanh, trang trại sạch: Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại trang trại TH

Thứ Ba 03/10/2023 , 15:07 (GMT+7)

'Dòng chảy xanh' tại trang trại sạch TH true MILK có thể xem là điểm sáng của nền nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nông nghiệp là ngành tiêu tốn nước lớn nhất ở Việt Nam, với tổng lượng nước khoảng 93 tỷ m3, chiếm 80,6% trong tổng lượng nước sử dụng mỗi năm, trong khi con số này trên thế giới chỉ là 70%.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước ngày càng trầm trọng, mô hình “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” của Tập đoàn TH đã trở thành điển hình trong việc ứng dụng công nghệ cao nhằm sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần bảo vệ tự thiên, bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững.

“Dòng chảy xanh” ở TH - khơi nguồn cho quy trình từ đồng cỏ xanh tới ly sữa tươi sạch

Nằm ở vùng hạ lưu sông Sào, trên cao nguyên Phủ Quỳ xứ Nghệ, là trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô tiệm cận 70 nghìn con của Tập đoàn TH.

Trong sản xuất nông nghiệp nói chung và đặc biệt với một tập đoàn sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen như TH thì nguồn nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chính vì vậy, tập đoàn TH đã lựa chọn vị trí ngay tại phía nam của hồ sông Sào để xây dựng các trang trại và nhà máy. Con sông hiền hòa trở thành mạch nguồn tự nhiên khởi sinh, nuôi dưỡng và tạo nên sức sống mới cho một vùng đất miền Tây xứ Nghệ.

Hồ sông Sào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với trang trại TH.

Hồ sông Sào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với trang trại TH.

Kiên định theo quy trình khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch”, tại trang trại TH, đàn bò luôn được tận hưởng nguồn nước sạch và tinh khiết nhất theo tiêu chuẩn cao nhất về nước sinh hoạt QCVN 01 - 2009/BYT. Có được kết quả đó là nhờ một quyết định mang tính nhân văn của người đứng đầu Tập đoàn TH - Anh hùng Lao động Thái Hương

Bà khẳng định:“Nói đến nông nghiệp thì phải nói đến Mẹ Thiên nhiên. Muốn làm nông nghiệp tốt và bền vững thì phải bảo vệ Mẹ Thiên nhiên. Chính vì thế, khi xây dựng chiến lược cho TH, ngay từ đầu chúng tôi đã định hướng theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuỗi sản xuất khép kín, thừa hưởng những thành tựu phát triển của thế giới về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo đan xen vào nhau để tạo ra chất lượng sản phẩm và chi phí sản xuất hợp lý nhất. Chúng ta phải phát huy hết lợi thế của nông nghiệp Việt Nam để đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hòa nhập quốc tế một cách mạnh mẽ”.

Năm 2010, khi dự án mới đi vào hoạt động, để có đủ hàng nghìn m3 nước mỗi ngày cho đàn bò, trong khi chờ đợi hoàn thiện nhà máy nước sạch mà TH đầu tư xây dựng, trang trại TH lựa chọn phương án mua nước tại nhà máy nước Thái Hòa, nơi duy nhất cung cấp nguồn nước sinh hoạt đủ tiêu chuẩn tại Nghĩa Đàn thời điểm đó. Tức là doanh nghiệp đã chấp nhận tốn thêm nhiều chi phí, mua nước sinh hoạt để sử dụng trong chăn nuôi bò sữa với mục đích đảm bảo sức khỏe đàn bò, để các cô bò cho dòng sữa tươi tốt nhất, góp phần đưa chất lượng sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp ra thị trường đạt chuẩn quốc tế, và vì sức khỏe cộng đồng.

Đặc biệt hơn, TH chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí rất lớn hỗ trợ nhà máy nước Thái Hòa về cả nhân lực, vật lực với mục đích duy nhất là đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt cho đàn bò tại bất cứ thời điểm nào trong ngày.

“Từ nhà máy nước Thái Hòa về đến các điểm trang trại trong khoảng bán kính 20km nhưng không có đường dẫn nước. Chúng tôi đã tổ chức các đoàn xe bồn vận chuyển nước liên tục, bố trí các bộ phận trực tại nhiều điểm để tiếp nhận nước. Chúng tôi cũng hỗ trợ nhà máy nước về máy bơm, máy phát điện để đảm bảo nước phải cung cấp đủ 24/24h, thậm chí là phải cử cán bộ xuống vận hành máy phát điện một thời gian để đảm bảo nguồn nước sạch về trang trại... Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên kiểm soát nguồn nước ở cả 2 đầu và có niêm phong, kẹp chì các bồn chở nước để đảm bảo xe chỉ chở nước chứ không chở các vật liệu khác”, ông Nguyễn Vinh Sơn, Giám đốc Bộ phận Bảo trì - Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH cho biết.

Trang trại đảm bảo đàn bò phải được sử dụng nguồn nước sạch và an toàn nhất ở tất cả các quy trình chăm sóc.

Trang trại đảm bảo đàn bò phải được sử dụng nguồn nước sạch và an toàn nhất ở tất cả các quy trình chăm sóc.

Không chỉ quan trọng trong việc đảm bảo sản xuất ra những ly sữa tươi chuẩn quốc tế, nước sạch còn rất quan trọng trong việc vận chuyển và phân phối sữa tươi. Ông Vijay Kumar Pandey - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH chia sẻ: “Chúng tôi sử dụng nước sạch trong tất cả các quy trình của mình. Chúng tôi vô cùng thận trọng và luôn chắc chắn rằng đàn bò phải được sử dụng nguồn nước sạch và an toàn nhất”.

Năm 2011, nhà máy xử lý nước sinh hoạt đầu tiên của tập đoàn hoàn thành và đưa vào vận hành đã giúp TH tự chủ được nguồn nước trong sản xuất. Toàn bộ nước đều được lấy lên từ hồ sông Sào và xử lý với tiêu chuẩn nước sinh hoạt QCVN 01 - 2009/BYT của Bộ Y tế. Hiện tại, tập đoàn TH đang sở hữu 3 nhà máy nước sinh hoạt với tổng công suất 14.500 m3/ngày đêm. Các nhà máy được sử dụng công nghệ của Amiad - Israel, đây là công nghệ xử lý nước sinh hoạt hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay, tự động 100%.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến, trả nguồn nước về cho Mẹ Thiên nhiên một cách tử tế nhất

Không chỉ chú trọng xử lý nước sinh hoạt, vận hành, TH cũng chú trọng xử lý nước thải, ứng dụng những công nghệ xử lý nước thải tiên tiến nhất hiện nay để trả về tự nhiên dòng nước an toàn đạt chuẩn, đảm bảo cho một nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững. 

Tại cụm trại III của trang trại, hệ thống xử lý nước thải công suất 1.200 m3/ngày đêm là công trình xử lý nước thải trang trại chăn nuôi bò sữa lớn nhất, hoàn chỉnh nhất đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam. Với công nghệ của Hà Lan và được thiết kế, lắp đặt bởi hãng Aqua.mps, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 62/BTNMT sẽ được đưa qua hệ thống quan trắc tự động và gửi kết quả về Bộ Tài nguyên Môi trường 5 phút/lần. 

Hệ thống xử lý nước thải của TH tại Cụm trại số 3, công suất 1.200 m3/ngày đêm.

Hệ thống xử lý nước thải của TH tại Cụm trại số 3, công suất 1.200 m3/ngày đêm.

Theo ông Phạm Vinh Sơn, đây là nhà máy đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có thể xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi bò sữa. Khâu vận hành tiết kiệm tối đa nhân lực, có thể điều kiện bằng app trên điện thoại. Toàn bộ chất rắn sau xử lý có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ. 

Với hệ thống này, giọt nước thải từ lúc đi vào đến lúc xử lý xong là 20 ngày, hoàn toàn bẻ gãy được ô nhiễm. Phần nước thải đã qua xử lý và đạt chuẩn này được sử dụng làm nước làm mát cho chuồng trại, đàn bò, trở lại đồng ruộng tưới cho cây trồng hay hoàn trả lại nước đạt chuẩn về tự nhiên - hồ Sông Sào. 

Như vậy, hồ Sông Sào - bao năm qua vẫn xanh mát, trong lành - vừa là nguồn nước đầu vào, vừa là nơi tiếp nhận lại nước thải đã qua xử lý trở về với tự nhiên. Chính vòng tuần hoàn này là câu trả lời cho sự đầu tư của Tập đoàn TH trong lĩnh vực xử lý nước thải: Nhận ở đâu, trả về ở đó và phải trả về thật tử tế vì sau đó lại tiếp tục khai thác, sử dụng. 

Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) nhận định, đây là giải pháp xử lý đồng bộ, tuần hoàn nước và làm được điều này tức là đã giảm được giá thành và tăng năng suất.

Kiên định con đường phát triển bền vững, TH tiếp tục đầu tư xây dựng hai hệ thống xử lý nước thải công suất 2.500 m3/ ngày đêm tại cụm trại I và 2.000 m3/ngày đêm tại cụm II để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô trang trại. Dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024 sẽ đưa vào vận hành các hệ thống này, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu xử lý nước thải của các cụm trang trại. 

Với hai nguồn mặt nước tự nhiên xung quanh các trang trại là hồ Sông Sào và đập Khe Canh, ngay từ khi cụm trang trại đi vào hoạt động, TH đã có những giải pháp bảo vệ bền vững: thành lập tổ quan trắc, khảo sát chất lượng nguồn nước mặt trong phạm vi đặt trạm bơm nước. Việc lấy mẫu nước và đánh giá chất lượng nước được diễn ra thường xuyên, liên tục hàng ngày, nhất là với nước mặt hồ đập Khe Canh. Đây là hồ vừa chứa nước vừa chống lũ, nên định kỳ 3 tháng 1 lần phải thực hiện quan trắc để xác định chất lượng nước và điều tiết sản xuất để tránh làm ảnh hưởng đến hồ.

“Một trong những yêu cầu đối với nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề thủy lợi gắn với nước mặt và nước ngầm. Phải có phương thức sử dụng nước cho nông nghiệp một cách cân đối sao cho nước không bị ô nhiễm thì chúng ta mới có nguồn nước đảm bảo phục vụ cho nông nghiệp”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ nhận định.

Đánh giá về trách nhiệm của TH đối với môi trường, ông Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết: Chúng tôi nhận thấy tập đoàn TH đã rất nỗ lực và quyết tâm, luôn lựa chọn những công nghệ tiên tiến nhất để xử lý vấn đề môi trường. Chúng tôi được chứng kiến những công nghệ TH ứng dụng để xử lý môi trường như công nghệ Aqua của Hà Lan. Cùng với đó TH cũng luôn coi trọng đầu tư cảnh quan cây trồng để đảm bảo xanh sạch đẹp”.

Chắt chiu từng giọt nước…

Với tôn chỉ “trân quý Mẹ Thiên nhiên”, TH đã chắt chiu từng giọt nước trong từng công đoạn của toàn bộ quy trình tạo ra dòng sữa trắng thuần khiết. Trên các cánh đồng hướng dương, ngô, cao lương và cỏ của TH, tập đoàn đã đầu tư 15 hệ thống tưới tự động, trong đó có 13 “cánh tay khổng lồ” PIVOT dài từ 500-700m, tích hợp tính năng bón phân hiệu quả và 2 giàn tưới REEL HOSE tự động công nghệ Italia có khả năng kiểm soát linh hoạt lượng nước tưới sao cho phù hợp với từng loại địa hình.

TH sử dụng các giàn tưới tự động công nghệ cao, giúp tưới đồng đều và tiết kiệm nước.

TH sử dụng các giàn tưới tự động công nghệ cao, giúp tưới đồng đều và tiết kiệm nước.

Bên cạnh đó, trang trại còn sử dụng các ứng dụng thông minh đo độ ẩm của đất như Motes của Israel hay Hobolink của Mỹ. Các ứng dụng này sẽ xác định độ ẩm của đất và khuyến cáo lượng nước tưới phù hợp để cung cấp đúng, đủ nhu cầu nước cho cây trồng trong từng giai đoạn phát triển. Theo đánh giá của ông Lương Văn Anh, đây là chính là tối ưu việc tiết kiệm tài nguyên nước trong sản xuất.

“Công nghệ tưới tiên tiến như TH tiết kiệm tối đa về nước và nhân công, chỉ dùng 1-2 người điều khiển tưới cả cánh đồng rộng lớn, mật độ tưới rất đồng đều so với tưới thủ công mà thời gian, thời điểm đều rất chính xác, đảm bảo cho cây trồng phát triển tối đa”.

Với tư duy vượt trội, tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản trị kết hợp đan xen, tận dụng công nghệ đầu cuối của thế giới, TH đã xây dựng thành công mô hình “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao”. Năm 2020, trang trại TH đã được Liên minh Kỷ lục thế giới xác nhận “Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới”. 

Một phần của 'Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới'.

Một phần của “Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới”.

Lần đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này, một kỷ lục thế giới về chăn nuôi bò sữa được xác lập tại Việt Nam, thể hiện sự vượt trội trong tư duy đầu tư, tinh thần phụng sự của một doanh nghiệp - doanh nhân yêu nước. Đây là thành tựu đáng tự hào của nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam và thế giới.

Tiếp nối thành công tại Nghệ An, TH đã và đang nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, để tạo ra dòng sữa ngọt lành tại nhiều địa phương trên cả nước như Thanh Hóa, Đà Lạt, Phú Yên, An Giang…

Và đặc biệt, mô hình này cũng được tập đoàn TH đầu tư tại Liên bang Nga. TH đã trở thành điển hình mang tới nhiều bài học thành công về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về một doanh nghiệp luôn trân quý Mẹ Thiên nhiên trong từng bước đi của mình. 

Đặc biệt, với việc trân trọng, sử dụng tiết kiệm hiệu quả và bảo tồn tài nguyên nước, “dòng chảy xanh - trang trại sạch” tại TH sẽ là điểm sáng của nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp tuần hoàn, trên con đường phát triển bền vững mà cả thế giới đều đang hướng tới.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.