Tôi còn nợ nông dân nhiều quá
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Từ khi tôi làm Phó Thủ tướng, tôi không bao giờ lấy đất nông nghiệp để làm công nghiệp. Các công trình công nghiệp đều đưa lên đồi, ai muốn lấy một héc-ta đất canh tác để làm gì đó đều phải xin phép Thủ tướng Chính phủ”.
Theo ông Nguyễn Đức Triều, trong những năm làm Phó Thủ tướng cho đến sau này làm Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã đi nhiều nơi trên đất nước và có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng các công trình thủy lợi như: Thạch Nham, Sông Hinh, Dầu Tiếng…; thủy điện như: Thác Bà, Hòa Bình, Trị An…; các nhà máy phục vụ nông nghiệp như: A-pa-tít Lào Cai, Super phốt phát Lâm Thao, phân lân Văn Điển, Điện đạm Cà Mau…
Ông Nguyễn Đức Triều tiếp Tổng bí thư Đỗ Mười làm việc với Hội Nông dân Việt Nam (1997) |
Các hệ thống sông, hồ cũng được quy hoạch theo một hệ thống tưới, tiêu khoa học, có hệ thống cống, mương, máng và hệ thống máy bơm hợp lý nên đã chủ động việc điều tiết nguồn nước cho nông nghiệp.
Trong nhiều cuộc hội nghị, ông Nguyễn Đức Triều kể lại, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất trăn trở trước những khó khăn của nông dân. Đồng chí đã nói lên suy nghĩ của mình, đại ý: “Tôi còn nợ nông dân nhiều quá, một bộ phận nông dân còn nghèo, mù chữ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Nhận thấy nông nghiệp cung cấp nguyên vật liệu cho công nghiệp, nhưng nông nghiệp phải chịu ảnh hưởng nhiều do thiên tai, mưa lũ, nắng hạn mà ta chưa khắc phục được. Vì vậy, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đề xuất phải tập trung làm quy hoạch thủy lợi.
Những đề xuất của đồng chí Đỗ Mười về vấn đề thủy lợi đã được đưa vào nghị quyết của các hội nghị của Trung ương, cũng như của các kỳ đại hội của Hội Nông dân Việt Nam. Các hệ thống sông, hồ được quy hoạch theo một hệ thống tưới, tiêu khoa học, có hệ thống cống, mương, máng và hệ thống máy bơm hợp lý nên đã chủ động việc điều tiết nguồn nước cho nông nghiệp.
Đồng chí Đỗ Mười thăm bà con nông dân Phan Thiết thu hoạch lúa |
Không để đồng bào Tây Nguyên thiếu đất sản xuất
Còn trong ấn tượng của ông Ksor Phước, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là “một con người rất xông xáo, có ý chí ngùn ngụt, tinh thần làm việc quên mình, lo lắng việc của Đảng, của dân”.
Năm 1992, vừa làm Tổng Bí thư (khóa VII), đồng chí Đỗ Mười lên ngay với Tây Nguyên. Ông Ksor Phước nhớ lại: “Lần nào lên thăm Tây Nguyên, bác cũng thường nêu vấn đề và căn dặn Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai phải ghi nhớ: Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, xã hội. Đặc biệt là một trọng điểm chiến lược về quốc phòng và an ninh của cả nước”.
Theo ông Ksor Phước, ở Tây Nguyên, đa số người dân đều biết đến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhất là cán bộ, đảng viên và công chức rất kính trọng người chiến sĩ cộng sản chân chính, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; luôn giữ vững niềm tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khi trúng cử BCH Trung ương Đảng khóa VIII (1996), ông Ksor Phước dự cuộc họp quan trọng bàn về vấn đề kinh tế - xã hội vùng miền Trung – Tây Nguyên. Có một kỷ niệm sâu sắc với Tổng Bí thư Đỗ Mười trong ông. Phát biểu ý kiến xong trước Trung ương về vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất tại chỗ, phải đi làm thuê ngay trên mảnh đất của mình. Đồng chí Đỗ Mười đến bên ông, hỏi: “Tại sao đồng chí không báo hay viết thư cho Tổng Bí thư biết những khó khăn thiếu đất sản xuất của đồng bào Tây Nguyên?”.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai – ông Ksor Phước trả lời đây chỉ là chuyện nhỏ, kéo dài gần chục năm nay, ông cứ nghĩ ở Trung ương ai cũng biết cả rồi chứ. Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Vấn đề này rất lớn, như vậy là nghiêm trọng lắm. Vì sao để thiếu đất sản xuất ngay trên quê hương mình? Mục tiêu của cách mạng là người cày phải có ruộng”.
Sau cuộc họp đó, đồng chí Đỗ Mười rất trăn trở đến mất ngủ. Ông nói với người trợ lý của mình là Phan Trọng Kính sắp xếp lịch để ông vào thăm bà con Gia Lai ngay.
Ngày 26/4/1997, làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai, Tổng Bí thư Đỗ Mười cho biết: “Tôi lên đây muốn nghe báo cáo những kiến nghị trực tiếp của tỉnh với Trung ương”. Nghe ông Lê Tam – Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai trình bày những khó khăn của tỉnh xong, đồng chí Đỗ Mười trực tiếp xuống thăm và làm việc tại huyện Chưpah, huyện Mang Yang. Đồng chí chú ý lắng nghe các ý kiến của cơ sở kiến nghị những vướng mắc về cơ chế cần tháo gỡ, những thay đổi về chính sách, khai thác nguồn lực để khắc phục khó khăn, phát huy nội lực đưa Tây Nguyên vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào Tây Nguyên, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc giúp Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, những cách tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất.
Phải quan tâm đến mô hình mới Tôi hết sức cảm động khi mỗi lần đến nhà thăm, cụ thường nhắc: “Ông là thủ lĩnh của nông dân, ông xem lãi ròng của nhân dân bao nhiêu? Ông phải quan tâm đến mô hình mới. Nông dân ta rất năng động, chính nông dân đã sang chế ra máy bóc đỗ, bóc lạc, máy cày. Ông Nghĩa ở Long An còn cải tiến máy gieo hạt. Kinh tế hộ có tiềm năng lớn, nhưng chỉ làm ăn riêng lẻ thì không tiến lên được, phải biết “dồn điền, đổi thửa” để đưa máy móc vào mới có năng suất cao được”. (Ông Nguyễn Đức Triều, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam). |
Quan tâm đến người bất hạnh, cơ nhỡ “Đồng chí không chỉ lo cho nông dân, công nhân, liên minh công nông, lo cho tư sản dân tộc phát triển, lo cho kinh tế của đất nước mà còn quan tâm rất sâu sắc đến việc chăm sóc, bảo vệ những người bất hạnh, cơ nhỡ. Điều này được thể hiện cụ thể nhất qua bức thư mà đồng chí gửi cho tôi vào đầu năm 2011 với lời nhắc nhở phải kiểm tra, giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về mặt thủ tục ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương để trung tâm làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em mồ côi, khuyết tật – một sứ mạng rất cao cả và tốt đẹp” (Ông Mai Thế Trung, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương). |