Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, sau 3 năm thực hiện chương trình OCOP, Đồng Nai thu hút 14 chủ thể là doanh nghiệp, 13 HTX, tổ hợp tác, và 18 hộ sản xuất, kinh doanh. Hiện toàn tỉnh đã có 100 sản phẩm OCOP được công nhận, gồm 36 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 64 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đặc biệt, lần đầu tiên Đồng Nai có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao là bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 Bunga của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, Định Quán). Nhờ vào việc tham gia chương trình, hiện nay Đồng Nai hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con nông dân có cuộc sống ổn định hơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, Chương trình OCOP khi triển khai thực tế đã góp phần khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn. Đây là cơ hội khởi nghiệp cho nông dân, hợp tác xã và nhiều doanh nghiệp nhỏ đầu tư vào nông nghiệp của Đồng Nai.
Để sản phẩm OCOP ngày càng đi xa hơn, hiện các địa phương chung tay cùng các chủ thể đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên toàn quốc; tham gia sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại…
“Sắp tới chương trình cần tiếp tục khắc phục những mặt còn hạn chế, tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện; tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Về phần các chủ thể OCOP cũng cần nỗ lực hơn trong đổi mới, sáng tạo, cố gắng nâng sao, nâng chất lượng, quy mô gắn với chuỗi liên kết bền vững", ông Phi nhấn mạnh.