Không còn là "thủ phủ chăn nuôi" kiểu cũ
Nhìn vào tình hình sản xuất trong chăn nuôi của Đồng Nai, có thể thấy rõ tổng đàn vật nuôi, nhất là lợn đang có sự chuyển biến giảm. Hiện, tổng đàn lợn của tỉnh khoảng 2,08 triệu con, giảm 1,27% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, cuối năm 2023, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2,4 triệu con. Tổng đàn lúc này cũng đã giảm gần 8,3% so với cùng kỳ năm 2022. Về gia cầm, tuy không có sự biến chuyển nhiều nhưng tỉ lệ tăng trưởng cũng thấp nhất so với những năm gần đây.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân được cho là do giá đầu vào tăng cao trong khi giá bán không tăng hoặc tăng ít, người chăn nuôi không có lãi cao.
“Sau dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 và Covid-19, UBND tỉnh Đồng Nai lại siết chặt công tác bảo vệ môi trường và chăn nuôi theo vùng được phép phát triển chăn nuôi. Đây là điều khiến cho tổng đàn của Đồng Nai bị ảnh hưởng”, ông Công cho hay.
Từ những năm 1960, nhiều trang trại nuôi lợn với quy mô lớn theo hướng công nghiệp đã bắt đầu hình thành tại vùng đất Biên Hòa. Với điều kiện gần thị trường tiêu thụ lớn là TP HCM thời tiết thuận lợi và đất để xây dựng trang trại còn nhiều nên ngành chăn nuôi thuận lợi phát triển.
Đồng Nai nhanh chóng thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI về thức ăn chăn nuôi, con giống, như C.P. Việt Nam, De Heus, Japfa Việt Nam, GreenFeed Việt Nam, New Hope, CJ, Sunjin,… đến đầu tư, liên kết sản xuất. Nhờ đó, ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển mạnh cả lượng và chất, được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi cả nước.
Bắt đầu chăn nuôi từ thời hoàng kim nuôi lợn trang trại lớn, ông Ngô Thanh Đại (huyện Xuân Lộc) cho biết, bản thân và nhiều người khấm khá nhờ nuôi lợn gia công. Với 2ha đất trồng trọt, ông Đại dành một héc ta nuôi lợn gia công, hợp tác với tập đoàn C.P. Việt Nam.
“Tôi chỉ bỏ công chăm sóc, cho thuê đất làm trang trại. Còn phía công ty C.P bỏ vốn, giống lợn, chăm lo kỹ thuật, thuốc men, bao thầu sản phẩm heo đầu ra. Con lợn từ đó cho mình của ăn của để, xây nhà và xe hơi…”, ông Đại khoe.
Thế nhưng, trận dịch tả lợn Châu Phi 2019 ập tới khiến ngành chăn nuôi Đồng Nai bắt đầu nhìn nhận ra nhiều vấn đề mới cần phải giải quyết. Trong đó, chăn nuôi tập trung và vấn đề môi trường là nút thắt lớn nhất cần được giải quyết sớm nhất, triệt để.
Đồng Nai đang thể hiện rất mạnh tay với các trang trại chăn nuôi vì môi trường và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Điều đó cũng có nghĩa danh xưng “thủ phủ” chăn nuôi có nguy cơ không còn.
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ: “Chủ trương chỉ đạo của Đồng Nai không cấm, cũng không gây khó khăn, cũng không muốn đưa ngành chăn nuôi ra khỏi địa phương. Nhưng chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Quan điểm phát triển kinh tế đồng thời phải bảo vệ môi trường”.
Công nghệ giúp nâng cao chất lượng
Đồng Nai đang chứng kiến cảnh di dời ‘đại bản doanh’ của nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi FDI. Dòng chảy đầu tư của các doanh nghiệp này đang đổ về khu vực Tây Nguyên, Bình Phước và Tây Ninh.
Ở góc độ kinh tế, đây là điều đáng tiếc cho "thủ phủ chăn nuôi". Tuy nhiên, nhìn rộng hơn cho tương lai, đây thật sự là cuộc ‘đại phẫu’ cho ngành chăn nuôi với nhiều hạn chế cần xử lý.
Đơn cử, trước đây nhiều cơ sở chăn nuôi hầu hết xả thải ra sông, suối hoặc tận dụng để nuôi cá gây ô nhiễm môi trường. Các khu vực như sông Buông, suối Săn Máu, suối Reo, suối Nước Trong... ô nhiễm nặng, mùi hôi thối do các trang trại chăn nuôi dọn rửa chuồng và xả thải ra đây.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, theo quy định, cơ sở chăn nuôi phải có hệ thống xử lý nước thải sau biogas, hồ lắng, hồ chứa để xử lý nước thải, phân… Nước thải sau xử lý được tuần hoàn vệ sinh chuồng trại, tưới cây hoặc xả ra môi trường, phân thải được thu gom, tập kết vào nhà chứa, ủ rồi mang bán. Tuy nhiên, quy định này lại bị phần lớn các trang trại phớt lờ lâu nay.
Chưa kể, chăn nuôi nông hộ tuy chỉ chiếm 10% nhưng lại có đến gần 20.000 hộ chăn nuôi. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cư cho việc kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng an toàn dịch bệnh và vấn đề môi trường.
Đồng Nai còn nhiều việc để làm trước quyết định lịch sử, ảnh hưởng lớn đến người dân, nguồn lực lao động và sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, đây cũng chính là quyết định đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT Đồng Nai để sắp xếp lại ngành chăn nuôi cả về lượng và chất.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho rằng, đây là thời điểm ngành chăn nuôi của tỉnh buộc phải thay đổi mình về chất thật sự mới phát triển bền vững. Trong đó, công nghệ chuồng trại, hạ tầng, xử lý chất thải chăn nuôi… là điều tiên quyết.
“Đồng Nai không còn đủ diện tích đất và nước ngầm để hóa giải các vấn đề do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh từ chăn nuôi tạo ra. Do đó, nếu cứ mãi duy trì tổng đàn và tốc độ phát triển chăn nuôi như trước đây thì áp lực về quản lý, môi trường và đô thị hóa sẽ mỗi ngày một nặng nề. Do đó, quan điểm phát triển cần phải thay đổi”, ông Sinh chia sẻ.
Hiện, tỉ lệ chăn nuôi tập trung của Đồng Nai đạt 90%. Các trang trại này được đầu tư cơ giới hóa hiện đại, không chỉ tiết kiệm nhân công mà còn đảm bảo công tác an toàn dịch bệnh. Nhờ vào việc liên kết với các doanh nghiệp FDI nên công nghệ chuồng trại cũng được đầu tư đồng bộ và khắt khe hơn.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát là một trong những đơn vị tiên phong của Đồng Nai đầu tư công nghệ chuồng trại bài bản để nuôi gà lông trắng, xuất khẩu sang Nhật Bản. Mỗi năm, HTX Long Thành Phát cung cấp ra thị trường 5 - 7 triệu con gà lông trắng, 30% trong số đó được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Nhờ đầu tư vào công nghệ chăn nuôi như chuồng lạnh, chuồng tầng hình chữ H, hệ thống cho ăn và bắt gà tự động… hợp tác xã nâng cao được số lượng, chất lượng sản xuất và đảm bảo an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đánh giá, đây là một trong những mô hình mẫu chăn nuôi cần được nhân rộng. Các trang trại đang làm tốt vai trò đảm bảo phòng, chống dịch bệnh của mình còn giúp cho mỗi địa phương xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh.
Mặt khác, Đồng Nai đang xây dựng các chuỗi sản phẩm đặc thù cho chăn nuôi nông hộ thông qua liên kết với doanh nghiệp như: chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản phẩm chứng nhận VietGAP, sử dụng thức ăn thảo dược trong chăn nuôi…
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên các dự án đầu tư theo trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải, các dự án đầu tư gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm. Đồng thời, Chi cục sẽ đẩy mạnh chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, tổ chức tốt công tác thông tin thị trường, cập nhật thường xuyên, kịp thời để định hướng sản xuất hiệu quả”, ông Nguyễn Trường Giang Giang chia sẻ.