| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai trước cuộc đại di dời cơ sở chăn nuôi: [Bài 1] Vì môi trường và hài hòa kinh tế

Thứ Hai 05/08/2024 , 06:30 (GMT+7)

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa, hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi của tỉnh phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi nhưng mọi công tác vẫn còn ngổn ngang.

Tỉ lệ di dời, ngưng chăn nuôi còn thấp

Ngày 30/7/2021, HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND buộc hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc ngưng chăn nuôi. Nghị quyết nhằm xử lý triệt để những trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Hiện, hơn 50% cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai đã ngưng tái đàn hoặc di dời sang khu vực khác theo đúng quy định. Ảnh: Lê Bình.

Hiện, hơn 50% cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai đã ngưng tái đàn hoặc di dời sang khu vực khác theo đúng quy định. Ảnh: Lê Bình.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, đến thời điểm hiện tại có 1.549 cơ sở đã di dời, ngưng chăn nuôi, đạt tỷ lệ 51,53% so với lộ trình đến 31/12/2024. Trong đó, có 1.541 cơ sở ngừng chăn nuôi, 8 cơ sở di dời.

Các huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Long Thành, Xuân Lộc có tỉ lệ di dời trang trại còn rất chậm. Thậm chí, huyện Long Thành mới di dời và ngưng chăn nuôi các cơ sở đạt hơn 20%.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, lý do tỷ lệ di dời trang trại đến nay còn thấp là do một số trang trại trước đây xây dựng trong vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi.

Tuy nhiên, sau khi bỏ quy hoạch chăn nuôi theo Luật Quy hoạch và cập nhật quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất, dân cư còn thưa thớt dẫn đến quy định nhiều khu vực không được phép chăn nuôi chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

“Đa số hộ chăn nuôi thuộc diện di dời, ngưng chăn nuôi là cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, số lượng vật nuôi ít, tận dụng diện tích để chăn nuôi, tăng nguồn thu nhập. Do đó, việc thực hiện vận động ngưng chăn nuôi hoặc di dời gặp khó khăn do hầu hết các cơ sở đều thiếu nguồn vốn để mua đất, đầu tư cơ sở hạ tầng mới”, ông Trần Lâm Sinh cho hay.

Phần lớn các trang trại thuộc diện ngưng chăn nuôi đều sử dụng những công nghệ xử lý nước thải, chất thải không còn phù hợp, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Phần lớn các trang trại thuộc diện ngưng chăn nuôi đều sử dụng những công nghệ xử lý nước thải, chất thải không còn phù hợp, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Tới thời điểm hiện tại, chưa có cơ sở chăn nuôi nào nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách di dời do chủ yếu là các cơ sở ngưng chăn nuôi. Còn đối với các cơ sở di dời, chủ yếu di dời từ khu dân cư vào các khu vườn rẫy xa khu dân cư để tiếp tục chăn nuôi theo quy mô nông hộ không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định.

Mới đây, Tỉnh ủy Đồng Nai đã thành lập 10 đoàn kiểm tra thực tế việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, quyết định di dời hoặc ngưng chăn nuôi của UBND tỉnh đối với các cơ sở chăn nuôi.

Sở TN-MT, UBND các huyện và thành phố Long Khánh tiếp tục tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với gần 10.000 cơ sở chăn nuôi theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, việc kiểm tra nhằm xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi và đánh giá thực trạng công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi. Qua đó, có các giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước các sông suối.  

Tổng đàn lợn của Đồng Nai khoảng 2,08 triệu con tại 1.019 trang trại. Chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 10% tổng đàn với khoảng 6.300 hộ. Tổng đàn gà khoảng 22,4 triệu con được nuôi tại 338 trang trại. Các loại vật nuôi khác như trâu, bò khoảng 110.000 con, dê khoảng 190.000 con, vịt, ngan, ngỗng khoảng 3,3 triệu con, chim cút khoảng 8 triệu con.

Còn nhiều khó khăn, tâm tư

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thẳng thắn chia sẻ, đây là một trong những quyết định rất khó khăn của tỉnh trong vấn đề nông nghiệp.

Cuộc “đại di dời” này chắc chắn ảnh hưởng đến nhiều người dân nhưng không thể không làm. Nguyên nhân là do các trang trại chăn nuôi với nhiều công nghệ lạc hậu đã và đang tác động trực tiếp đến môi trường, dân sinh, sức khỏe và tình hình kinh tế nói chung.

“Đồng Nai không đánh đổi kinh tế bằng mọi cách. Kinh tế trang trại phát triển phải hòa hòa lợi ích với những mảng kinh tế khác. Thời gian qua, hầu hết các trang trại chăn nuôi thời gian dài đã ảnh hưởng đến môi trường, thu hút đầu tư và dân sinh. Điều này được người dân và các nhà đầu tư than phiền rất nhiều, không cách nào khác, chúng ta buộc phải mạnh tay và buộc ngành chăn nuôi phải thay đổi”, ông Võ Văn Phi chia sẻ.

Nhiều cơ sở chăn nuôi không nằm trong khu dân cư và đảm bảo về môi trường đang mong muốn được kéo dài thời hạn di dời trang trại để ổn định kinh tế. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều cơ sở chăn nuôi không nằm trong khu dân cư và đảm bảo về môi trường đang mong muốn được kéo dài thời hạn di dời trang trại để ổn định kinh tế. Ảnh: Lê Bình.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong quá trình thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, đa số các hộ chăn nuôi thuộc diện di dời, ngưng chăn nuôi có quy mô nông hộ nên việc di dời gặp khó khăn do thiếu nguồn lực để đầu tư tại địa điểm mới. Một số trang trại vay vốn ngân hàng để đầu tư nhưng đến nay chưa thu hồi đủ vốn. Hơn nữa, đa số lao động tại các cơ sở chăn nuôi đều lớn tuổi, do đó chuyển đổi nghề nghiệp gặp khó khăn...

“Chúng tôi ủng hộ chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai về việc di dời hoặc chấm dứt chăn nuôi với những trang trại vi phạm ô nhiễm, không chịu thay đổi hoặc nằm trong khu dân cư. Tuy nhiên, với các trang trại đang đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, phòng chống dịch tốt và ở xa các khu dân cư thì nên xem xét nới rộng thời gian di dời cơ sở chăn nuôi phù hợp”, ông Công mong mỏi.

Từ khoảng 6 tháng nay, trang trại nuôi lợn rộng 20.000 m2 của bà Lê Ngọc Phi Loan (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) chỉ còn nuôi công suất khoảng 1/3 so với trước đây. Hơn 20 năm nuôi lợn, đây là năm đầu tiên mà trang trại lợn của bà Loan phải “treo chuồng” như vậy. Bởi, trang trại của bà Loan thuộc diện phải di dời theo Nghị quyết của UBND tỉnh Đồng Nai.

Đợt dịch tả lợn Châu Phi hồi năm 2019 khiến trang trại của bà Loan phải vay ngân hàng hơn 6 tỷ đồng để tái đầu tư công nghệ, con giống để chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay bà Loan vẫn chưa thu hồi đủ vốn để trả nợ cho ngân hàng.

Bà Loan kiến nghị: “Nếu được, chúng tôi rất mong muốn cho kéo dài thêm một thời gian hoạt động. Trang trại của chúng tôi xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến môi trường, đóng thuế đầy đủ, đảm bảo an toàn dịch bệnh… mà vẫn phải ngưng kinh doanh thì thật sự không mấy hợp lý”.

Trong suốt 20 năm làm nghề nuôi lợn, chưa khi nào bà Loan phải 'treo chuồng' như hiện nay. Ảnh: Lê Bình.

Trong suốt 20 năm làm nghề nuôi lợn, chưa khi nào bà Loan phải 'treo chuồng' như hiện nay. Ảnh: Lê Bình.

Giống như bà Loan, hầu hết người chăn nuôi ở Đồng Nai đang trong tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ khi không dám tăng đàn trước cuộc ‘đại di dời’. Thế nhưng, mỗi ngày trôi qua, áp lực kinh tế để trả nợ ngân hàng là điều khiến họ… đứng ngồi không yên.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đa số lao động tại các cơ sở chăn nuôi đã lớn tuổi, nguồn thu nhập chủ yếu là từ chăn nuôi. Do đó việc chuyển đổi sang nghề khác gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chưa có định hướng nghề nghiệp mới.

Một số cơ sở đã ngưng chăn nuôi theo quy định. Tuy nhiên khi tận dụng chuồng trại hiện có để sửa chữa, chuyển đổi mục đích sử dụng bị vướng các quy định khác như quy hoạch, xây dựng,… Về vấn đề này, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, Sở đang cùng với các địa phương tiếp tục giới thiệu địa điểm chăn nuôi phù hợp với quy hoạch và các quy định pháp luật chuyên ngành khác.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT Đồng Nai cũng phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp cho các cơ sở chăn nuôi để có công ăn việc làm ổn định sau khi ngưng chăn nuôi.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.