Tờ rơi phòng chống dịch tả heo châu Phi mà C.P Việt Nam phát cho các trang trại của Cty |
Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, đã tổ chức hội thảo thông tin về bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF). Hội thảo đã thu hút được sự tham dự của nhiều công ty chăn nuôi và hàng trăm chủ trang trại heo ở tỉnh này. Nội dung chính của hội thảo là cung cấp cho bà con chăn nuôi những thông tin về ASF: Lịch sử dịch bệnh; diễn biến của dịch bệnh, nhất là ở Trung Quốc; sự nguy hiểm của dịch bệnh; các giải pháp phòng chống ...
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, đàn heo ở Đồng Nai hiện có 2,34 triệu con. Trong đó, có khoảng 330 ngàn con heo nái, 4.900 con đực giống, còn lại là heo thương phẩm. Với đàn heo lớn như trên (lớn nhất cả nước), ngành nông nghiệp Đồng Nai đang đặc biệt quan tâm tới diễn biến của bệnh dịch tả heo châu Phi trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc.
Ông Quang cho hay “Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi trọng điểm nên chúng tôi phải thông tin nhanh chóng về sự nguy hiểm và diễn biến của dịch bệnh để nông dân biết mà chủ động phòng chống. Trong điều kiện chưa có vacxin, chủ động sử dụng các biện pháp an toàn sinh học ở các trang trại có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh.
Ảnh minh họa |
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở NN-PTNT có văn bản chỉ đạo BCĐ phòng chống dịch bệnh ở các huyện, thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa, phải tăng cường giám sát dịch tễ để phát hiện nhanh chóng trường hợp dịch bệnh xuất hiện có tính chất lây lan. Khi ấy, cơ quan chuyên môn phải nhanh chóng lấy mẫu xác định căn bệnh. Nếu đó là dịch tả heo châu Phi, thì phải thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp như khoanh vùng, tiêu hủy con heo bệnh, tổng vệ sinh sát trùng tiêu độc, ngăn chặn vận chuyển để tránh lây lan, tổ chức tiêm phòng các bệnh khác ...”.
Nhiều công ty chăn nuôi cũng đã khẩn trương bắt tay thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn heo, bảo vệ các trang trại của mình. Chẳng hạn, trong tuần qua, Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã cho in những tờ rơi phát cho các trang trại.
Theo đó, C.P Việt Nam yêu cầu các trang trại thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau: Chăn nuôi heo theo mô hình chuồng kín để kiểm soát vật mang trùng; sát trùng, tắm, gội đầu, thay quần áo của trại và ủng trại; thay ủng, nhúng vào hố sát trùng trước khi vào và ra khỏi trại; trại phải có hàng rào bao quanh và cổng hạn chế con người/động vật khác tự do ra vào trại; không mang thịt heo, thực phẩm có chứa thịt heo vào trại; không sử dụng thức ăn dư thừa làm thức ăn cho heo ăn; xử lý nước với Chlorine 3-5ppm trước khi cho heo uống; vệ sinh và sát trùng phương tiện trước khi vào trại bằng Ominicid/Aldekol/Virkon® S (nghỉ 30 phút); kiểm soát ruồi, sử dụng Quick Bayt® hoặc Cyperkiller pha nước, phun xịt lên bề mặt chuồng trại; định kỳ vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc sát trùng khuôn viên chuồng trại; sau khi xuất heo, xử lý Intra Hydrocare cho toàn bộ hệ thống dẫn nước trong trại.
TS Nguyễn Quốc Đạt, PCT Hội Chăn nuôi VN: Với điều kiện chăn nuôi hiện nay ở VN, nếu xảy ra dịch bệnh dịch tả heo, khả năng bùng phát là rất lớn. Để góp phần ngăn chặn dịch tả heo châu Phi thâm nhập vào Việt Nam, Chính phủ cần xem xét ban hành lệnh cấm NK thịt heo từ những nước đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi như Ukraina, Ba Lan ... Vì thịt NK chủ yếu là thịt đông lạnh, mà virus dịch tả heo châu Phi lại sống rất lâu trong thịt đông lạnh. Bên cạnh đó có thể xem xét, tạm ngừng các hoạt động tạm nhập tái xuất các sản phẩm thịt heo vì đây cũng là nguy cơ đem dịch bệnh về VN. Dịch tả heo châu Phi là dịch bệnh rất nguy hiểm, nếu xuất hiện ổ dịch thì bắt buộc phải tiến hành ngay các biện pháp tiêu hủy. Do đó, Chính phủ cần xây dựng ngay chính sách hỗ trợ tiêu hủy khi xảy ra dịch tả heo châu Phi ở Việt Nam. Trước đây, mỗi khi một dịch bệnh nguy hiểm nào đó xuất hiện và bùng phát trên vật nuôi, chính sách hỗ trợ tiêu hủy mới được xem xét, ban hành, khiến cho việc tiêu hủy không được nhanh chóng, triệt để ngay từ đầu. |
TS Michel (Tập đoàn Olmix): Đến 7/9, Trung Quốc đã xuất hiện 14 ổ dịch tả heo châu Phi. Bệnh này đang tiến dần tới biên giới Việt Nam. Cơ quan chức năng cần phải kiểm soát virus gây bệnh ASF ngay từ sân bay, ngăn chặn nguồn thực phẩm dư thừa trên các chuyến bay. Thức ăn thừa trên các chuyến bay không được sử dụng làm thức ăn cho heo, vì nguy cơ lây lan virus qua thức ăn trên các chuyến bay thương mại quốc tế là rất lớn. bệnh dịch tả heo xuất hiện ở Brazil vào năm 1978 có nguyên nhân từ việc dùng thức ăn thừa trên máy bay để cho heo ăn. |
Nhận định của C.P Việt Nam về ASF: Nếu xảy ra dịch tả heo châu Phi, sẽ gây ra nhiều hậu quả lớn về kinh tế, xã hội. Theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), nếu xảy ra dịch bệnh ASF, heo bệnh phải tiêu hủy, heo trong khu vực có bán kính 3 km sẽ bị cấm vận chuyển buôn bán. Điều này sẽ dẫn đến một lượng heo lớn tồn lại ở các trại, nguy cơ buôn bán heo lậu sẽ tăng nên làm cho dịch bệnh càng khó được kiểm soát. ASF sẽ gây mất cân bằng về giá heo giữa các vùng có dịch và không có dịch. Theo thông tin từ Chanel News Asia, giá heo thịt ở Liêu Ninh (Trung Quốc) hiện chỉ 12.02 NDT/kg (tương đương 1.76 USD). Trong khi đó ở phía Đông Nam tỉnh Chiết Giang, giáp ranh với trung tâm quốc tế Thượng Hải, do ảnh hưởng của ASF, giá heo tăng vọt lên 17,74 NDT/kg (2.60 USD) trong tuần này, tăng 23% kể từ đầu tháng 8. Dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của một bộ phận người nông dân, các công nhân chăn nuôi, công nhân trong nhà máy cám, công nhân trong nhà máy giết mổ, các nhà máy thức ăn chăn nuôi. Nguồn cung cấp thịt heo sẽ thiếu hụt dẫn đến giá của thịt heo sẽ tăng cao gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. Hiện tại, với những quốc gia chưa có dịch bệnh, việc dừng nhập khẩu heo sống và các sản phẩm liên quan đến heo đã được đưa ra đối với các nước đã có dịch bệnh. Điều này thực sự là đáng lo ngại đối với các quốc gia đang xuất khẩu thịt heo lớn trên thế giới như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Canada… |